Thi công rầm rộ trên cao tốc “trục ngang” tại miền Tây

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đường bộ 05/04/2024 18:56

Trước những khó khăn về nguồn cát đắp gia tải, các đơn vị thi công dự án cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã nỗ lực tìm mọi biện pháp, thi công vượt tiến độ đề ra.

Dự án cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng chiều dài 188 km, đi qua địa phận 4 tỉnh, thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng với 4 dự án thành phần, được khởi công toàn tuyến vào tháng 6/2023.

Thi công rầm rộ trên cao tốc “trục ngang” tại miền Tây- Ảnh 1.

Nhà thầu tập trung máy móc, xây dựng trạm trộn bê tông trên công trường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Tại dự án thành phần 1 qua tỉnh An Giang do UBND tỉnh An Giang chịu trách nhiệm nhà nước về đầu tư, tính đến giữa tháng 4/2024, nguồn cát ở các mỏ tại địa phương cơ bản đáp ứng yêu cầu đắp nền và hiện các nhà thầu đang hoàn tất hồ sơ đăng ký khai thác tại tất cả 4 mỏ trên địa bàn.

Theo đó, dự án thành phần 1 được thực hiện từ km0+314 tuyến tránh QL91 thuộc địa phận xã Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc) đến huyện Vĩnh Thạnh (TP. Cần Thơ).

Dự án có chiều dài 57,014 km thuộc tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ, tổng mức đầu tư hơn 13,5 nghìn tỷ đồng. Dự án được chia làm 4 gói thầu xây lắp, tính đến hết ngày 30/3/2024, cả 4 gói thầu đều vượt tiến độ.

Cụ thể, đối với gói thầu số 42 thi công xây lắp công trình đoạn từ km0+314 đến km17+240 do liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Công ty Cổ phần Vật tư thiết bị và Xây dựng công trình 624 thi công đạt 8,21/7,54% tiến độ được giao.

Thi công rầm rộ trên cao tốc “trục ngang” tại miền Tây- Ảnh 2.

Thi công đêm trên tuyến

Gói thầu số 43 thi công xây lắp công trình đoạn từ km17+240 đến km31+280 do liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành và Công ty Cổ phần Hải Đăng thi công đạt 8,18/7,5% tiến độ được giao.

Gói thầu số 44 thi công xây lắp công trình đoạn từ km31+280 đến km43+500 do liên danh Công ty Cổ phần 471 và Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Huy - Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong thi công đạt 17,20/16,6% tiến độ được duyệt.

Gói thầu số 45 thi công xây lắp công trình đoạn từ km43+500 đến cuối tuyến dự án thành phần 1 do liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam, Tổng công ty Xây dựng số 1 và Tổng công ty Thành An thi công đạt 5,29/5,20% tiến độ.

Video ông Nguyễn Văn Nam, đại diện nhà thầu Thành Huy chia sẻ quá trình thi công tại dự án

Đại diện Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông và Nông nghiệp tỉnh An Giang cho biết, ngoài việc nỗ lực thi công, dự án đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu cát cũng như công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Cụ thể, hiện 45 hộ dân còn vướng mặt bằng, trong đó huyện Châu Phú 14 hộ dân, huyện Châu Thành 15 hộ dân, huyện Thoại Sơn 16 hộ dân và các huyện còn lại. Thêm vào đó, một số hộ dân còn nằm trong khu vực thi công các cầu chính trên tuyến, do đó đơn vị kiến nghị sớm bàn giao mặt bằng sạch để nhà thầu tập trung thi công đồng bộ.

Ngoài ra, UBND tỉnh An Giang đã bố trí các khu vực mỏ trên địa bàn cho các nhà thầu theo cơ chế đặc thù. Cụ thể, mỏ trên sông Tiền, thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang được bố trí cho Công ty CP Tập đoàn Thành Huy với diện tích 51,69 ha.

Khu vực trên sông Hậu thuộc xã Bình Long (huyện Châu Phú) và xã Bình Thạnh Đông (huyện Phú Tân), tỉnh An Giang bố trí cho Công ty CP Xây dựng Tân Nam với diện tích 32,77 ha.

Thi công rầm rộ trên cao tốc “trục ngang” tại miền Tây- Ảnh 3.

Khai thác cát phục vụ thi công trên địa bàn tỉnh An Giang

Trên sông Hậu thuộc xã Bình Long (huyện Châu Phú) và xã Bình Thạnh Đông (huyện Phú Tân), tỉnh An Giang giao cho Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn với diện tích hơn 22 ha. Vị trí cuối cùng nằm trên sông Tiền thuộc xã Vĩnh Xương và xã Vĩnh Hòa (thị xã Tân Châu), tỉnh An Giang giao cho Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn với diện tích 72 ha.

Tuy nhiên, hiện các nhà thầu chưa thể khai thác nguồn cát về công trình do đang thực hiện các thủ tục theo quy định.

Theo đánh giá, khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện đang triển khai hàng loạt dự án cao tốc thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, gồm: Cần Thơ - Cà Mau, tuyến trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh, Cao Lãnh - An Hữu. Tổng nhu cầu cát cho 4 dự án đang triển khai là khoảng 56 triệu m3. Mặc dù tổng trữ lượng cát ở đồng bằng sông Cửu Long theo tính toán trước đó của Bộ Tài nguyên và Môi trường lên đến 120 triệu m3, thừa khả năng cung cấp cho các dự án cao tốc trọng điểm đang triển khai trong khu vực, nhưng thực tế sản lượng khai thác lại đang thiếu hụt trầm trọng.

Vì vậy, Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ GTVT đã nhiều lần làm việc và đề nghị các địa phương liên quan khẩn trương có giải pháp hiệu quả để bảo đảm cung cấp đủ khối lượng vật liệu xây dựng phục vụ thi công, đồng thời đề nghị các đơn vị cần chủ động tìm kiếm nguồn cát thương mại, bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình.