Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự

Tác giả: Phương Vũ (TH)

saosaosaosaosao
Chính trị 15/06/2015 16:47

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, sáng 15/6, các ĐB Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).

quoc hoi
Ảnh minh họa

Cần sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)

Qua thảo luận, đa số đại biểu đồng tình với quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng. Khi chưa có điều luật cụ thể để áp dụng thì đối với những vụ việc đơn giản Tòa án có thể áp dụng tinh thần của Hiến pháp, áp dụng nguyên tắc chung, nguyên tắc tương tự của luật và lẽ công bằng để giải quyết vụ án. Đối với những vụ việc phức tạp mà Tòa án không thể giải quyết ngay được thì có thể kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét.

Bên cạnh đó, đa số đại biểu nhất trí cao với việc cần thiết sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định), Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) đề nghị ban soạn thảo chỉ sửa đổi, bổ sung các vấn đề thật sự cần thiết, làm rõ lý do của việc sửa đổi, bổ sung. Vấn đề nào không thật sự cần thiết thì sẽ không sửa để tránh gây khó khăn cho tòa án và người dân trong thực thi pháp luật.

Nhiều ý kiến trái chiều về vai trò của Viện kiểm sát nhân dân

Thảo luận về sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tại phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, các đại biểu tán thành với quan điểm Viện kiểm sát là Cơ quan tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng trong tố tụng dân sự Viện Kiểm sát nhân dân không phải là cơ quan công tố (đây là điểm khác biệt cơ bản với tố tụng hình sự) mà chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát hoạt động tư pháp.

Tán thành với việc Viện kiểm sát nhân dân tham gia phiên tòa, các đại biểu Nguyễn Minh Lâm (đoàn Long An), Nguyễn Xuân Thủy (đoàn Phú Thọ) và Hà Công Long (đoàn Giai Lai) cho rằng: trong những trường hợp chỉ có 1 bên đương sự hoặc những đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất tâm thần, các tranh chấp đất đai cần có sự tham gia của Viện Kiểm sát nhân dân, từ đó kịp thời phát hiện vi phạm, thực hiện các quyền kiến nghị và kháng nghị.

nguyen minh lam
Đại biểu Nguyễn Minh Lâm

Đại biểu Nguyễn Minh Lâm( Đoàn Long An) nhận định: “Theo tôi, chọn phương án 2 của dự thảo, tức là giữ nguyên theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự được sửa đổi bổ sung năm 2011 về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Bởi vì sự có mặt của Viện kiểm sát tại phiên tòa, hay phiên họp dân sự nhằm đảm bảo hoạt động kiểm sát được thực hiện một cách toàn diện đảm bảo được chức năng kiểm sát được thực hiện một cách toàn diện đảm bảo chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của viện kiểm sát. Nếu theo phương án 1 thì quyền thực hiện hoạt động kiểm sát của viện kiểm sát bị giới hạn, qua đó chưa phát huy hoàn toàn của chức năng kiểm sát”.

Ý kiến của bạn

Bình luận