Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành
Đầu năm 2019, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành đặt chỉ tiêu kế hoạch 11,2% người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng (tăng 1,6% so với năm 2018). Ông Trần Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hồ Chí Minh (Trung tâm) cho biết: “Để đạt được mục tiêu Thành phố đề ra, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng loại hình cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành. Nếu UBND Thành phố chấp thuận thì sẽ triển khai thí điểm ứng dụng vé thông minh trong quý I/2019 trên 20 tuyến xe buýt nhằm mang lại nhiều tiện ích như: Hành khách đi xe không phải trả tiền mặt, có thể thanh toán bằng thẻ đi xe buýt hoặc thanh toán trên điện thoại qua các ngân hàng; kiểm soát chính xác được đối tượng phục vụ, thời điểm và tuyến xe buýt nào khách đi nhiều; biết được doanh thu thực tế để làm cơ sở quản lý kinh phí ngân sách trợ giá chính xác hơn…
Theo ông Trung, năm 2019 Trung tâm sẽ tiếp tục kiểm soát giám sát các tuyến xe buýt thông qua hệ thống RFID kết hợp với hệ thống GPS để giám sát nghiệm thu thông qua ứng dụng công nghệ, vừa tiết kiệm được nhân sự giữa hai đầu bến, vừa tăng độ chính xác, công khai minh bạch và lưu trữ được toàn bộ dữ liệu hành trình của chuyến xe, phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát về sau. Hiện nay, Trung tâm đang làm việc với các đơn vị tư vấn và xây dựng đề án trình Sở GTVT thẩm định, qua đó nâng cấp trung tâm điều hành, bổ sung các hệ thống hạ tầng, chức năng phần mềm giám sát tự động tốt hơn nhằm phát hiện những hành vi vi phạm trên hệ thống xe buýt như: Tài xế hút thuốc, nghe điện thoại, nhận diện tài xế, móc túi... Nếu phát hiện vi phạm, hệ thống sẽ tự động nhận diện và báo về Trung tâm để xử lý ngay.
Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng
TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút hành khách tham gia |
Để đáp ứng nhu cầu kết nối vận tải hành khách công cộng trên các tuyến đường địa bàn Thành phố, thuận tiện cho việc đi lại của người dân, dự kiến năm 2019 Trung tâm sẽ triển xây dựng và đưa vào sử dụng 3 bến xe buýt với tổng quy mô 43.040m2 gồm: Xây dựng điểm đầu mối trung chuyển hành khách xe buýt tại xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè (19.000m2); xây dựng bến xe buýt Hóc Môn (10.340m2); xây dựng bến xe buýt Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh (13.700m2); đầu tư các dự án bãi kỹ thuật xe buýt với tổng quy mô 13.000m2 gồm: Tỉnh lộ 10 trong Khu dân cư Bình Lợi (40.000m2); Bến xe Đa Phước (30.000m2); Rạch Vĩnh Bình (20.000m2); khu vực lân cận 3 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Phạm Văn Hai (40.000m2).
Để nâng cao chất lượng phục vụ tại các trạm, nhà chờ xe buýt, Trung tâm cũng triển khai và đưa vào sử dụng các dự án cải tạo hệ thống đón, trả khách xe buýt khu vực trung tâm Thành phố - giai đoạn 1 (thay thế 62 nhà chờ, bổ sung 62 camera và 61 bảng thông tin điện tử); cải tạo hệ thống đón, trả khách xe buýt khu vực ngoại thành - giai đoạn 1 (thay thế 5 nhà chờ, lắp đặt mới 11 nhà chờ, 293 trụ dừng); cải tạo hệ thống điểm đón, trả khách xe buýt phục vụ kết nối Bến xe Miền Đông cũ - Bến xe Miền Đông mới (thay thế 35 nhà chờ, lắp đặt mới 3 nhà chờ, 67 trụ dừng); xây dựng bến xe buýt Cầu Kênh Lộ, huyện Nhà Bè (2.500m2); cải tạo và nâng cấp các điểm dừng xe buýt trên đường Trường Chinh (lắp đặt 21 bảng thông tin điện tử và camera); cải tạo và nâng cấp các điểm dừng xe buýt khu vực Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (thay thế 10 nhà chờ, lắp đặt mới 16 nhà chờ, 3 trụ dừng, 16 bảng thông tin điện tử và camera).
Ngoài ra, Trung tâm đã tiến hành kiểm tra thường xuyên, duy tu hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo thông tin xe buýt tại các nhà chờ xe buýt; rà soát điều chỉnh bổ sung nhà chờ xe buýt đảm bảo hợp lý, thuận lợi cho hành khách tiếp cận sử dụng xe buýt và không gây UTGT; phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát quy hoạch, đề xuất đầu tư phát triển phù hợp các bến bãi, điểm giữ xe hai bánh miễn phí cho hành khách đi xe buýt, phát triển hạ tầng phục vụ kết nối xe buýt như xe đạp công cộng; tổ chức thí điểm làn ưu tiên và làn dành riêng cho xe buýt trên các tuyến đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu; tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, Sở Tài Nguyên và Môi trường, rà soát bố trí quỹ đất làm điểm đầu cuối tuyến thay thế các điểm đầu cuối đang đậu ở lòng, lề đường.
“Bên cạnh đó, Trung tâm và các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn chỉnh đề án đầu tư phương tiện mới tham gia đưa đón học sinh, sinh viên với cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải; phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất chủng loại phương tiện mi-ni buýt sau khi được Thành phố thông qua đề án. Từ nay đến năm 2020, dự kiến sẽ đầu tư 875 phương tiện mới để thay thế phương tiện cũ nhằm đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng dịch vụ; gắn với phương tiện thì sẽ triển khai các trạm CNG để giảm ô nhiễm môi trường”, ông Trung cho biết thêm.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.