Hoạt động giám sát tại Trung tâm Điều khiển giao thông Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Các chuyên gia cho rằng, TP cần phải đẩy nhanh quá trình xây dựng, vận hành hệ thống Giao thông thông minh (GTTM) để tối ưu hóa năng lực hạ tầng sẵn có.
Cần gấp một hệ điều hành
Với hơn 7 triệu dân, trên 5,5 triệu phương tiện giao thông, 90% số chuyến đi được thực hiện bằng xe máy, hạ tầng giao thông của Hà Nội đang chịu áp lực vô cùng lớn; UTGT, ô nhiễm môi trường ngày càng diễn biến phức tạp.
Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Hữu Minh chia sẻ, theo kinh nghiệm thế giới thì có 3 biện pháp chính để giải quyết vấn đề UTGT tại các đô thị lớn, bao gồm: hợp lý hóa nhu cầu đi lại; mở rộng, phát triển hạ tầng; tối ưu hóa cơ sở hạ tầng hiện hữu, trong đó có việc ứng dụng công nghệ GTTM để đạt được kết quả tốt nhất trên nền tảng sẵn có.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, Hà Nội hiện đang thiếu một quy hoạch tổng thể hợp lý, dẫn đến mất cân đối nghiêm trọng trong phân bố dân cư. Khu vực trung tâm TP tập trung quá đông dân, nhu cầu đi lại tại đây tăng cao từng ngày trong khi hạ tầng giao thông lại không thể một sớm một chiều đáp ứng kịp. Trong bối cảnh đó, Hà Nội rất cần phải có một hệ thống GTTM, phù hợp với hiện trạng và xu hướng phát triển để vận hành hiệu quả mạng lưới giao thông đô thị.
GTTM hiểu một cách đơn giản là việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ, bao gồm các thiết bị cảm biến, điều khiển điện tử, tin học và viễn thông để điều hành và quản lý hệ thống GTVT. Trong đó tập trung vào những mục tiêu chủ yếu như: Thiết lập trung tâm chỉ huy điều hành; hệ thống giám sát và thu thập thông tin giao thông; hệ thống thông tin giao thông; hệ thống điều khiển giao thông; hệ thống bảo đảm an ninh, an toàn; quản lý tình huống khẩn cấp; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý vận tải; quản lý phương tiện cá nhân.
Đầu tư từng phần
Vừa qua, Hà Nội đã phối hợp với Công ty Hệ thống thông tin FPT để xây dựng và từng bước triển khai hệ thống GTTM trên địa bàn TP. Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý & Điều hành giao thông đô thị Hà Nội Dương Thế Bình cho biết, trước mắt hệ thống GTTM sẽ được xây dựng dựa trên kế thừa hạ tầng sẵn có và đầu tư các hạng mục ưu tiên trước.
Cụ thể, sẽ kế thừa cơ sở hạ tầng kết nối sẵn có (bao gồm cả kết nối không dây và có dây). Đầu tư hệ thống trang thiết bị với mục đích truyền dữ liệu xe buýt, thẻ vé điện tử… cho 500 xe buýt hoạt động trên 20 tuyến. Đầu tư cơ sở hạ tầng tại 5 điểm chung chuyển xe buýt thiết yếu của TP để có hệ thống cung cấp thông tin hữu ích cho người dân. Đầu tư hệ thống bảng, biển báo bằng đèn LED tại hơn 300 vị trí nhà chờ xe buýt để đưa ra thông tin hữu ích, điều hướng phù hợp cho hành khách và người tham gia giao thông khác.
Giai đoạn tiếp theo, sẽ tiến hành số hóa cơ sở hạ tầng và phương tiện vận tải để phục vụ quản lý cả giao thông lẫn tài chính. Đảm bảo cân bằng lượng phương tiện với năng lực hạ tầng và tránh tình trạng vi phạm luật giao thông hay trốn thuế của các phương tiện kinh doanh vận tải. Xây dựng bản đồ số giao thông và hệ thống thông tin giao thông thời gian thực để cung cấp cho người dân những lựa chọn tối ưu khi có nhu cầu di chuyển. Đưa vào sử dụng thẻ vé điện tử liên thông giữa các loại hình vận tải công cộng nhằm tối ưu năng lực đáp ứng và quản lý thu chi.
Bên cạnh đó, trong năm 2017, Sở GTVT Hà Nội sẽ phối hợp với Công ty FPT xây dựng hệ thống giám sát và thu thập thông tin giao thông từ hệ thống camera và thiết bị GPS. Hệ thống thông tin giao thông, với bản đồ giao thông và tích hợp dữ liệu, ứng dụng di động, cổng thông tin giao thông tập trung và hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông dự kiến có thể phục vụ người dân vào dịp 2/9 tới. Hệ thống quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt dự kiến xong trong tháng 10.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.