UBTVQH- Cần thiết phải xây dựng và ban ha |
Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) được trình bày tại phiên họp cho thấy, Luật Đường sắt 2005 được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, đã thể chế hoá kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với mọi hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt; bước đầu đã góp phần tích cực trong việc điều chỉnh các hoạt động giao thông vận tải đường sắt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia kinh doanh đường sắt.
Luật Đường sắt 2005 cùng các văn bản hướng dẫn bước đầu đã thể hiện được tư duy mới trong hoạt động quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực đường sắt, phân định rõ công tác quản lý Nhà nước của cơ quan Nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng với kinh doanh vận tải; bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử trong hoạt động đầu tư và kinh doanh đường sắt.
Tuy nhiên, qua thực tế thi hành Luật Đường sắt 2005 đã bộc lộ một số tồn tại bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động đường sắt.
Đó là, một số quy định của Luật Đường sắt 2005 quá chi tiết, cụ thể mang tính kỹ thuật chuyên ngành thuần túy cần được ban hành trong văn bản quy phạm pháp luật dưới luật để phù hợp với thực tiễn và linh hoạt trong quá trình thực thi. Một số nội dung Luật Đường sắt 2005 đã quy định nhưng việc triển khai thực hiện còn hạn chế như chính sách phát triển đường sắt; trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt; kinh doanh đường sắt. Một số quy định của Luật chưa phù hợp, cần sửa đổi như quản lý đất dành cho đường sắt; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt, phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt và phí điều hành giao thông vận tải đường sắt… Vì vậy, việc xây dựng Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) là phù hợp với tình hình thực tế.
Bố cục của Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) được xây dựng gồm 9 chương, 95 điều. Trong đó, giữ nguyên 4/114 điều (chiếm 3,5%); sửa đổi, bổ sung 65/114 điều (chiếm 57%); bãi bỏ 45/114 điều (chiếm 39,5%); bổ sung mới 26 điều.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Đường sắt năm 2005; nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Đường sắt năm 2005 cũng nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho đầu tư, tổ chức quản lý, khai thác và phát triển giao thông đường sắt theo hướng hiện đại, đưa đường sắt Việt Nam phát triển xứng tầm với vị trí của một ngành kinh tế quan trọng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...
Báo cáo thẩm tra nhất trí cho rằng, dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) đã đủ điều kiện trình Quốc hội khóa XIV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2.
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, ý kiến của nhiều đại biểu nhận định, hồ sơ dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) của Chính phủ trình Quốc hội đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ, đúng với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ban soạn thảo đã đánh giá, tổng kết 10 năm việc thực hiện Luật Đường sắt năm 2005; tham khảo chính sách, pháp luật về đường sắt của một số quốc gia.
Một số ý kiến đề xuất, dự án luật phải được xây dựng phải trên tinh thần phát huy những ưu điểm của Luật Đường sắt 2005, bổ sung thay thế các nội dung không phù hợp, cản trở và gây hạn chế sự phát triển của lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt. Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm phát triển của đường sắt các nước trên thế giới có điều kiện tương đồng với Việt Nam.
Đồng thời tạo lập môi trường hoạt động kinh doanh thông thoáng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là trong hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải trên mạng lưới đường sắt quốc gia; cạnh tranh bình đẳng giữa vận tải đường sắt với các phương thức vận tải khác, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, tăng cường kết nối với các phương thức vận tải.
Nội dung về chính sách phát triển đường sắt; ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt; quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt; quản lý Nhà nước về hoạt động đường sắt; kinh doanh đường sắt; kết cấu hạ tầng đường sắt; chiến lược phát triển đường sắt... là những vấn đề lớn được nhiều ý kiến tập trung thảo luận, đề cập.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, cần xác định rõ vai trò, vị trí của của ngành đường sắt trong mối quan hệ với các loại hình vận tải khác; từ đó đề ra chiến lược đối với ngành đường sắt; có chính sách khuyến khích phát triển đường sắt ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa... Tạo cơ chế mở để thu hút các nguồn lực ngoài xã hội đầu tư kinh doanh đường sắt, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả.
Lấy ví dụ thực tế là Trung Quốc đã phát triển đường sắt ở những vùng khó khăn như Tây Tạng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến bày tỏ: “Với trình độ phát triển khoa học-kỹ thuật của đất nước như hiện nay, tôi tin tưởng chúng ta hoàn toàn có thể phát triển đường sắt ở những vùng khó khăn; cần quan tâm bổ sung các quy định về phát triển đường sắt ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa...”.
Khẳng định vị thế quan trọng của ngành đường sắt, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cần hết sức quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả hoạt của ngành đường sắt cũng như gắn kết hạ tầng đường sắt với hạ tầng của các loại hình giao thông khác và nhiệm vụ bảo vệ an ninh, quốc phòng.
Cơ bản bày tỏ đồng tình với bố cục của dự thảo Luật; cho rằng dự án Luật đã bổ sung một số quy định mới và sửa đổi những quy định không còn phù hợp của Luật Đường sắt năm 2005, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục quan tâm xây dựng các quy định liên quan đến thúc đẩy phát triển hạ tầng đường sắt cũng như phát triển ngành công nghiệp đường sắt, công nghiệp phụ trợ cho ngành đường sắt...
Ngoài ra, ý kiến của một số đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp tục rà soát quy định trách nhiệm của các bộ, UBND các cấp nhằm hạn chế sự tản mạn trong nhiều điều, khoản để tránh sự chồng chéo hoặc bỏ sót trách nhiệm; quy định cụ thể việc phân công, phân cấp; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước để tránh tình trạng không thống nhất trong quá trình triển khai, thực hiện Luật, gây chồng lấn giữa công tác quản lý Nhà nước và hoạt động kinh doanh của các chủ thể trong hoạt động đường sắt.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.