Triển khai hiệu quả quy hoạch để cảng biển trở thành trụ cột ngành hàng hải

Giao thông 24h 28/12/2022 21:57

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, chúng ta đang có một hệ thống cảng biển tổng thể, hiện đại, đáp ứng dư thừa nhu cầu xếp dỡ hàng hóa nội địa và xuất nhập khẩu. Nhưng để phát triển xứng tầm với tiềm năng và vị thế, cần phải triển khai và giám sát hiệu quả việc thực hiện quy hoạch hệ thống cảng biển.

Tổ chức giám sát triển khai thực hiện quy hoạch, kêu gọi đầu tư cảng biển

Chiều nay (28/12), Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ GTVT Đào Văn Tiến đã đến dự.

Triển khai hiệu quả quy hoạch để cảng biển trở thành trụ cột ngành hàng hải   - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại hội nghị

 Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đánh giá cao các mặt công tác mà Cục Hàng hải nói riêng và toàn ngành hàng hải nói chung đã đạt được trong năm 2022, như cải cách thủ tục hành chính, hiệu quả sản xuất kinh doanh, triển khai các quy hoạch đề án, phát triển nguồn nhân lực hàng hải, đầu tư xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải, công tác đảm bảo an ninh – an toàn, tìm kiếm cứu nạn, hợp tác quốc tế…

Đề cập đến quy hoạch và phát triển hệ thống cảng biển, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho rằng, một trong những trụ cột của ngành hàng hải chính là quy hoạch, đầu tư, xây dựng, khai thác, quản lý hệ thống cảng biển quốc gia. Chúng ta đã gần như tổng kết quá trình 20 năm quy hoạch, đầu tư, xây dựng hệ thống cảng biển và đề xuất tổng thể quy hoạch cho 10 năm tới, tầm nhìn đến năm 2050.

"Tôi sắp ký văn bản trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Chi tiết các nhóm cảng biển và Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng cạn quốc gia, làm cơ sở, tiền đề xây dựng, trình phê duyệt tất cả các quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước các cảng biển, từ đó hoàn thiện hệ thống quy hoạch trong lĩnh vực cảng biển", Thứ trưởng nói và cho rằng, trên cơ sở quy hoạch trước đây, các quy hoạch đã và sắp được phê duyệt, chúng ta đã đề xuất, có các chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng từ ngân sách và ngoài ngân sách.

Cũng theo Thứ trưởng, trong bối cảnh nguồn đầu tư có hạn nhưng thời gian qua, chúng ta vẫn tiếp nối được các phương án về khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển hiện hữu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Điều đó phần nào cho thấy năng lực của hệ thống cảng biển Việt Nam. "Chúng ta đang có một hệ thống cảng biển tổng thể, hiện đại, đáp ứng dư thừa nhu cầu xếp dỡ hàng hóa nội địa và xuất nhập khẩu, thỏa mãn các yêu cầu đột biến hay trong bối cảnh đặc biệt như là Covid-19. Về năng lực thông qua, chất lượng dịch vụ… đều rất đáng ghi nhận", Thứ trưởng cho hay.

"Khác với một số lĩnh vực khác phải trải thảm đỏ, mời gọi, xúc tiến đầu tư, ở đây xuất phát từ quy hoạch, vị thế của hệ thống cảng biển của chúng ta, đặc biệt là xuất phát từ kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cảng biển những năm qua, việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực cảng biển không còn là vấn đề trọng yếu nữa. Điều quan trọng hơn chính là việc chúng ta lựa chọn những nhà đầu tư tốt nhất, đủ năng lực vào đầu tư. Ở đây có trách nhiệm của địa phương, nhưng ở góc độ quản lý chuyên ngành, Cục Hàng hải cũng phải vào cuộc quyết liệt.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang yêu cầu Cục Hàng hải VN, với trách nhiệm đầu mối, cần tập trung hơn nữa hoàn thành các quy hoạch chi tiết. Đặc biệt là tổ chức giám sát triển khai thực hiện các quy hoạch, quá trình đầu tư, khai thác…

Liên quan đến việc phát triển đội tàu, theo Thứ trưởng, Bộ GTVT đã phê duyệt Đề án phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam, Cục Hàng hải VN cần nhanh chóng tổ chức triển khai ngay các giải pháp đã được hoạch định trong đề án. Trong quá trình thực hiện có thể sửa đổi, bổ sung các giải pháp khác phù hợp với tình hình thực tế.

"Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam đã đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trong khi lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vận tải quốc tế của đội tàu biển Việt Nam vận tải tăng 10% (khoảng 1,29 triệu tấn) so với năm 2021. Doanh thu, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp vận tải biển tăng. Đây là cơ sở, những kết quả bước đầu để chúng ta vươn ra thị trường thế giới", Thứ trưởng Bộ GTVT nói và cho rằng, chất lượng đội tàu cần tiếp tục cải thiện, cơ cấu phải hợp lý hơn để tăng sức cạnh tranh.

Những kết quả ấn tượng

Trước đó, tại hội nghị, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam thông tin, năm 2022, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2022 ước đạt 733,18 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021; hàng xuất khẩu đạt 179,07 triệu tấn, giảm 3% so với năm 2021; hàng nhập khẩu đạt 209,26 tấn, giảm 2% so với năm 2021; hàng nội địa đạt 342,79 tấn, tăng 12% so với năm 2021. Trong đó, khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2022 ước đạt 25,09 triệu TEUs, tăng 5% so với năm 2021.

Các cảng biển Việt Nam tại Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu đã lọt vào danh sách 50 cảng biển có lưu lượng hàng hóa thông qua lớn nhất thế giới năm 2022. Các bến cảng cửa ngõ như Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho phép tiếp nhận các tàu container lớn nhất thế giới hiện nay (trên 200.000 DWT).

Triển khai hiệu quả quy hoạch để cảng biển trở thành trụ cột ngành hàng hải   - Ảnh 2.

Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam

"Hàng hóa thông qua các cảng biển, đặc biệt các cảng biển phát triển mới như Bà Rịa - Vũng Tàu được các tạp chí hàng hải quốc tế đánh giá là một trong những cảng có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong khu vực. Điều này cho thấy dịch vụ cảng biển tại Việt Nam ngày càng được cải thiện nâng cao hiệu quả thông qua hàng hóa và hỗ trợ cho hoạt động vận tải biển, đặc biệt là vận tải biển quốc tế", ông Hoàng Hồng Giang chia sẻ.

Cũng theo ông Giang, Cục Hàng hải VN đã hoàn thiện Đề án lập Quy hoạch chi tiết các Nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050; Đề án lập Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện tại, các đề án đang triển khai xây dựng, gồm: Đề án lập Quy hoạch chi tiết các Nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050; Đề án lập Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án lập Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

Một số hình ảnh tại hội nghị:

Triển khai hiệu quả quy hoạch để cảng biển trở thành trụ cột ngành hàng hải   - Ảnh 3.

Quang cảnh hội nghị

Triển khai hiệu quả quy hoạch để cảng biển trở thành trụ cột ngành hàng hải   - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Đình Việt, Q. Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam

Triển khai hiệu quả quy hoạch để cảng biển trở thành trụ cột ngành hàng hải   - Ảnh 5.

Triển khai hiệu quả quy hoạch để cảng biển trở thành trụ cột ngành hàng hải   - Ảnh 6.

Triển khai hiệu quả quy hoạch để cảng biển trở thành trụ cột ngành hàng hải   - Ảnh 7.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang và lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam chúc mừng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2022

Theo công bố danh mục cảng biển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 804/QĐ-TTg ngày 08/7/2022, hệ thống cảng biển Việt Nam được phân chia thành 05 nhóm cảng biển với 34 cảng biển. Trong đó: 02 cảng biển đặc biệt, 11 cảng biển loại I, 07 cảng biển loại II và 14 cảng biển loại III.

Hiện nay, tổng số bến cảng được công bố là 299 bến cảng với khoảng 94,486 km dài cầu cảng, với tổng công suất trên 700 triệu tấn/năm.

Hệ thống cảng biển Việt Nam đã được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Hầu hết các cảng biển hiện do các doanh nghiệp nhà nước và các thành phần kinh tế khác sở hữu và trực tiếp tổ chức khai thác; có 04 bến cảng được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước và giao Cục Hàng hải VN làm đại diện cơ quan nhà nước ký hợp đồng cho thuê khai thác gồm: bến cảng Cái Lân (cầu 5, 6, 7), bến cảng container ODA Cái Mép, bến cảng tổng hợp quốc tế Thị Vải và bến cảng An Thới - Kiên Giang.

Về luồng hàng hải: hiện nay có 46 luồng hàng hải công cộng với tổng chiều dài là 1.105 km và 34 luồng hàng hải chuyên dùng, chiều dài 173,2 km. Các luồng hàng hải được đầu tư hệ thống báo hiệu đồng bộ theo tiêu chuẩn, góp phần hỗ trợ cho tàu thuyền hành hải an toàn.


Ý kiến của bạn

Bình luận