Vận tải biển tái cơ cấu mạnh mẽ trong tình hình mới

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao

Nhờ tái cơ cấu đúng hướng, vận tải biển Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, tổng sản lượng vận tải của đội tàu biển Việt Nam liên tục tăng trưởng.

Vươn mình mạnh mẽ

Tính đến tháng 12/2020, đội tàu biển Việt Nam có 1.516 tàu (trong đó tàu vận tải là 1.049 tàu) với tổng số dung tích 5,7 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 9,3 triệu DWT. Theo số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD), đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới.

Cơ cấu đội tàu biển Việt Nam trong thời gian qua đã có bước cải thiện đáng kể, đội tàu phát triển theo hướng chuyên dụng hóa, đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa trong nước. Cụ thể, đội tàu container Việt Nam tăng trưởng khá tốt, số lượng tàu tăng từ 19 tàu trong năm 2013 và cho đến nay đã tăng lên gần 40 tàu. Hiện nay, tuổi tàu bình quân của đội tàu Việt Nam là 15,5 tuổi và trẻ hơn 5,8 tuổi so với thế giới (theo số liệu của UNCTAD, tuổi tàu bình quân của thế giới là 21,3 tuổi).

Với sự tái cơ cấu, thay đổi theo chiều hướng tích cực của đội tàu, trong năm 2020, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển vẫn giữ đà tăng trưởng, ước tính đạt 159,42 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2019. Trong đó, sản lượng hàng container của đội tàu biển Việt Nam ước đạt 2,6 triệu Teus, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Đội tàu mang quốc tịch Việt Nam hiện vẫn đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển. Hàng hóa vận chuyển nội địa chủ yếu là các mặt hàng gia dụng, lương thực, than, vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc, container, xăng dầu, hàng hóa tổng hợp.

Hiện nay, tổng số bến cảng được công bố là 286 bến cảng với khoảng 87,4 km dài cầu cảng, tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm. Hệ thống cảng biển Việt Nam cũng đã được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng: cầu bến, phao neo, trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa, phát triển cơ bản hoàn chỉnh, đầy đủ chức năng, quy mô và được phân bố trải rộng theo vùng miền, tận dụng tối đa được điều kiện tự nhiên, đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa vận tải bằng đường biển, phục vụ tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và cả nước, tạo động lực thu hút, thúc đẩy các ngành kinh tế, công nghiệp liên quan cùng phát triển.

02
 

Tiếp tục tìm hướng đi mới cho vận tải biển Việt Nam

Vận tải biển là một lĩnh vực mang tính quốc tế hóa cao, do đó, trước bối cảnh thị trường vận tải biển quốc tế và trong nước có diễn biến phức tạp với nhiều rào cản đã gây ra những khó khăn, thách thức cho lĩnh vực vận tải biển Việt Nam.

Chính vì vậy, nhằm tăng thị phần vận tải đường biển, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí vận tải và xây dựng chính sách để phát triển vận tải đa phương thức, logistics và kết nối hiệu quả các phương thức vận tải, Bộ GTVT, ngành Hàng hải luôn chú trọng phát triển vận tải biển, tìm ra những giải pháp không ngừng nâng cấp, tái cơ cấu và cải thiện vận tải biển Việt Nam. Vừa qua, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang đã chỉ đạo thành lập Tổ soạn thảo xây dựng Đề án Phát triển vận tải biển Việt Nam. Tổ soạn thảo sẽ triển khai khảo sát đánh giá hiện trạng; làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm mang đến một bức tranh toàn cảnh về đội tàu, cơ chế chính sách, quản lý nhà nước, vai trò của các hiệp hội.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang cho biết, cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lượng hàng hóa bằng đường biển sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới. Do đó, ngành Hàng hải không chỉ đảm bảo lượng hàng hóa này vận hành thông suốt mà còn nhằm mục tiêu tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Theo ông Giang, để giải quyết vấn đề này cần chú trọng đến một số vấn đề như: chú trọng kết nối hàng hóa đến cảng biển thuận lợi với chi phí rẻ nhất, quy trình vận hành khai thác tiết kiệm nhất; rà soát các văn bản QPPL có liên quan, trong đó có Thông tư về khung giá; phối hợp hiệu quả với các cơ quan chức năng để điều phối thị trường vận tải biển theo hướng thuận lợi hơn.

Để khai thác lợi thế, tiềm năng cần đầu tư mở rộng hạ tầng nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các nước láng giềng; xây dựng công trình giao thông, kho bãi, trung tâm logistics trên các tuyến đường, hành lang kết nối các cảng của Việt Nam với Lào, Campuchia, Thái Lan, Nam Trung Quốc... và đi các cảng lớn trên thế giới; nâng cao năng lực vận chuyển hàng hải, tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển; điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng biển theo hướng tập trung phát triển lợi thế kinh tế vùng; nâng cao chất lượng dịch vụ của đội tàu Việt Nam; tập trung phát triển năng lực vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa quốc tế, vận tải tuyến ven biển Bắc - Nam, vận chuyển hàng hóa và hành khách từ đất liền ra các đảo xa bờ.

Cần phát huy vai trò của hệ thống cảng biển Việt Nam là cửa ngõ ra biển Đông của nhiều hành lang vận tải ASEAN, tập trung vào các cảng: Vũng Tàu (Cái Mép - Thị Vải), Hải Phòng (Lạch Huyện), Quảng Ninh (Cái Lân), TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nghi Sơn, Vũng Áng; phát triển đội tàu, hệ thống cảng biển, dịch vụ vận tải biển đồng bộ với hệ thống cảng biển, tập trung khai thác hiệu quả các tuyến vận tải biển nội địa nhằm giảm tải cho đường bộ, góp phần giảm chi phí, nâng cao sản lượng vận tải.

Ý kiến của bạn

Bình luận