Mới đây, con phố Lê Trọng Tấn được cải tạo rộng gấp 3 lần khổ đường cũ và trở thành tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên của Thủ đô. Cùng với việc mở rộng khổ đường, thay đổi làn đường, biển hiệu quảng cáo của các cửa hàng nằm ở mặt tiền tuyến phố cũng được quy hoạch đồng bộ tạo nên sự thống nhất đến bất ngờ.
Chỉ có 2 màu: xanh nước biển và đỏ được chấp nhận trên các biển hiệu mới, thậm chí đường nét thiết kế trên biển hiệu cũng y chang nhau. |
Cụ thể, các biển quảng cáo mặt phố Lê Trọng Tấn được quy hoạch đồng bộ, thống nhất từ màu sắc, chiều cao đến tương đồng kích cỡ. Tất cả các biển quảng cáo được sơn với 2 màu xanh dương và đỏ tươi, chiều cao trung bình so với mặt đất được cố định khoảng 3,2m - 3,3m, chiều cao bảng biển là 1,1m. Kinh phí lắp đặt biển quảng cáo theo kiểu mới được Thành phố Hà Nội tài trợ.
Chính sự đồng bộ này đã gây ra một luồng tranh cãi trong giới thiết kế cũng như những người ngoài ngành. Nhiều ý kiến cho rằng, trong tình trạng các bảng biển quảng cáo lô nhô, mạnh ai nấy "thò" ra đường, màu sắc lộn xộn, kích cỡ to nhỏ dài ngắn chồng chéo lên nhau trên các con phố Hà Nội hiện nay, sự xuất hiện của con phố kiểu mẫu với biển quảng cáo mới, đồng bộ như thế này là một điểm sáng, giúp phố phường đẹp đẽ, sáng sủa hơn.
Tuy nhiên, không ít người phản ứng gay gắt với ý tưởng sáng tạo này, đặc biệt là dân trong ngành marketing và design quảng cáo. Trên một diễn đàn dành cho dân sáng tạo, những hình ảnh biển quảng cáo trên phố mới đã được đưa mổ xẻ, phân tích và bình luận rất "xôm". Nick Tú La cho rằng, đồng bộ kiểu này: "làm mất đi tính sáng tạo của các chủ cửa hàng! Theo mình thấy thì cho họ một cái khung cố định, họ muốn quảng cáo thế nào tùy vào sự sáng tạo và khả năng hấp dẫn khách hàng. Thế giới giờ hướng tới sáng tạo, hướng tới cái mới hoàn mỹ, hiệu quả. Làm vậy vừa đẹp lại vừa không gò bó".
Họa sĩ Long Kenic thì thẳng thắn bình luận: "Biển quảng cáo là sự nhận diện đầu tiên của cửa hàng, cần sự khác biệt và nổi bật riêng của từng thứ kinh doanh. Nhìn thì sạch sẽ mà nhàm chán quá, chỉ nên đồng nhất khi cùng là một thương hiệu chứ cái kiểu toàn xanh, đỏ như mấy cửa hàng điện thoại, sim thẻ vầy cũng đến thua. Kiểu này shop quần áo, tiệm tạp hóa, quán cơm sườn bì chả, trà sữa tâm hồn, nhà nghỉ... tất cả đều xanh đỏ. Chỉ tiện cho mấy ông in ấn thiết kế quảng cáo thôi! Làm ơn đừng có áp dụng ở Nha Trang, nhất là cái shop tôi đang làm. Làm ơn!”.
Không quá gay gắt, nhưng nhiều designer hóm hỉnh bày tỏ sự thất vọng với việc đồng bộ này, như nick Xuân Ngô chua chát nói: "Thế này thì ở nhà chơi tô màu, xếp hình có sẵn cho rồi, vừa không phải mất chất xám để sáng tạo, vừa đỡ tốn kém thời gian và tiền bạc để đi học lại còn tạo ấn tượng riêng biệt cho khu phố. Ý kiến của ai mà sáng suốt và tiết kiệm thế?" hay như nick Thanh Thủy thốt lên: "Thôi xong! Học xong 5 năm đồ họa, em định xách làn đi dán biển quảng cáo dạo mà làm thế này thì nhà em lấy gì ăn, chồng em gầy con em đói, bố mẹ em buồn à?".
Về phương diện thẩm mỹ, một số dân mạng cũng cho rằng việc đồng bộ từ màu sắc đến kích cỡ, hình ảnh, chỉ khác biệt về logo và font chữ như thế này, lúc đầu có thể thấy đẹp, nhưng càng lúc sẽ càng nhàm chán, vò cả dãy phố, hàng nào cũng giống hàng nào, không có nét riêng biệt. Facebooker Nguyễn Khánh Linh cho rằng: "Người ta tốn hàng tỉ bạc để làm bộ nhận diện thương hiệu, mà quy về xanh với đỏ thế này thì còn gì nữa mà nhận diện? Giờ đi thấy hàng thuốc cũng như hàng ăn, hàng quần áo cũng như hàng sửa xe. Thiết nghĩ chỉ nên làm quy chuẩn kích thước biển bảng như thế nào chứ áp đặt chỉ cho một kiểu thiết kế với lựa chọn 2 màu thế này thật buồn cười", hoặc như nick Trinh Dinh Do nhận định: "Sự đa dạng trong hình thức không đồng nghĩa với lộn xộn, phải nhìn được cái đẹp trong hình ảnh "mái ngói lô xô" của Hà nội, mới thực sự là con mắt thẩm mỹ".
Với những người bình thường như nick Nguyen Hoang Phuong, việc đồng bộ này có thể gây ra khó khăn cho những người muốn tìm cửa hàng quen thuộc, hoặc sẽ rất thời gian để vào được đúng hàng mình cần, vì: "Đôi khi người ta nhận ra một cái gì đó quen thuộc chỉ qua kích thước và màu sắc, bạn có thể nhận ra cửa hàng mà mình cần đến vì những chi tiết dễ nhận biết thay vì phải đọc chữ. Nếu thay hàng loạt bảng hiệu giống nhau vậy thì đi đường phải đọc tên bảng hiệu loạng quạng tông xe chứ chẳng chơi!".
Bàn về vấn đề thẩm mỹ, tiện dụng cũng như tính nhận diện của biển hiệu quảng cáo, nhiều dân mạng cũng chia sẻ những bức ảnh xưa chụp các poster quảng cáo từ thập kỷ 70 - 90 của thế kỷ trước, như một minh chứng rằng sự đa dạng và khác biệt, đó mới là cái đẹp của nghệ thuật quảng cáo, chứ không hẳn phải gò ép vào những khuôn mẫu mực thước.
Một tấm bảng quảng cáo khổ lớn tại Sài Gòn xưa, vẫn được phân chia khung, khổ bằng nhau nhưng vẫn đảm bảo tính đa dạng. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.