Thu hút các nhà cung cấp phụ tùng nước ngoài đầu tư vào Việt Nam khi mà quy mô thị trường còn nhỏ bé và chỉ rất ít nhà cung cấp nội địa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng là một trong những thách thức khó khăn nhất mà Toyota phải đối mặt để gia tăng nội địa hóa trong 20 năm hoạt động ở Việt Nam.
Giống như nhiều nhà sản xuất khác, năm 1995, khi Toyota đặt chân đến Việt Nam, nhà sản xuất này gặp phải vấn đề vô cùng khó khăn khi muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa do thị trường xe hơi có quy mô rất nhỏ với chỉ khoảng vài ngàn xe mỗi năm, nhưng có tới 10 nhà sản xuất với 20 nhãn hiệu khác nhau. Vì vậy, nhiệm vụ đầu tiên trong giai đoạn sơ khai là phải tồn tại và chuẩn bị cho hành trình dài hạn chinh phục và mở rộng thị trường. Ông Hasegawa, vị Tổng giám đốc đầu tiên của Toyota Việt Nam (TMV) lúc bấy giờ, chia sẻ.
Ở thời điểm 1997, quy mô thị trường chỉ ở mức 6.000 xe mỗi năm, Toyota nắm 22% thị phần tức khoảng 1.200 xe, mỗi ngày chỉ từ 3-4 xe.
Do vậy, nhắc tới nội địa hóa là một khái niệm xa xỉ với Toyota Việt Nam vào lúc bấy giờ. Bởi lẽ, muốn nội địa hóa, phải có hệ thống nhà cung cấp phụ tùng. Nhưng không có hãng phụ tùng nào lại bỏ khoản vốn lớn để đầu tư dây chuyền sản xuất chỉ để cung ứng cho Toyota mỗi ngày 3-4 linh kiện, hãng sẽ không thể đạt hiệu quả kinh doanh.
Xưởng Dập tại nhà máy TMV |
Nhiệm kỳ của ông Hasegawa kết thúc vào năm 1998, và người kế nhiệm – ông Ono đến Việt Nam với một nhiệm vụ mới, một con đường lý tưởng chung mà cả hãng xe Nhật và chính phủ Việt Nam đều hướng tới, đó là làm thế nào gia tăng tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam.
Vị Tổng giám đốc đương nhiệm vạch ra con đường ở xuất phát điểm rất thấp. Đầu tiên, TMV cần tăng quy mô sản xuất và quy mô bán hàng. Vì chỉ có bán hàng tốt thì sản xuất mới nhiều, sản xuất nhiều mới cần lượng phụ tùng lớn, khi đó tỷ lệ nội địa hóa sẽ tăng. Chuỗi quan hệ này cần giải quyết ở ngọn thì mới phát triển được gốc.
Chỉ dấu cho những thành công trong tương lai là chiếc Zace bán rất chạy từ năm 1999, giúp ông Ono tin tưởng, thị trường có thể mở rộng hơn nữa. Ông đưa TMV đi lên bằng việc gia tăng đáng kể năng lực sản xuất của nhà máy, mà đóng góp lớn là sự khéo léo và sáng tạo của công nhân Việt Nam, giúp tối ưu hóa nhân lực, thời gian, tăng năng suất.
Đến 2001, cùng với sự trợ giúp đỡ của Toyota Nhật Bản, TMV quyết định đầu tư xây dựng xưởng dập thân vỏ xe. Dù thực tế, để đầu tư xưởng dập mà có lãi, quy mô sản xuất của nhà máy phải đạt khoảng vài chục ngàn đến vài trăm ngàn xe mỗi năm, trong khi lúc này năng lực sản xuất của TMV chỉ đạt khoảng 6.500 xe.
Hơn nữa,5 dòng xe bán tại Việt Nam lại cần tới 5 khuôn dập khác nhau, chi phí lại càng độn lên cao. Do đó, để phát huy được tỷ lệ nội địa hóa mà vẫn đạt hiệu quả kinh doanh, Toyota tập trung dập vỏ cho hai dòng xe bán chạy nhất lúc bấy giờ là Corolla và Vios.
Sản xuất tại nhà máy |
Cũng vào lúc này, nắm được thông tin Denso có ý định sang Việt Nam thăm dò thị trưởng, ông Ono đến thăm Denso. Thậm chí được cho là đã ra sức “năn nỉ”, chứ không chỉ thương lượng nhằm thuyết phục nhà cung cấp này đầu tư vào Việt Nam dù thị trường rất nhỏ. Tuy nhiên điểm lợi lớn nhất làm các nhà cung cấp chú ý là sự ưu tú trong nguồn nhân lực.
Sau nhiều nỗ lực năm 2003, cùng với thành công trong việc thu hút Denso vào Việt Nam, TMV chính thức đưa xưởng dập đi vào hoạt động. Cho đến nay, TMV vẫn là nhà sản xuất ô tô đầu tiên có đầy đủ quy trình sản xuất hoàn chỉnh gồm 5 công đoạn: Dập – Hàn – Sơn – Lắp ráp - Kiểm tra chất lượng.
Xưởng dập chuẩn bị đi vào hoạt động cũng là lúc ông Ono hết nhiệm kỳ, và người thay thế là ông Sasagawa cùng những sứ mệnhmới với những khó khăn mới và những mục tiêu cao hơn, mà trong đó có gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Quy mô thị trường Việt Nam thời điểm đó đạt con số 27.000 xe, dù còn khá thấp nhưng đã khả quan hơn rất nhiều so với những ngày đầu thành lập. Khi đó nhà máy TMV xuất xưởng 26 xe mỗi ngày cho 5 mẫu xe.
Tuy nhiên, chính vào thời điểm đó, Bộ Tài chính liên tục đưa ra những chính sách áp thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng lên mức rất cao, khiến sản lượng sản xuất của các hãng bị sụt giảm khá nghiêm trọng. .
TMV tìm kiếm nhà cung cấp tại Triển lãm công nghiệp hỗ trợ 2015 |
Những chướng ngại vật về chính sách và quy mô thị trường mới chỉ là một phần nhỏ trong các vấn đề mà ông Sasagawa gặp phải. Khó khăn lại càng thêm khó khăn khi các thiết bị xưởng dập cập cảng Hải Phòng, không có xe chuyên dụng để vận chuyển về nhà máy tại Vĩnh Phúc, đường sá không đủ điểu kiện chịu tải khiến hãng này phải quyết định đóng bè, chuyển về bằng đường sông. Sau đó còn giai đoạn xử lý, gia cố nền đất yếu để có thể chịu lực lớn, giúp máy dập vận hành ổn định. Cuối cùng TMV cũng đã đưa xưởng dập đi vào hoạt động vào tháng 3/2003.
Không dừng lại ở xưởng dập thân vỏ, năm 2008, TMV tiếp tục mở rộng thêm xưởng sản xuất khung gầm với hai dây chuyền hàn và sơn tĩnh điện, nhằm tăng cường tỷ lệ nội địa hóa với khung gầm dành cho các mẫu xe SUV được sản xuất ngay tại nhà máy, thay vì phải nhập toàn bộ như trước đây.
Bên cạnh đó, nhà sản xuất này còn mở rộng mạng lưới cung ứng bằng cách mời gọi nhiều nhà cung cấp thuộc tập đoàn Toyota Nhật Bản vào Việt Nam như Denso, Toyota Boshoku, Toyoda Gosei. Hiện tại TMV có tất cả 18 nhà cung cấp tại Việt Nam.
Đặt mục tiêu tiếp tục gia tăng số lượng chi tiết phụ tùng nội địa hóa, TMV mở rộng hợp tác và tìm kiếm các nhà cung cấp trong và ngoài nước tiềm năng, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng của Toyota.
Chính vì vậy, tháng 4/2009, TMV khai trương Trung tâm nội địa hóa tại trụ sở chính của công ty. Đây là nơi trưng bày các phụ tùng và linh kiện ôtô có tiềm năng nội địa với nhiều chủng loại vật liệu khác nhau được TMV và các nhà cung cấp nghiên cứu phát triển. Trung tâm hiện trưng bày tổng cộng 50 loại linh kiện thuộc các nhóm: Hàng nội thất, hàng nhựa, phụ tùng cao su, hàng hàn dập và hàng điện tử, chức năng, khung gầm
Trung tâm xuất khẩu phụ tùng |
Trải qua những khó khăn bước đầu, TMV đã cố gắng và vươn lên để đạt những thành quả nhất định. Trong số các nhà sản xuất ôtô tại Việt Nam, Toyota có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất từ 19 – 37%, đặc biệt đạt 37% đối với dòng xe Innova, theo phương pháp xác định giá trị của ASEAN. Đến năm 2015, tổng số sản phẩm nội địa hóa của TMV cho tất cả các dòng xe đã lên tới trên 270 sản phẩm các loại.
Bên cạnh đó, TMV còn là doanh nghiệp tiên phong trong xuất khẩu phụ tùng ô tô với sự ra đời của Trung tâm xuất khẩu phụ tùng Toyota vào năm 2004, cho đến nay, sau 11 năm, TMV xuất khẩu phụ tùng tới 14 vùng thuộc 13 quốc gia với kim ngạch trung bình khoảng 30 triệu USD mỗi năm. Trong năm 2015, con số này đã vượt qua số 45 triệu đô la Mỹ.
Dù không ngừng nỗ lực gia tăng tỷ lệ nội đia hóa, TMV cũng thể hiện sự cần thiết của các chính sách của nhà nước nhằm tăng cường và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, và ngành công nghiệp ôtô Việt Nam để tạo điều kiện tốt cho thị trường tiếp tục tăng trưởng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.