Chiều 29/10 triều cường lên đỉnh nhiều tuyến đường tại TP.HCM sẽ ngập nặng. |
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ chiều ngày 29/10, triều cường tại TP.HCM sẽ đạt đỉnh 1,72m. Cụ thể có khoảng 21 tuyến đường và khu vực trên địa bàn TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng bởi đợt triều cường này. Dự báo, đỉnh triều sẽ xuất hiện lúc 17h ngày 29/10. Khi đó, mực nước sông Sài Gòn tại trạm đo Nhà Bè sẽ lên đến 1,72m trên báo động 3 tới 0,22m. Còn tại trạm đo Phú An, mực nước trên sông Sài Gòn đạt đỉnh 1,7m trên báo động 3 là 0,2m. Triều cường đạt đỉnh duy trì trong vòng 1 giờ đồng hồ, sau đó xuống nhanh. Mực nước sông Sài Gòn còn trên báo động 3 vào sáng sớm và chiều tối các ngày 30 và 31/10.
Trong công văn khẩn, TP.HCM yêu cầu các quận, huyện như: quận 7, quận 8, quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, huyện Nhà B+è, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn phải đặc biệt chú ý trong việc ứng phó triều cường.
Các quận, huyện này phải thông báo thường xuyên trên các phương tiện truyền thông về diễn biến đợt triều cường tháng 10 này và ngày, giờ đỉnh triều xuất hiện cho người dân biết để chủ động ứng phó. Đồng thời tăng cường tổ chức kiểm tra, rà soát bờ bao, cống, cửa van ngăn triều xung yếu và chuẩn bị vật tư (cừ tràm, lưới B40, vải bạt, bao tải đất, cát…) để kịp thời xử lý khi có sự cố; chủ động cơi, đắp bờ bao xung yếu, không để xảy ra tình trạng bể bờ bao gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. TP.HCM yêu cầu Sở GTVT, Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi và Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị phải phối hợp với UBND các quận huyện để đối phó với đợt triều này.
Đường Trần Xuân Soạn, quận 7 triều cường lên ngập sâu việc đi lại của người dân rất khó khăn. |
Tổng công ty Điện lực TP.HCM đưa ra nhiều khuyến cáo với người dân để phòng tránh các rủi ro mất an toàn điện do triều cường. Theo đó, có 2 nguy cơ rò rỉ điện dễ xảy ra nhất được phía điện lực lưu ý khi xảy ra ngập nước, mưa gió gồm: Sự cố điện do cây cối, công trình kiến trúc có thể bị gió lớn, lốc xoáy quật đổ, va quẹt vào thiết bị, đường dây, cột điện. Sự cố do rò rỉ điện do các thiết bị điện không đảm bảo an toàn. Trong mùa mưa bão, ngập nước, điều kiện thời tiết ẩm ướt, nguy cơ chạm chập cục bộ thiết bị điện gia dụng, nhất là các dụng cụ điện cầm tay (máy sấy tóc, bàn ủi, máy khoan…)
Ông Huỳnh Lê Khương - Phó Trưởng ban an toàn Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết: “Trong lúc triều cường dâng cao và kèm mưa gió, người dân tuyệt đối không được sử dụng công trình điện (trụ điện, tủ điện, trạm điện…) làm nơi định vị các phương tiện, vật dụng, công trình dân sinh (như mái che mưa, căng dây lều bạt, làm hàng quán…) hoặc neo đậu ghe thuyền. Nên cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời (các bảng hiệu, bảng quảng cáo…) khi trời mưa to, gió lớn, ngập nước. Không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng điện kế, thùng cầu dao. Không tự ý sửa chữa đường dây, thiết bị điện ngoài trời”.
Theo ông Khương phải ngắt nguồn điện nếu khu vực trong nhà bị ngập nước hoặc bị mưa làm ướt sàn (tạt, dột). Người dân nên quan sát tình hình và cảnh báo cho mọi người xung quanh biết và lập rào chắn khi phát hiện cột điện ngã đổ, dây điện đứt rơi xuống đường, ruộng, ao hồ. Báo ngay cho Trung tâm chăm sóc khách hàng 1900 54 54 54 của Tổng công ty Điện lực TP.HCM để thông báo xử lý kịp thời.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.