6 tháng đầu năm, đã có 7.323 chuyến tàu hàng chạy giữa Trung Quốc và châu Âu, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc, số chuyến tàu chở hàng trong một tháng đã vượt quá con số 1.300 trong cả tháng 5 và tháng 6, thiết lập kỷ lục 14 tháng liên tiếp có hơn 1.000 chuyến tàu hàng.
Phạm vi phân phối của đường sắt cũng tiếp tục được mở rộng, với 73 tuyến vận tải được thiết lập, chở hàng triệu container hàng hóa, từ Trung Quốc tới 168 thành phố ở 23 quốc gia châu Âu. Dịch vụ vẫn duy trì hoạt động an toàn và ổn định, đặc biệt là sạu sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez đặt ra những thách thức chưa từng có đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Tommy Tan, Chủ tịch Công ty Quản lý Chuỗi cung ứng EPU Thượng Hải, đơn vị tham gia vận chuyển chuỗi cung ứng cho BMW từ năm 2018, là một khách hàng trung thành của đường sắt.
Từng nhiều năm tham gia vào các thương vụ quốc tế, ông Tan nhận định khi các phương thức vận tải khác gặp khủng hoảng thì đường sắt là phương tiện chủ yếu để vận tải hàng hóa. “Do tính ổn định cao của đường sắt ngay cả thời điểm đỉnh dịch, việc cung cấp phụ tùng BMW từ nhà máy Nuremberd đến các nhà máy lắp ráp ô tô ở Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc vẫn không bị gián đoạn. Hàng hóa vẫn được giao đều đặn hàng tuần, khách hàng của chúng tôi đánh giá rất cao điều đó.”- Ông Tan cho biết.
Ông cũng cho biết thêm, nếu vận tải bằng đường biển thì hàng hóa sẽ phải chuyển đến tập kết ở một thành phố cảng ở Trung Quốc, sau đó mới gửi đến Thành Đô, chi phí phải bổ sung thêm là quá cao.
Đồng quan điểm với ông Tan, ông Bao, một chủ hãng chuyển phát quốc tế ở Nghĩa Ô, Chiết Giang, Trung Quốc hiểu rõ tầm quan trọng của việc giao hàng đúng giờ. Hàng hóa chủ yếu mà ông Bao nhận vận chuyển đến châu Âu là vật dụng y tế bao gồm khẩu trang, mặt nạ PPE nên để đảm bảo hàng hóa không bị gián đoạn kịp phục vụ nhu cầu cấp thiết của khách hàng, ông đã lựa chọn đường sắt ngay từ đầu. Ông Bao cho biết, từ Nghĩa Ô đến Hamburg, Đức chỉ mất 18 ngày đi tàu hàng, nhưng nếu đi bằng đường biển thì phải mất ít nhất 35 ngày, trong khi giá cước cả hai tương đương nhau.
Theo dữ liệu của Yixinou, hãng vận tải đường sắt chạy tuyến dài nhất trong số các tuyến chở hàng Trung Quốc - châu Âu, tính đến ngày 4/7, tỉnh Chiết Giang đã chạy 1.100 chuyến tàu hàng và vận chuyển 90.200 TEU hàng hóa, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Năm 2020, chỉ có 46% container được xếp trên các chuyến tàu liên vận khứ hồi từ châu Âu đến Trung Quốc do mất cân bằng thương mại sau khi hoạt động sản xuất bị gián đoạn ở nhiều nơi tại châu Âu, làm tăng chi phí các chuyến tàu, giảm lợi thế chi phí của đường sắt. Hiện nay, tải trọng tàu rời ga luôn đạt 100% công suất, trong khi tải trọng tàu quay lại đạt tới 95% công suất.
Tại Việt Nam, vận tải hàng hóa bằng đường sắt cũng ghi nhận sự tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh. Theo Tổng công ty ĐSVN, doanh thu vận tải hàng hóa tăng 22.9% so với cùng kỳ dù tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Con số đó có được là nhờ những biện pháp duy trì tàu hàng liên vận quốc tế, khai thông các nút thắt trong chính sách đường biên của Trung Quốc và tích cực tìm kiếm nguồn hàng mới. Ngày 20/7 vừa qua, Tổng công ty ĐSVN tổ chức chạy đoàn tàu hỏa chở container thẳng từ Hà Nội sang Bỉ. Thành phần đoàn tàu gồm 23 container 40 feet được vận chuyển với các loại hàng hóa như dệt may, da giày. Hành trình đoàn tàu được xuất phát từ Ga Liên vận quốc tế Yên Viên vận chuyển đến Trịnh Châu - Trung Quốc sau đó được kết nối vào đoàn tàu Á – Âu để đến điểm đích.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.