Kể từ năm 2013, khi Quỹ Bảo trì đường bộ đi vào hoạt động đã chia sẻ và giảm gánh nặng cho ngân sách. Đặc biệt, từ nguồn vốn bảo trì ngành Đường bộ đã bảo dưỡng thường xuyên đối với 20.582km đường (không kể đường BOT), 5.450 cầu, các bến phà và hầm được bảo đảm an toàn thông suốt; sửa chữa 76,8 triệu m2 mặt đường, tương đương 10.971,4km đường cấp 3 bề rộng 7m, trong đó thảm bê tông nhựa 6.965km, láng nhựa 4.007km đường; sửa chữa 1.031 cây cầu yếu, kiểm định đánh giá an toàn đối với 644 cầu…
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, trước đây ngân sách thường giao vào quý I, sau đó khảo sát, thiết kế, đấu thầu, ký hợp đồng…, do đó đến tháng 6 mới thi công lại trùng vào mùa mưa nên hiệu quả sửa chữa bị hạn chế. Đến nay, quý III đã có kế hoạch bảo trì của năm sau nên các thủ tục được làm từ năm trước, việc thi công thực hiện từ đầu năm khi đang là mùa khô nên các hư hỏng được sửa chữa sớm, hạn chế phát sinh thêm khối lượng hư hỏng. “Bên cạnh đó, mô hình công tác bảo trì cũng được thay đổi và chuyển từ hình thức nghiệm thu theo khối lượng sang hình thức đánh giá chất lượng thực hiện đối với bảo dưỡng thường xuyên. Đây là nội dung được Ngân hàng Thế giới khuyến khích áp dụng như các quốc gia khác”, ông Huyện nhấn mạnh.
Đồng thời, các dự án sửa chữa được đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu. Riêng công tác quản lý và bảo dưỡng thường xuyên, trước năm 2013 Chính phủ cho phép áp dụng đặt hàng, nhưng đến năm 2013 Tổng cục đã đấu thầu thí điểm quản lý và bảo dưỡng thường xuyên 4 tuyến quốc lộ. Từ năm 2014 trở đi đã mở rộng đấu thầu bảo dưỡng thường xuyên đối với toàn hệ thống quốc lộ, thời gian bảo dưỡng thường xuyên 3 năm với tổng giá trị là 1.377,7 tỷ đồng. Giá trị tiết kiệm do đấu thầu trên 82 tỷ đồng, giảm 5,6% so với dự toán.
Theo thống kê của Tổng cục ĐBVN, từ khi có Quỹ bảo trì đường bộ, nhiều công nghệ, vật việu mới được ứng dụng trong công tác bảo trì cầu, đường như: Công nghệ cào bóc tái chế của Đức, Mỹ, Nhật Bản đã được triển khai áp dụng sửa chữa ở nhiều tuyến quốc lộ…; đang thực hiện thí điểm bảo trì mặt đường bằng vật liệu Microsufacing của Tây Ban Nha, Ấn Độ…; JICA đã tài trợ cho Tổng cục ĐBVN thí điểm công nghệ trám vết nứt, sửa chữa ổ gà trên mặt đường và công nghệ thoát nước mặt cầu của Nhật Bản. Nhiều sản phẩm công nghệ mới đã được áp dụng trong sửa chữa cầu, đường và các công trình ATGT, công trình chống sụt trượt…
Cũng theo ông Huyện, bên cạnh những mặt tích cực nhưng do nguồn vốn cho công tác bảo trì còn hạn chế nên chỉ mới đáp ứng được khoảng 44% công tác bảo dưỡng thường xuyên, vì vậy nhiều hạng mục phải cắt giảm như đếm xe, trám vết nứt trên mặt đường, giảm số lần cắt cỏ… Tổng cục ĐBVN sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các cục quản lý đường bộ, các sở GTVT và các nhà thầu tại tất cả các khâu quản lý chất lượng trong dự án sửa chữa và công tác bảo dưỡng thường xuyên
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.