Hình thức bán vé mới này, bước đầu đã đem lại nhiều tiện ích, được dư luận, người dân, hành khách đi tàu đánh giá cao.
Hệ thống bán vé điện tử là sản phẩm hợp tác theo hình thức cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin của Tập đoàn FPT và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (TCT ĐSVN). Mang lại sự thuận tiện cho người dân là mục tiêu lớn nhất mà những người làm dự án xây dựng Hệ thống bán vé điện tử hướng đến. Do đó, những thiết kế tối giản nhất trên hệ thống đều được chú trọng như hành khách không cần đăng ký tài khoản, mật khẩu… mà chỉ cần chọn hành trình, chuyến tàu, số lượng người… và thanh toán là đã có thể sở hữu được tấm vé tàu.
Chỉ cần một thiết bị kết nối internet, người dân dù ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào cũng đều có thể mua được vé. Những tiện ích trên, không chỉ tạo sự thuận tiện cho người dân mà ngành Đường sắt cũng đã giảm tải được tình trạng ùn tắc, chen lấn tại các ga của ngành Đường sắt. Điều này, đã được chứng minh rõ nét nhất trong đợt cao điểm mở bán vé tàu Tết Ất Mùi 2015 bắt đầu từ 01/12/2014. Tại Ga Sài Gòn những ngày đầu mở bán vé tàu Tết 2015 khác hẳn với những năm trước đó. Người ta không còn thấy cảnh chen lấn, xô đẩy thâu đêm suốt sáng tại ga để chờ mua vé, những gương mặt mệt mỏi vì chờ đợi cũng đã thưa dần. Thay vào đó, phần lớn người dân đã có thể ngồi nhà hoặc tại công sở, khu công nghiệp… sử dụng máy tính, thiết bị kết nối internet để đặt vé tàu.
Với một kho vé minh bạch và duy nhất cho tất cả các kênh bán vé, người dân chỉ cần theo dõi qua website đều có thể biết được vé còn hay hết, chọn chỗ theo ý muốn một cách trực quan. Chức năng hàng đợi tích hợp trên website đã tăng cơ hội mua vé cho những người chưa có vé. Bên cạnh đó, hệ thống còn hỗ trợ tốt hơn cho ngành Đường sắt trong việc chống nạn cò vé, phe vé với khả năng truy quét và khoanh vùng nghi vấn từ các giao dịch bất thường như mua nhiều vé cùng một IP, cùng một tài khoản chứng minh thư nhân dân, thanh toán nhiều vé qua một thẻ… Trong đợt bán vé Tết Ất Mùi 2015, hệ thống đã phát hiện được gần 20.000 trường hợp vé được đặt mua có dấu hiệu bất thường và có khả năng đầu cơ. Sau khi xác minh, hệ thống đã kịp thời xử lý nghiệp vụ để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho những người mua vé có nhu cầu thực sự và chuyển trả vào kho vé các chỗ đã được bên trung gian đặt mua nhằm trục lợi riêng.
Việc áp dụng phương thức bán vé qua mạng không còn là mới mẻ nhưng lại là sự thay đổi có tính chất lịch sử của ngành Đường sắt. Bởi lẽ, trong suốt 133 năm lịch sử ngành Đường sắt, phương thức bán vé tại ga vẫn được duy trì, dù internet và công nghệ thông tin đã phát triển và được nhiều ngành khác đưa vào hoạt động kinh doanh từ nhiều năm trước.
Để thuận tiện cho khách hàng, FPT đã đưa vào ứng dụng nhiều tiện ích: Người mua vé qua mạng đến từ 63 tỉnh thành toàn quốc; tra cứu tình trạng vé, chọn chỗ ngồi, “mua vé mọi lúc mọi nơi” với kết nối internet; với 4 hình thức thanh toán: Thanh toán tiền mặt tại ga, ATM, 53 điểm giao dịch Ngân hàng VIB và 2.544 điểm giao dịch bưu điện toàn quốc.
Để tiếp tục hoàn thiện, thời gian tới, FPT và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ đánh giá lại những mặt đã làm được và những hạn chế để từ đó tìm cách tháo gỡ khó khăn. Năm 2015, tiếp tục đưa những tính năng mới sẽ được bổ sung: Hỗ trợ kiểm tra giám sát thông tin khách đi tàu; không cần in phôi vé, thanh toán là lên tàu; ki-ốt bán vé tự động; bán vé qua điện thoại thông minh; thiết bị soát vé qua mã 2D; phiên bản website tiếng Anh; chức năng điều tiết giá vé, cắt chặng và cấp phát chỗ tự động… Cung cấp hệ thống bán vé điện tử hoàn chỉnh bắt đầu từ ngày 21/11/2015 với thời hạn 6 năm.
Với một hệ thống mới phục vụ đại chúng được hình thành và phát triển đã đạt được những hiệu quả ban đầu. Khát khao chuyển mình cùng “Rồng sắt”, Tổng công ty ĐSVN cùng FPT sẽ mang đến hệ thống vé tàu thuận tiện nhất để phục vụ người dân trên khắp mọi miền đất nước. Và xa hơn, với nền tảng và kinh nghiệm mà dự án vé tàu điện tử mang lại, FPT có thể tự tin cung cấp thêm nhiều dịch vụ công nghệ thông tin để phục vụ người dân trong những lĩnh vực khác của đời sống, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông. Đồng thời, FPT sẽ triển khai Dự án thí điểm Xã hội hóa đầu tư và vận hành Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm, đảm bảo trật tự ATGT trên tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai đoạn Hà Nội – Phú Thọ. Ngoài việc đưa công nghệ thông tin để giải quyết vấn đề ATGT, FPT cũng đang nghiên cứu các giải pháp để tăng lưu lượng giao thông, giảm tắc đường… bằng công nghệ .
Ngọc Hoàng
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.