Chi phí vận tải đường bộ vẫn còn ở mức cao
Hệ thống đường bộ Việt Nam có tổng chiều dài 570.448km, trong đó quốc lộ: 24.136km, đường cao tốc: 816km, đường tỉnh: 25.741km, đường huyện: 58.347km, đường đô thị: 26.953km, đường xã: 144.670km, đường thôn xóm: 181.188km và đường nội đồng: 108.597km. Hệ thống quốc lộ hình thành nên các tuyến hành lang Bắc - Nam, vùng duyên hải và cao nguyên, các tuyến đường Đông - Tây dọc theo miền Trung Việt Nam. Ở phía Bắc, các tuyến quốc lộ hình thành mạng lưới nan quạt với tâm là Thủ đô Hà Nội. Ở phía Nam, các tuyến quốc lộ tạo nên hình lưới. Hệ thống quốc lộ hiện nay bao phủ khắp lãnh thổ và đóng vai trò trục chính kết nối vận tải giữa các vùng miền, các trung tâm kinh tế, các cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu, các đầu mối giao thông quan trọng.
Theo thống kê của Tổng cục ĐBVN, sản lượng vận tải hành khách năm 2017 ước đạt trên 3,8 tỷ lượt hành khách, tăng 11% so với năm 2016. Sản lượng vận tải hàng hóa năm 2017 ước đạt trên 1,1 tỷ tấn, tăng 10,4% so với năm 2016. Năm 2017, thị phần giữa các lĩnh vực đã có sự dịch chuyển nhưng vẫn chậm, vận tải đường bộ vẫn chiếm tỷ trọng cao so với các lĩnh vực vận tải khác (vận tải hàng hóa chiếm thị phần 77,47% và vận tải hành khách chiếm 94,23%); chất lượng dịch vụ vận tải hành khách tiếp tục được nâng cao, các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư, đổi mới phương tiện, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân.
Vận tải đường bộ hiện chiếm đa số thị phần, song so về giá thành, vận tải đường bộ còn cao hơn nhiều so với các loại hình khác, do vậy nó chưa phù hợp với thực tiễn do sự cạnh tranh không lành mạnh, các giao dịch chủ yếu qua trung gian, chưa tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của đơn vị vận tải. Theo tính toán, chi phí vận chuyển container loại 40 feet từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh vào khoảng 40 triệu VNĐ, cao gấp 9,7 lần so với vận chuyển bằng đường biển và hơn 2,5 lần so với vận chuyển bằng đường sắt. Tuy nhiên, chủ hàng vẫn lựa chọn phương án đắt hơn vì vận tải đường bộ kết nối trực tiếp được với hệ thống cảng biển, sân bay, bến tàu và thời gian vận chuyển nhanh hơn. Hiệu quả của việc kết nối giữa các phương thức vận tải là chưa cao do hạ tầng đường sắt còn chưa phát triển; luồng lạch một số tuyến đường thủy nội địa chưa được nạo vét thường xuyên dẫn đến không hoạt động được, trên một số tuyến bị hạn chế bởi tĩnh không cầu đường bộ và cầu đường sắt nên tàu có trọng tải lớn không hoạt động được. Thêm vào đó, chi phí logistics ở nước ta vẫn ở mức cao. Theo một số nghiên cứu, hiện nay chi phí này của Việt Nam chiếm khoảng 20% GDP, đây là mức khá cao so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore...
Sàn Giao dịch vận tải chưa phát huy hiệu quả
Để giảm chi phí vận tải, giảm các khâu trung gian, giảm chiều chạy rỗng của phương tiện, kết hợp hài hòa giữa các phương thức vận tải, Sàn Giao dịch vận tải hàng hóa ra đời với nhiều kỳ vọng lớn. Theo bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, Sàn Giao dịch vận tải hàng hóa đi vào hoạt động kết hợp với phương thức vận tải khác làm cơ sở phát triển dịch vụ logistics cho phù hợp với lộ trình phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Qua thống kê, tổng số thành viên tham gia Sàn Giao dịch vận tải tính đến tháng 12/2017 là 1.066 thành viên. Chuyến hàng đăng ký trên Sàn: 239 chuyến hàng; chuyến xe đăng ký trên Sàn: 1.157 chuyến xe; tổng số giao dịch trên Sàn: 623 giao dịch. Trong đó: Giao dịch xe tìm hàng: 569 giao dịch, giao dịch hàng tìm xe: 54 giao dịch, giao dịch thành công trên Sàn: 48 giao dịch. Hiện tại, Sàn Giao dịch vận tải chưa áp dụng cơ chế buộc phải giao dịch 100% trên Sàn nên các chủ xe và chủ hàng lấy thông tin và liên hệ giao dịch với nhau thông qua các thông tin của Sàn cung cấp, do đó số lượng giao dịch này là rất lớn. Sàn Giao dịch vận tải hàng hóa hoạt động chưa hiệu quả do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân của doanh nghiệp vận tải và chủ hàng chưa thực sự quan tâm đến tham gia giao dịch trên Sàn do không muốn minh bạch và công khai các chi phí vận chuyển.
Cũng theo bà Hiền, vận tải đường bộ hiện phải đảm nhận tỷ trọng lớn, không cân đối với các phương thức vận tải khác; chất lượng dịch vụ đã được nâng cao nhưng chưa đồng đều, còn có các đơn vị vận tải nhỏ lẻ, manh mún; vẫn còn xe chạy rỗng, hiệu quả kinh doanh chưa cao; thị trường vận tải hàng hóa hiện mới đang từng bước minh bạch. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ quản lý vận tải còn thiếu và chuyên môn chưa phù hợp; công tác quản lý lái xe và nhân viên phục vụ trên xe vẫn còn có bất cập; công tác thống kê số liệu về hoạt động vận tải của ngành GTVT chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ cho việc hoạch định chính sách phát triển của Ngành và nền kinh tế.
Nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường kết nối
Để nâng cao hiệu quả, tạo sự kết nối giữa đường bộ và các loại hình vận tải khác, Tổng cục ĐBVN sẽ chuẩn hóa hệ thống đường bộ đạt cấp kỹ thuật theo quy hoạch và đồng bộ cấp đường trong khu vực, phù hợp với các điều ước quốc tế đã ký kết, góp phần tăng cường hội nhập quốc tế, thực hiện mục tiêu quy hoạch phát triển GTVT. Theo đó, sẽ tăng cường tính kết nối với các nước trong khu vực, kết nối giữa vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác, kết nối các đầu mối vận tải, đầu mối kinh tế, các trung tâm logistics; ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, huy động đầu tư xã hội hóa cũng như kêu gọi các nguồn vốn như ODA, FDI... để tăng cường đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ kết nối theo đúng lộ trình và chuẩn hóa hệ thống quốc lộ.
Bên cạnh đó, xây dựng phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng du lịch, tuyến cố định sau khi được Bộ GTVT phê duyệt; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy hoạch tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh theo định kỳ hàng năm nhằm tăng cường kết nối với các phương thức vận tải khác tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách; tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác tái cơ cấu vận tải; hình thành và đưa vào vận tải các tuyến vận tải mẫu nhằm mục tiêu giảm thị phần vận tải đường bộ và giảm chi phí vận tải; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về kết nối Sàn Giao dịch vận tải hành khách, hàng hóa với phương thức vận tải khác làm cơ sở phát triển dịch vụ logistics cho phù hợp với lộ trình phát triển dịch vụ logistics Việt Nam tại Quyết định số 200/QĐ - TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ; nghiên cứu các giải pháp và cơ chế nhằm thúc đẩy hoạt động của Sàn Giao dịch vận tải hàng hóa hạn chế xe chạy rỗng để tiết kiệm chi phí, đồng thời nghiên cứu hình thành Sàn Giao dịch chung cho các phương thức vận tải; tiếp tục nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, nhân dân.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.