Làn ETC tại Trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ km17+100 đường Hòa Lạc - Hòa Bình |
Hiện thực hóa những mục tiêu lớn
ETC ra đời góp phần chuyển đổi số trong lĩnh vực GTVT và logistics, là một trong những lĩnh vực trọng yếu cần ưu tiên trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện, tất cả các trạm BOT trên toàn quốc áp dụng thu phí không dừng mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm cho Nhà nước, đảm bảo hiệu quả cho tất cả các dịch vụ đi lại cho người dân.
Từ góc độ nhà cung cấp, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng - Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, là một tập đoàn công nghiệp, công nghệ lớn nhất Việt Nam, Viettel sẵn sàng cùng Bộ GTVT xây dựng và phát triển dữ liệu của ngành GTVT; phát triển các nền tảng tích hợp, kết nối liên thông dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; nền tảng quản lý thu phí, thanh toán điện tử trong giao thông... “Những nền tảng này bắt kịp xu hướng chuyển dịch về công nghệ giao thông thông minh trên thế giới và khu vực, sớm đưa Việt Nam đứng trong top những quốc gia phát triển về giao thông thông minh”, ông Lê Đăng Dũng cam kết.
Để có thể đưa hệ thống đi vào hoạt động được đồng nhất, giúp giải quyết vấn đề về thu phí không dừng, Viettel đã đưa vào những công nghệ hiện đại nhất, theo tiêu chuẩn của các quốc gia phát triển trên thế giới như: Công nghệ nhận diện ảnh (OCR) giúp cho việc đăng ký sử dụng dịch vụ của khách hàng được nhanh và tiện lợi hơn; Công nghệ xử lý ảnh với độ chính xác cao sẽ giảm thiểu thời gian đăng ký dịch vụ cho khách hàng và giảm chi phí cho công tác nghiệp vụ hậu kiểm, đối soát; hệ thống tính cước thời gian thực (OCS) do Viettel tự nghiên cứu phát triển, giúp cho việc thanh toán tiền được thực hiện real-time (ngay lập tức)...
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Bùi Quang Bát - Giám đốc Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình cho biết, hệ thống ETC được vận hành ổn định, phát huy hiệu quả cao. Đặc biệt, những vướng mắc trước đây đến nay hầu như không còn nữa, góp phần nâng cao hiệu quả cho cả doanh nghiệp và người dân.
Làn ETC tại Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ |
Từng bước phát huy hiệu quả
Ghi nhận thực tế của Tạp chí GTVT, sau thời gian áp dụng, hệ thống thu phí không dừng hoạt động hiệu quả và chính xác rất cao, giúp ích khá nhiều cho phương tiện khi đi qua trạm thu phí mà không cần phải dừng xe, thực hiện các thao tác truyền thống như lấy thẻ, trả tiền mặt... Điển hình như tại trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tình trạng ùn ứ khi xe qua trạm vốn được xem là “căn bệnh kinh niên” của cửa ngõ lớn nhất Thủ đô, nhưng đến nay, thu phí không dừng đã và đang là “thuốc giải” cho căn bệnh này.
Theo Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC), trước những phản ánh về bấp cập liên quan đến vấn đề đọc thẻ liên thông, đơn vị đã rà soát, điều chỉnh lại quy trình dán thẻ cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình dán thẻ dịch vụ; cử cán bộ thường trực tại các trạm thu phí xử lý, thay thế các thẻ dán bị lỗi cho khách.
Ông Hồ Trọng Vinh - Phó Tổng Giám đốc Công ty VETC cho biết, việc dán thẻ thời gian đầu do một số khách hàng tự dán và một số nhân viên kỹ thuật không thực hiện đúng quy trình dẫn đến việc xảy ra trục trặc, hệ thống không đọc được thẻ khi xe đi qua trạm, dù hệ thống đều hoạt động bình thường. Đơn vị đã nhanh chóng siết chặt việc dán thẻ, đào tạo nâng cao tay nghề cho kỹ thuật viên và tuyệt đối không để cho khách hàng tự dán.
Cùng với đó, theo lãnh đạo VETC, việc chưa nhận diện được một số phương tiện dán thẻ ePass còn do những yếu tố khách quan như thời tiết, phương tiện, địa hình… Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình đọc này đã có thể được khắc phục bằng công nghệ nhận diện biển số giúp hệ thống thu thập đủ các thông tin để mở barie. Đơn vị cũng đã xây dựng các phần mềm để tăng tính kết nối liên thông.Trên thực tế, tỷ lệ nhận diện biển số theo yêu cầu hiện là 91%, tỷ lệ đọc thẻ là 98% số phương tiện qua trạm, song VDTC hiện đã nâng lên mức gần tuyệt đối, từ hơn 99% đến gần 100%.
Ông Bùi Trình - Tổng Giám đốc VDTC cho biết, mục tiêu trong thời gian tới là đưa Việt Nam lọt top 10 quốc gia có tỷ lệ phương tiện dán thẻ thu phí tự động cao nhất trong khu vực. Để làm được điều này, ETC sẽ tiếp tục phải ứng dụng những công nghệ kết nối hiện đại để mở rộng dịch vụ, mở rộng hệ sinh thái sản phẩm như thu phí tự động tại sân bay, trung tâm thương mại... để từng bước đưa sản phẩm dịch vụ bao trùm nhiều tiện ích vào đời sống của khách hàng.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Ngô Quốc Đông - đại diện Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho biết, đơn vị cũng đang cùng cơ quan chức năng khắc phục một số tồn tại, nổi bật là một số trạm thu phí có lưu lượng lớn do các nhà đầu tư BOT vận hành vẫn sử dụng làn hỗn hợp nên chủ phương tiện chưa thấy được sự ưu tiên so với các làn thu phí thủ công. Điều này dẫn tới bức xúc vì xe sử dụng ETC vướng các xe không dùng ETC phía trước nên khó lưu thông qua trạm.
Cùng đó, hiện có khoảng 10 trạm thu phí vẫn tồn tại việc chồng chéo vận hành. Trong đó, VETC vận hành thu hỗn hợp ETC và MTC, BOT vận hành thu MTC, vì vậy cần đẩy nhanh chuyển giao công tác vận hành cho một đơn vị thực hiện.
Các doanh nghiệp thực hiện mô hình ETC hiện nay đã đề xuất các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, hành lang pháp lý để thúc đẩy việc phát triển dịch vụ, xây dựng trung tâm giám sát để theo dõi đánh giá việc triển khai dịch vụ theo các tiêu chí kỹ thuật đã được ban hành giữa các BOT, các nhà cung cấp dịch vụ nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ, bảo vệ người tiêu dùng.
Các cơ quan chức năng cũng cần siết chặt các biện pháp xử lý xe đi vào làn ETC dù không đủ điều kiện khiến xe đủ điều kiện qua làn ETC phải xếp hàng chờ đợi, làm giảm hiệu quả của làn ETC. Đồng thời, tăng cường truyền thông đến người dân tham gia dùng thẻ E-tag hoặc ePass để có thể lưu thông qua tất cả các trạm thu phí ETC. “khi các tồn tại kể trên được khắc phục, thu phí tự động không dừng sẽ chủ đạo, phát huy tối đa hiệu quả của nó”, ông Đông khẳng định.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.