Các lãnh đạo nhà trường cùng cán bộ, viên chức Học viện Hàng không Việt Nam |
Học viện Hàng không Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ GTVT là cơ sở giáo dục đại học đầu ngành, luôn giữ vai trò quan trọng trong việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho ngành Hàng không. Trải qua quá trình hình thành và phát triển cùng sự tâm huyết của các thế hệ lãnh đạo từ Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (giai đoạn 1992-2007), Tiến sĩ Vũ Văn Vượng (2007-2009) cho đến PGS.TS Dương Cao Thái Nguyên (2009-2015) và hiện nay là TS. Nguyễn Thị Hải Hằng. Học viện vẫn là ngồi trường hàng đầu trong nước về cung cấp nhân lực, đồng thời tạo được vị thế vớ bạn bè quốc tế. Có thể nói để đạt được thành tựu như ngày hôm nay, không thể không nhắc đến công lao của các lãnh đạo đã một thời- một đời cống hiến cho nhà trường.
Từ một Đại tá phi công Anh hùng trở thanh nhà giáo
Đại tá, Phi công, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Nghĩa, sinh năm 1946 tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, nguyên là một học sinh miền Nam trên đất Bắc những năm 1955-1965.
Năm 1963, ông nhập ngũ vào quân đội, năm 1965 ông được tuyển chọn vào lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam và được đào tạo lái máy bay tại Trường Đào tạo phi công tiêm kích Krasnodar - Liên Xô, mang tên phi công anh hùng Liên Xô Xerov. Trưởng thành từ một Phi công tiêm kích MiG-21, cùng đồng đội trực tiếp chiến đấu với Không quân đế quốc Mỹ, bảo vệ bầu trời thiêng liêng Tổ quốc trong suốt 8 năm cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng các lực lượng Không quân đế quốc Mỹ. Ông đã bắn hạ tổng số 6 máy bay Mỹ, là Phi công của Không quân Nhân dân Việt Nam bắn hạ chiếc máy bay Mỹ đầu tiên trong Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mười hai ngày đêm 18/12/1972 - 30/12/1972, khai thông chiến thắng cho bộ đội Không quân bắn rơi thêm 7 máy bay Mỹ, trong đó có hai Pháo đài bay B52. Năm 1973, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Ông đã từng giữ các cương vị Phi đội trưởng, Trung đoàn trưởng Không quân, Bí thư Đảng ủy -Chính ủy Sư đòan Không quân. Đến tháng 5/1975, ông dẫn đầu một phi đội MiG-21 bay thẳng từ miền Bắc vào tiếp quản sân bay Biên Hòa. Ông là phi công đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam khai thác sử dụng, bay trên máy bay chiến lợi phẩm F5 của Mỹ, là giáo viên bay đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam trên loại máy bay này, là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 935, Chỉ huy Trung đoàn tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và thực hiện nhiệm vụ Quốc tế giúp Nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng thời Khơ me đỏ. Trung đoàn Không quân 935 của ông được Đảng và Nhà nước phong tặng đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân tháng 12/1979. Phi công Nguyễn Văn Nghĩa là 01 trong 19 Phi công đạt cấp ACE Pilot của Thế giới. Ông đã cho ra đời tác phẩm “Không chiến”, xuất bản năm 2020, ghi đậm giá trị truyền thống lịch sử chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Không quân Nhân dân Việt Nam.
Thầy Nguyễn Văn Nghĩa (thứ 5 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng Lãnh đạo Học viện và các đơn vị Quân chủng Hải quân |
Năm 1992, ông được điều động về công tác tại Trường Hàng không Việt Nam. Trong quá trình 15 năm, từ Hiệu trưởng Trường Hàng không đến Giám đốc Học viện Hàng không, ông cùng tậpthể cán bộ, giáo viên xây dựng nhà trường phát triển trong hệ thống giáo dục quốc gia. Ông là người đã tạo dựng nền móng đầu tiên để Trường Hàng không Việt Nam trở thành Học viện Hàng không Việt Nam theo Quyết định số 168/2006/QĐ-TTg ngày 17/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Một năm sau đó, năm 2007, ông nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước. Hiện nay, ông là Chủ tịch Cựu chiến binh Không quân phía Nam và là Chủ tịch Câu lạc bộ Hàng không Việt Nam - Bộ Quốc phòng.
Từ những buổi đầu sơ khai ấy, khi Bộ trưởng Bộ GTVT Bùi Danh Lưu quyết định chuyển đổi Trường Kỹ thuật nghiệp vụ Hàng không thành Trường Hàng không Việt Nam với những nhiệm vụ mới, tâm thế mới. Trường Hàng không Việt Nam trở thành tổ chức sự nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc gia. Dưới sự dìu dắt của người Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân đó đã để lại nhiều thành tựu cả về con người lẫn kiến thức cho ngành hàng không về sau. Thầy Nguyễn Hữu Tôn - Nguyên Trưởng khoa Không lưu, là một trong những cán bộ giảng dạy kỳ cựu của Trường Hàng không từ những ngày đầu mới thành lập, nay dù đã 86 tuổi, nhưng tinh thần của thầy vẫn lạc quan và minh mẫn. Nhắc lại những kỷ niệm về mái trường thân thương suốt gần 25 năm gắn bó, Thầy Tôn chia sẻ: “Để có học trò giỏi, ngoài việc có phương tiện, máy móc tốt, cách học tốt, phải có người thầy người cô giỏi luôn tận tâm và thương học trò.Giáo viên phải nghĩ rằng, giảng dạy như thế nào để học trò của mình không thua ai dù ở trong nước hay đi nước ngoài”.
Thầy Nguyễn Hữu Tôn (thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm. cùng các đơn vị trong ngành Hàng không
|
Cô Bùi Thị Kim Oanh - Nguyên Trưởng khoa Điện tử Viễn thông Hàng không với 25 năm gắn bó trong ngành, từ năm 1980 đến 2005, xúc động chia sẻ:“Được công tác và cống hiến cho nhà trường là dấu ấn quan trọng nhất trong cuộc đời làm giáo viên. Từ những ngày đầu khi tôi được cử đi học nâng cao trình độ, được tiếp xúc các máy dẫn đường bên quản lý bay, được tiếp cận các quy cách về phục vụ hành khách, về việc tiếp cận internet và bán vé trên mạng máy tính… Cho đến năm 1989 nhà trường cử chúng tôi đi học về máy tính ở Băng Cốc (Thái Lan) đó là giai đoạn đáng nhớ nhất cuộc đời. Khi mà thời điểm đó đất nước chúng ta vừa đổi mới, cuộc sống vô cùng khó khăn. Trong khi đó, khái niệm “mạng máy tính” vẫn còn rất xa xỉ, hầu như chỉ phục vụ nghiên cứu và quân đội. Tôi vẫn luôn tự hào khi là một trong những người nhận nhiệm vụ trong Ban phổ cập vi tính cho các đơn vị trong ngành Hàng không vào năm 1990.
Cứ như thế qua từng thời kỳ, qua từng cột mốc quan trọng và đáng nhớ, Học viện vẫn luôn cố gắng xây dựng trường ngày càng vững mạnh và phát triển. Luôn “xứng” với vị thế cung cấp nhân lực hàng không đứng đầu Việt Nam.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.