Quyết tâm và ý chí của Hà Nội trong việc cấm xe máy là rất tốt, phù hợp với xu hướng phát triển của các đô thị văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, với tình hình giao thông Thủ đô Hà Nội hiện nay thì đến 2025 có lẽ chưa đủ điều kiện để thực hiện.
Giao thông công cộng còn nhiều bất cập
Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện, trong đó xe máy là 5,7 triệu chiếc, hơn 600.000 ô tô, thêm khoảng 2 triệu phương tiện vãng lai, từ đó tạo áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông tại Thủ đô. Khẳng định cấm xe máy là điều tất yếu phù hợp với xu thế đối với một đô thị hiện đại như Hà Nội. Trước bức tranh giao thông công cộng Hà Nội với nhiều bất cập, có tới 80 - 90% người dân đi phương tiện cá nhân, trong số này có tới 70% người đi xe máy, việc cấm xe máy người dân sẽ rất khó khăn trong vấn đề đi lại, mưu sinh, trong khi đại đa số người đi xe máy là người khó khăn.
Ngoài xe buýt, đường sắt đô thị được xem là loại hình vận tải công cộng văn minh, góp phần quan trọng vào giảm ùn tắc. Đến thời điểm hiện nay, Hà Nội chỉ có một tuyến Cát Linh - Hà Đông mới đưa vào khai thác, trong khi các tuyến còn lại hiện nay chưa được triển khai xây dựng, buýt nhanh BRT mới chỉ có 1 tuyến Yên Nghĩa - Cát Linh đang bộc lộ nhiều bất cập. Do vậy, nếu chỉ trông chờ vào xe buýt và hai tuyến đường sắt đô thị Hà Nội mà đưa ra lộ trình cấm xe máy vào năm 2025 quả thực thiếu tính khả thi, phi logic.
Đánh giá về chủ trương này, nhiều chuyên gia giao thông lo ngại, việc TP. Hà Nội cấm xe máy vào năm 2025 trong điều kiện vận tải công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại sẽ “khuyến khích” người dân chuyển sang ô tô cá nhân. Để giải quyết được bài toán cấm xe máy, trước tiên vận tải hành khách công cộng phải đảm bảo đáp ứng được ít nhất là 60% nhu cầu đi lại của người dân trong nội đô. Tuy nhiên, hiện nay Hà Nội vẫn chỉ trông chờ vào xe buýt là chủ yếu, nhưng xe buýt lại chưa phát huy được năng lực khi mới chỉ đáp ứng chưa tới 20% nhu cầu đi lại của người dân.
TS. Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy Ban ATGT Quốc gia cho biết, cơ cấu phương tiện đi lại tại các đô thị của Hà Nội đang có sự bất hợp lý (xe cá nhân chiếm tới 90%, trong đó phi cơ giới rất thấp và gần như không có đi bộ) thì việc triển khai các giải pháp điều tiết để hướng tới một tỷ lệ hợp lý hơn giữa các phương thức vận tải là điều chắc chắn cần phải làm.
Một trong những giải pháp mà TS. Trần Hữu Minh hiến kế là Hà Nội nên tập trung vào việc quản lý sử dụng phương tiện hợp lý, tránh lạm dụng phương tiện cơ giới cá nhân, đặc biệt là ô tô. Để có hạn chế và tiến tới cấm xe máy cá nhân thời gian tới, Hà Nội cần tập trung phát triển dịch vụ vận tải xe buýt, BRT, đường sắt đô thị… Đây là những loại hình vận tải công công chủ lực đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại trên trục đường chính.
“Đối với các chuyến đi vào hoặc ra nội thành vào ngày làm việc, nếu chất lượng dịch vụ vận tải công cộng đủ tốt, tiện lợi thì người dân sẽ sử dụng loại hình vận tải dịch vụ công cộng (xe buýt, xe buýt nhanh, tàu điện ngầm, tàu điện trên cao) cho các chuyến đi thường xuyên như đi làm, đi học. Mô hình này đã áp dụng thành công tại Trung Quốc khi chuyển từ xe máy sang phương tiện khác, đó là đối với các tuyến phố, đường ngõ ngách hẹp, dài, có thể phát triển dịch vụ xe đạp công cộng, không gian đi bộ để mở rộng phạm vi thu hút của vận tải công cộng”, TS. Trần Hữu Minh nhấn mạnh.
Đa dạng phương tiện công cộng loại nhỏ
Bên cạnh đó, Hà Nội cần linh hoạt có giải pháp để người dân lựa chọn chuyển đổi phương tiện, chứ không phải chỉ nêu chủ trương cấm xe máy. Ngoài ra, Hà Nội cần đa dạng phương tiện công cộng loại nhỏ như xe buýt 9, 12, 15 chỗ phù hợp với các tuyến phố chật hẹp; khuyến khích việc sử dụng xe đạp, đi bộ ở cự ly ngắn, song song với việc Thành phố phải bố trí làn đường riêng cho người đi xe đạp, giữ vỉa hè cho người đi bộ... Hệ thống vỉa hè có thể thấy ngay không gian đi bộ còn nhiều bất cập không liên tục, chưa an toàn, chưa sạch sẽ, thiếu cây xanh, chiếu sáng kém… nên tỷ lệ người dân đi bộ rất thấp, dưới 1%, trong khi tại nhiều đô thị trên thế giới tỷ lệ chuyến đi bộ có thể lên tới 20% hoặc hơn tổng nhu cầu đi lại.
Kinh nghiệm tại một số nước khi cấm người dân sử dụng xe máy thì các quốc gia này đã tập trung phát triển vận tải công cộng, phát triển vận tải phi cơ giới, xe đạp và đi bộ. Cùng với việc cung cấp cho người dân nhiều sự lựa chọn, chính quyền các nước dùng các công cụ kinh tế để quản lý, truyền thông để tuyên truyền, vận động, định hướng cho người dân để họ chọn phương thức vận tải phù hợp nhất đối với chuyến đi của mình.
Để việc cấm xe máy của Thủ đô thành hiện thực và khả thi thì một vài năm tới có lẽ Hà Nội sẽ chưa đủ điều kiện để thực hiện, nhưng từ 7 - 10 năm nữa thì chắc chắn phải làm quyết liệt. Do đó, cần chuẩn bị kế hoạch bài bản, đầu tư có trọng tâm từ bây giờ, giao thông công cộng tốt hơn sử dụng xe nói riêng và phương tiện cá nhân nói chung. Khi đó, người dân sẽ tự chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.