Giảm thiểu TNGT đường thuỷ
Hưởng ứng Cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hoá giao thông với bình yên sông nước" do Uỷ ban ATGT Quốc gia phát động, Ban chỉ đạo (BCĐ) Cuộc vận động xây dựng phong trào tỉnh Tây Ninh đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu nên đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ ý thức của người tham gia giao thông.
CSGT tặng áo phao cho các chủ đò |
Ông Bùi Công Sơn, Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh Tây Ninh cho biết, dưới sự chỉ đạo của BCĐ Cuộc vận động, lực lượng Cảnh sát đường thủy, Thanh tra giao thông tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT đường thủy như: phương tiện chở quá tải, không bảo đảm chất lượng an toàn kỷ thuật, không đăng ký, không đăng kiểm, không trang bị hoặc thiếu dụng cụ cứu sinh, thuyền viên và người lái không có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn.
Qua 5 năm triển khai, thực hiện cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” tình hình TTATGT trên đường thủy đã có chuyển biến tích cực. Từ năm 2011- 2015, toàn tỉnh xảy ra 9 vụ TNGT, làm 26 người chết. So với cùng kỳ 5 năm trước khi thực hiện cuộc vận động, TNGT đã giảm 4 vụ, giảm 3 người chết. Đặc biệt, riêng 7 tháng đầu năm 2015, địa bàn tỉnh chưa xảy ra TNGT đường thủy. Đây là kết quả việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cũng như sự chuyển biến từ nhận thức của người tham gia giao thông khi cuộc vận động đã đi vào cuộc sống của người dân sinh sống, tham gia giao thông trên sông nước, ông Sơn nhấn mạnh.
Nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân
Theo BCĐ, cuộc vân động đã xây dựng được các mô hình “Văn hoá giao thông đường thuỷ” với nhiều loại hình phong phú, đa dạng đã tạo được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân sinh sống vùng sông nước. Đây chính là hạt nhân, là yếu tố quan trọng để kéo giảm TNGT đường thủy một cách bền vững. Trong nhiều mô hình được triển khai thì tiêu biểu nhất là mô hình “Khu dân cư an toàn” tại xã Phước Chỉ thuộc huyện Trảng Bàng và mô hình “Bến phà an toàn, văn minh, văn hóa” huyện Bến Cầu. Các tiêu chí an toàn được gắn với cuộc sống thường nhật của người dân, tham gia giao thông đúng luật, có chứng chỉ chuyên môn, bằng thuyền trưởng… và chính những người lái đò là tuyên truyền viên tích cực vận động, nhắc nhở người dân chấp hành đầy đủ các quy định an toàn khi tham gia giao thông.
Tham gia các mô hình “Văn hoá giao thông đường thuỷ”, những hộ gia đình trong khu dân cư miền sông nước ký cam kết không vi phạm TTATGT đường thủy nội địa, các chủ phương tiện thủy cam kết khi tham gia giao thông, phương tiện đều phải được đăng ký, đăng kiểm, người lái phương tiện phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn. Đồng thời, bến phà phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa. Chủ bến phà phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm trật tự ATGT nói chung và xây dựng “Bến phà an toàn, văn minh, văn hóa” nói riêng.
Việc xây dựng mô hình "Văn hóa giao thông đường thủy" đã giúp định hướng, thúc đẩy các nhân tố hình thành cách ứng xử có văn hóa, chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông đường thủy; đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ ứng xử có văn hóa của người thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa.
Bên cạnh đó, BCĐ Cuộc vận động đã tổ chức nhiều cuộc thi về ATGT đường thuỷ, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy từng bước nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng và toàn xã hội đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế như vi phạm trật tự ATGT đường thủy và TNGT chết người vẫn còn xảy ra, có những vụ đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người. Bến thủy nội địa, bến khách ngang sông hoạt động không có giấy phép; tình trạng lục bình phủ kín mặt sông ở một số thời điểm gây khó khăn cho các phương tiện thủy lưu thông qua lại ... chưa được lực lượng, đơn vị, ngành chức năng xử lý, giải quyết triệt để. Việc xét công nhận mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” thực hiện còn chậm.
Theo ông Bùi Công Sơn, để có thể tiếp tục đẩy mạnh phong trào Hưởng ứng Cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hoá giao thông với bình yên sông nước" trên địa bàn tỉnh, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở, công tác tuyên truyền cần được tiến hành thường xuyên, lâu dài; tuyên truyền đi đôi với hỗ trợ cấp phát áo phao, dụng cụ nổi...
Tây Ninh là tỉnh nằm trong khu vực miền Đông Nam Bộ có diện tích tự nhiên 4.035,45 Km2. Là tỉnh có địa hình chuyển tiếp giữa vùng núi cao nguyên Trung bộ xuống đồng bằng sông Cửu Long. Mạng lưới giao thông đường thủy nội địa của tỉnh gồm có 2 sông chính là sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông (có chiều dài 151 km chảy qua địa phận tỉnh Tây Ninh) và các kênh, rạch (có chiều dài khoảng 400 km). Ngoài ra còn có hồ Dầu Tiếng với 27.000 ha diện tích mặt nước, sức chứa hơn 1,5 tỷ m3 nước. Với sự phân bố đa dạng, phong phú của các tuyến đường thủy đã tạo điều kiện cho tỉnh có nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ giao thông đường thủy, góp phần giảm áp lực cho giao thông đường bộ tại địa phương. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.