Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện thông báo của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội về việc tham gia bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp, trong đó có nói: SV đi bầu xong phải có dấu vào thẻ cử tri và nộp lại thẻ cho giáo viên chủ nhiệm thống kê danh sách SV đã đi bầu cử. Nếu SV nào không đi bầu hoặc không nộp lại thẻ cử tri, giáo viên chủ nhiệm đánh giá hạ điểm thi đua cuối năm học 2015-2016 và trừ điểm rèn luyện năm học.
Thông báo được truyền trên mạng xã hội. |
Theo ông Lê Minh Thông - Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, trong khẩu hiệu vận động bầu cử hiện nay thì bầu cử là quyền của công dân. Việc cơ quan, tổ chức đưa ra hình thức kỷ luật nào đó là không phù hợp.
"Bầu cử là trách nhiệm chính trị của công dân, Nhà nước cố gắng giáo dục, động viên, khuyến khích mọi cử tri đi bầu cử, còn nếu họ không thực hiện quyền đó thì không vì thế mà thực hiện các biện pháp hành chính với họ" - ông Thông cho biết.
Khác với quan điểm của ông Thông, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - cho rằng: Việc nhà trường đưa ra thông báo hạ điểm thi đua của SV nếu họ không đi bầu cử là có cơ sở. Bởi người SV đó là công dân, khi không đi bầu cử nghĩa là không hoàn thành nghĩa vụ của một công dân nên việc bị hạ điểm thi đua là đương nhiên.
Ông Túc cho biết thêm, khi ông còn công tác, giảng dạy ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cách đây nhiều năm, nhà trường cũng đã đưa ra quy định này với SV.
Còn theo luật sư Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), một SV vi phạm nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật có được coi là vi phạm đạo đức để hạ điểm thi đua là câu chuyện cần phải tìm hiểu nhiều chiều. Thứ nhất, cần phải xem lại quy chế của nhà trường đối với SV. Nếu quy chế đó đã được cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, có hiệu lực bắt buộc thi hành, trong đó quy định hạ điểm thi đua nếu SV không tuân thủ Hiến pháp và pháp luật thì nhà trường sẽ xem xét hạ điểm thi đua nếu SV không đi bầu cử là phù hợp.
Cũng theo LS Dũng, quy chế của nhà trường thì không thể cụ thể tới mức đề cập đến chuyện bầu cử của SV, nhưng nếu trong quy chế có đề cập đến việc SV phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, việc SV nào đó không thực hiện việc đi bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nghĩa là không thực hiện theo đúng Hiến pháp và pháp luật.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.