Chuyên gia Tài chính Ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu |
Là một trong những mô hình phát triển mạnh nhất của Fintech với khả năng dẫn vốn nhanh chóng, hiệu quả, P2P Lending sẽ khẳng định sức hút của mình như thế nào trong giai đoạn kinh tế khó khăn, khi nhu cầu vốn của thị trường lớn nhưng nhà đầu tư lại thận trọng hơn với đồng tiền của mình? Chuyên gia Tài chính Ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.
Tiềm năng lớn Ông nhận xét thế nào về sự phát triển của Fintech tại thị trường Việt Nam trong thời gian qua?
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Fintech đã xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam. Với khoảng hơn 70 triệu người sử dụng điện thoại di động và 64 triệu người sử dụng internet trên tổng dân số 97 triệu, Việt Nam trở thành địa bàn phát triển thuận lợi cho các mô hình Fintech nói chung.
Trong đó, ví điện tử và P2P Lending được xem là hai lĩnh vực nổi trội. Nếu như mảng ví điện tử có khoảng trên 35 thương hiệu tham gia thị trường thì phân khúc cho vay ngang hàng (P2P Lending) cũng có hơn 40 công ty hoạt động chính thức.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là số công ty hoạt động trong mảng P2P Lending thực tế có thể lên tới cả trăm công ty. Nói như vậy để thấy cả cung và cầu của thị trường này rất cao và có nhiều tiềm năng phát triển.
Theo ông, sự xuất hiện của P2P Lending đã tác động thế nào tới thị trường tín dụng trong nước?
Tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện chiếm tỷ trọng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Đây là nhóm doanh nghiệp có nhu cầu vốn rất lớn nhưng lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng vì một số lí do như: hệ thống kế toán tài chính chưa chuẩn mực, thiếu tài sản thế chấp, tâm lý ngại thủ tục do thiếu kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ vay vốn ngân hàng…
Thống kê cho thấy có tới 70% DNNVV phải vật lộn với việc tiếp cận các khoản vay ngân hàng và chuyển sang tìm kiếm từ các nguồn phi truyền thống.
Mô hình P2P Lending với các ưu điểm như không yêu cầu thế chấp tài sản, lãi suất hợp lí, chi phí dịch vụ thấp, và đặc biệt là thủ tục nhanh gọn dưới sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại sẽ giúp các doanh nghiệp vay vốn dễ dàng kết nối với bên cho vay.
Như vậy, sự xuất hiện của P2P Lending trở thành sân chơi bổ sung tốt cho hệ thống ngân hàng và thị trường tín dụng Việt Nam đã bị quá tải. Ngoài ra, mô hình này còn giúp người vay vốn không phải sử dụng các kênh tín dụng đen, có thể khiến họ gặp tình trạng bị đòi nợ bằng một số hình thức phi đạo đức.
Được xem là kênh dẫn vốn mới hiệu quả nhưng sự phát triển của P2P Lending tại Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản. Ông đánh giá ra sao về nhận định này?
Là mô hình nhiều tiềm năng nhưng tại nước ta, P2P Lending mới chỉ ở giai đoạn phát triển sơ khai nên không tránh khỏi những rào cản tồn tại.
Về phạm vi tiếp cận, Việt Nam có tỷ lệ dân số sử dụng công nghệ và internet cao nhưng lại tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn, trong khi tỷ lệ người sử dụng các ứng dụng thông minh trên điện thoại tại các khu vực vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Do đó, dù có nhu cầu vốn cao nhưng nhiều người vẫn chưa biết tới hoặc chưa thể sử dụng mô hình này.
Một rào cản quan trọng tiếp theo đó là khoảng trống về hệ thống pháp lý cho các hoạt động P2P Lending. Thời điểm 2019, Chính phủ đã có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng phương án thí điểm cho vay ngang hàng và dự kiến đưa loại hình kinh doanh này vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hy vọng những chính sách này sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới.
Trong khi chờ đợi hàng lang pháp lý hoàn thiện, các cá nhân và doanh nghiệp tham gia P2P Lending cần tìm hiểu kỹ lưỡng thị trường và lựa chọn đơn vị uy tín, hoạt động theo đúng các quy định pháp luật hiện có để đảm bảo tối đa quyền lợi trong quá trình vay vốn.
Tiếp sức cho doanh nghiệp “hậu” Covid-19
Trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid -19 tới tình hình kinh tế - tài chính, thị trường P2P Lending có biến động gì đáng lưu ý không khi người cho vay trở nên thận trọng hơn với nguồn vốn của mình, còn nhu cầu phía đi vay cũng có thể sẽ giảm sút hơn, thưa ông?
Đúng là vào giai đoạn này, độ rủi ro trong đầu tư và sử dụng vốn tăng cao nên bất cứ đối tượng nào cũng thận trọng với dòng tiền của mình. Như chúng ta thấy, có rất nhiều DNNVV, cửa hàng bán lẻ trong thời gian qua phải đóng cửa, doanh thu giảm sút. Đây chính là những đối tượng rất cần vốn để có thể phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh khi đại dịch qua đi, và P2P Lending sẽ là một trong những kênh vốn tiếp sức kịp thời.
Thách thức đặt ra với các nhà đầu tư và người vay vốn là phải tìm ra sàn vay kết nối chuẩn. Tại Việt Nam, một trong những đơn vị làm khá tốt khâu thẩm định có thể kể đến sàn VNVON.COM thuộc Công Ty Cổ phần Kết nối Tài chính Việt Nam (VFL). Thông qua bộ lọc công nghệ hiện đại áp dụng trong việc chấm điểm, xếp hạng tín dụng… đơn vị này sẽ kết nối nhanh chóng nhà đầu tư và doanh nghiệp có nhu cầu vốn một cách hiệu quả.
Ông có dự đoán gì về tương lai của thị trường P2P Lending giai đoạn nửa cuối năm 2020?
Cho tới nay, chúng ta vẫn đang mở cửa thị trường lại một cách thận trọng vì những thay đổi, diễn biến của dịch bệnh còn rất khó lường. Vấn đề phục hồi kinh tế không thể như một chiếc công tắc - tắt đi bật lại ngay được - mà cần một thời gian và cần một nguồn vốn “khổng lồ”.
Mặc dù Chính phủ đã đưa ra một số gói cứu trợ nhưng ngân sách có hạn, không thể giải cứu 100% doanh nghiệp. Thay vì chờ đợi, các DNNVV có thể chủ động tìm đến kênh vốn ngoài. Sự “có mặt” kịp thời của các sản phẩm P2P Lending chất lượng ở thời điểm này có thể trở thành động lực “tiếp sức” cho các doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh.
Theo ông, đâu sẽ là hướng phát triển sản phẩm phù hợp để duy trì sức nóng cũng như tiềm năng tăng trưởng của mô hình này?
Ngoài những dịch vụ kết nối cho vay hiện tại, theo tôi các đơn vị P2P có thể mở rộng dịch vụ tư vấn khách hàng (bao gồm cả tư vấn cho NĐT những doanh nghiệp nào, ngành nghề nào nên đầu tư bao nhiêu; và tư vấn cho bên đi vay về số vốn cần thiết, thời hạn và lãi suất phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của họ, và cuối cùng là quản lý môt danh mục cho vay [loan portfolio] cho NĐT). Bên cạnh đó, sàn/doanh nghiệp P2P cũng có thể trở thành một kênh kết nối trong các trường hợp giải quyết tranh chấp, bao gồm hỗ trợ việc thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ và những biện pháp pháp lý như kiện tụng.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu bảo toàn vốn cho NĐT giữa thời biến động, các sản phẩm ủy thác đầu tư cũng đang được một số đơn vị P2P triển khai. Ví dụ gần đây nhất có sản phẩm Gói đầu tư hợp lực và Ủy thác quản lý tài khoản đầu tư của VFL, đơn vị sở hữu sàn VNVON.COM nói trên.
Về cơ bản, 2 sản phẩm này đều có chung hình thức là NĐT ủy thác cho VFL quản lý một số vốn trong thời hạn cố định. Thông qua các hoạt động đầu tư trên sàn VNVON.COM, VLF sẽ thanh toán cho khách hàng toàn bộ vốn gốc và lợi nhuận theo cam kết lãi suất khi hết thời hạn trên. Vì vậy, với mức rủi ro gần như bằng 0, NĐT có thể yên tâm với số vốn và lợi nhuận kỳ vọng của mình.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.