Theo thống kê của Xí nghiệp buýt nhanh BRT Hà Nội (Tổng công ty Vận tải Hà Nội - Transerco), tuyến buýt nhanh BRT 01 gồm 35 chiếc, sức chứa 90 hành khách (mới được vận doanh 22 xe ngày bình thường và 16 xe ngày chủ nhật).
Hơn 4 năm vận hành, loại hình buýt nhanh BRT đã mang lại những hiệu quả nhất định. Theo đó, tổng hành khách vận chuyển năm 2018 đạt 5,3 triệu lượt, tăng 6,3% (tăng 312.061 lượt hành khách) so với năm 2017; sản lượng năm 2019 đạt 5,5 triệu lượt, tăng 3,7% (tăng 201.569 lượt hành khách) so với thực hiện cùng kỳ năm 2018. Năm 2020, sản lượng đạt 5,35 triệu lượt hành khách, giảm 2,6% so với năm 2019 (giảm 145.559 lượt hành khách chủ yếu do do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19).
Tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa với 1 làn đường dành riêng được xây dựng với số kinh phí đầu tư lên đến cả nghìn tỷ đồng. Kỳ vọng của Hà Nội, tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa thu hút đông người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, hạn chế dần phương tiện cá nhân.
Tuy nhiên, do lượng hành khách đi xe buýt nhanh không như kỳ vọng, thậm chí có những chuyến xe, lượng hành khách khá thưa thớt, chỉ từ 5 - 7 hành khách. Trong khi đó, do phải dành làn đường riêng cho xe buýt nhanh kéo dài từ Bến xe Kim Mã đến Bến xe Yên Nghĩa nên phần đường lưu thông dành cho các phương tiện khác bị thu hẹp lại, gây UTGT, nhất là vào các giờ cao điểm. Trong khi đó, tại nhiều nút giao thông có xe buýt nhanh BRT đi qua, do không có lối đi nên các phương tiện khác không thể “kiên nhẫn” mà lấn sang làn đường dành cho xe buýt nhanh, khiến xe buýt nhanh cũng mắc kẹt. Hà Nội cũng đã từng xử phạt đối với xe cố tình đi vào làn dành riêng nhưng rồi tình hình cũng không được cải thiện.
Theo các chuyên gia về giao thông đô thị, dự án xe buýt nhanh đã và đang gây lãng phí cả về không gian và tiền bạc. Bởi, việc xe buýt nhanh đi vào hoạt động đã chiếm một khoảng không gian trên các tuyến đường. Lượng người đi xe buýt nhanh không đông, trong khi nếu để không gian của xe buýt nhanh cho các phương tiện khác chạy thì công suất sẽ cao hơn.Theo TS. Đinh Thị Thanh Bình - Trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý (Trường Đại học GTVT) đánh giá, tuyến buýt BRT chạy làn dành riêng chỉ hiệu quả khi quãng đường chạy đủ dài, lượng hành khách lớn. Nếu chỉ dành riêng được một vài đoạn dài vài kilômét và lượng hành khách không cao, tần suất chạy thấp, xe sức chứa nhỏ thì không mang lại hiệu quả.
Qua khảo sát của chúng tôi, để thu hút thêm người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng thì yếu tố đầu tiên cần cải thiện là giảm thời gian chuyến đi (tăng tốc độ khai thác); do xe buýt bị hạn chế rất lớn về khả năng bảo đảm thời gian hành trình.
Để phát huy hiệu quả đầu tư đối với BRT cần rà soát và lắp đặt đèn tín hiệu ưu tiên cho hành khách sang đường tiếp cận nhà chờ sử dụng BRT nếu không xây dựng cầu vượt bộ hành; tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà chờ của tuyến BRT, tạo thuận lợi để hành khách gửi xe cá nhân chuyển sang sử dụng tuyến BRT; nghiên cứu và thiết kế, bố trí thêm nhà vệ sinh tại một số nhà chờ chính đảm bảo mỹ quan và không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh; khuyến khích xã hội hóa tham gia đầu tư tăng cường các dịch vụ tiện ích phục vụ hành khách đi tuyến BRT tại các nhà chờ.
Một trong những giải pháp quyết liệt hơn, theo TS. Lê Đình Ba - Trường Đại học Xây dựng thì các lực lượng chức năng như: CSGT, TTGT tiếp tục duy trì và tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra và xử lý vi phạm trên hành lang BRT, hạn chế tình trạng các phương tiện cá nhân đi vào làn đường dành riêng cho BRT đảm bảo xe BRT vận hành thông suốt.Còn theo ông Jun Matsumoto - Tổng Giám đốc Tập đoàn Michinori Holdings (Nhật Bản), tại Nhật Bản có rất nhiều tuyến BRT, việc quan trọng nhất của BRT là bảo đảm tính chính xác về thời gian và tính thông thoáng cho việc sử dụng giao thông công cộng. Với mức tần suất dịch vụ hiện nay từ 5 - 10 phút/lượt xe sẽ có khoảng trống về không gian và thời gian, vừa gây lãng phí vừa dễ tạo khoảng trống để các phương tiện khác lấn làn BRT. Các tuyến xe buýt thường chạy cùng hành lang BRT đều là các tuyến xe buýt gom cho BRT và cũng chỉ chạy chung đoạn đường ngắn (tối đa chưa đến 3 km).
Việc tạo điều kiện cho xe buýt thường chạy chung với BRT sẽ góp phần cải thiện dịch vụ buýt thường, giảm áp lực giao thông ở làn giao thông chung và gián tiếp tăng cường dịch vụ cho BRT.
Tuyến buýt nhanh BRT là tuyến buýt được đầu tư thí điểm đầu tiên của Hà Nội và cả nước. Trong quá trình quản lý, khai thác, vận hành, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội và Tổng công ty Vận tải Hà Nội (đơn vị quản lý và khai thác tuyến BRT) cần tiếp thu những ý kiến đóng góp của nhân dân và các nhà khoa học để điều chỉnh, tổ chức hoạt động vận tải sao cho phù hợp, từ đó phát huy hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.