Đến hết tháng 2/2017, riêng công ty Grab tại Tp.HCM đã có hơn 9.200 xe tham gia thí điểm |
Trong văn bản báo cáo UBND Tp.HCM về việc triển khai thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, Sở GTVT Tp.HCM cho biết, đến nay trên địa bàn Thành phố có 2 đơn vị tham gia thực hiện thí điểm là Grabtaxi và Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam.
Tuy nhiên, do không khống chế số lượng phương tiện tham gia thí điểm nên từ khi thực hiện thí điểm vào giữa năm 2015 đến nay, số lượng phương tiện tham gia Đề án này gia tăng nhanh chóng. Nếu thời điểm đầu thực hiện thí điểm chỉ có khoảng 300 xe thì đến hết tháng 2/2017, riêng công ty Grab đã có hơn 9.200 xe tham gia thí điểm.
Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT Tp.HCM cho biết, đến nay đơn vị này đã cấp phù hiệu cho hơn 21.000 xe hợp đồng dưới 9 chỗ. Bên cạnh đó, lượng xe dưới 9 chỗ từ các địa phương khác liên tục di chuyển về Tp.HCM để tham gia hoạt động theo hình thức hợp đồng, phá vỡ quy hoạch taxi và công tác quản lý đối với loại hình xe dưới 9 chỗ rất phức tạp.
Từ thực tế này, Sở GTVT Tp.HCM đề xuất UBND Thành phố khống chế số lượng đơn vị, số lượng phương tiện tham gia đề án thí điểm cho đến khi Bộ GTVT tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi Tp.HCM cho rằng, không có việc thí điểm nào không có sự khống chế số lượng đơn vị tham gia. Trong khi hiện nay, việc tham gia đề án thí điểm vận tải hành khách bằng hợp điện tử lại đi ngược xu thế này, khiến tình trạng ùn tắc trên địa bàn Thành phố càng thêm nghiêm trọng.
Ông Hỷ nói: Taxi truyền thống khống chế không quá 11.000 phương tiện, các đơn vị không được tăng đầu xe, trong khi các doanh nghiệp tham gia thí điểm xe vận chuyển bằng hợp đồng điện từ từ 9 chỗ ngồi trở xuống thực chất là chở khách thì lại phát triển vô tội vạ không có điểm dừng. Đây là điểm bất bình thường trong chính sách giải quyết Uber, Grab.
Tương tự như vậy, trên địa bàn Hà Nội hiện cũng có 7 đơn vị được cấp phép tham gia thí điểm. Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, hiện đơn vị này đang làm việc với các đơn vị đã được cấp phép thí điểm để yêu cầu báo cáo số lượng phương tiện tham gia thí điểm.
Tuy nhiên, thống kê của Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, số phương tiện tham gia thí điểm trên địa bàn lên tới hơn 40.000 xe. Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, việc gia tăng nhanh chóng số lượng phương tiện tham gia thí điểm đã gây áp lực đáng kể lên hệ thống hạ tầng giao thông của Thành phố.
Ông Bình nói: Bây giờ, số lượng phương tiện gia tăng đột biến thì áp lực lên hạ tầng cơ sở là rất lớn. Hiện tại quản lý đang là vỡ trận, vỡ trận chính vì những chính sách của Bộ GTVT.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Tuyển cũng cho rằng, từ năm 2011, Tp. Hà Nội đã hạn chế việc gia tăng số lượng taxi và hiện tổng số taxi trên địa bàn Hà Nội là hơn 19.000 xe. Nhưng các đơn vị được cấp phép tham gia thí điểm lại không bị khống chế số lượng phương tiện, khiến áp lực lên hệ thống hạ tầng càng gia tăng.
Ông Tuyển nói: Căn cứ vào quy hoạch taxi đến năm 2020, căn cứ vào số lượng xe đã tham gia thí điểm thì chúng tôi có đề xuất với UBND Thành phố là không tăng thêm số lượng phương tiện tham gia thí điểm, tạm dừng không thăng thêm và không mở rộng thêm.
Trong văn bản gửi UBND Tp. Hà Nội mới đây, Bộ GTVT cũng đề nghị Thành phố chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội thống kê tổng số phương tiện xe hợp đồng, trong đó làm rõ số lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ và số lượng phương tiện tham gia thí điểm.
Tại văn bản này, Bộ GTVT đã đề nghị UBND Tp.Hà Nội có văn bản thống nhất với Bộ, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tạm dừng cấp mới đơn vị thí điểm.
Tình trạng quản lý lỏng lẻo đối với những đơn vị tham gia đề án thí điểm vận tải hành khách bằng hợp đồng điện tử không chỉ dẫn đến việc gia tăng nhanh chóng số lượng phương tiện tham gia, mà còn khiến việc truy thu thuế đối với những đơn vị này gặp nhiều khó khăn. Những nội dung này sẽ được chúng tôi tiếp tục đề cập trong chuyên muc Tiêu điểm tiếp theo.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.