Chi phí logistics của Việt Nam giảm mạnh

Tác giả: M.Thành

saosaosaosaosao
Vận tải 24/07/2023 11:42

Chi phí logistics của Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 16,8% GDP (năm 2018 là 21% GDP) đang tiếp tục thay đổi theo chiều hướng tích cực và tiệm cận với các nước trong khu vực.

Vì sao hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam tiếp tục giảm? - Ảnh 1.

Tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam từ đầu năm đến nay đạt 362,7 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022 (ảnh minh họa)

Thông tin từ Cục Hàng hải VN cho hay, 6 tháng đầu năm 2023, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt 362,7 triệu tấn.

Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam đã đảm nhận được 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời. Khối lượng hàng hóa do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển đạt 68,0 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó hàng container đạt 1,3 triệu Teus, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022.

Lượt tàu biển thông qua cảng biển đạt 48,7 nghìn lượt giảm 7% so với cùng kỳ năm trước, lượt phương tiện thủy thông qua địa đạt 166,4 nghìn lượt tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, về lĩnh vực dịch vụ hàng hải và logistics, hiện nay hạ tầng logistics của Việt Nam có 8 trung tâm logistics, 11 cảng cạn và 16 điểm thông quan hàng hóa (ICD). Các cảng cạn, ICD phân bổ tập trung trên 5 hành lang và khu vực kinh tế trong tổng số 15 hành lang và khu vực kinh tế có quy hoạch cảng cạn, trong đó hành lang kinh tế ven biển ở miền Bắc đã hình thành 4 trong tổng số 5 cảng cạn được quy hoạch.

Liên quan đến chi phí logistics của Việt Nam, theo Cục Hàng hải VN, năm 2022, chi phí logistics chiếm khoảng 16,8% GDP, mặc dù còn cao so với bình quân chung của thế giới (đang khoảng 10,6%) nhưng cũng đã có những thay đổi tích cực trong thời gian qua và tiệm cận với các nước trong khu vực (năm 2018, chi phí logistics khoảng 21% GDP).

Quy mô của ngành logistics Việt Nam hiện nay khoảng 60 - 70 tỷ USD/năm, trong đó hoạt động vận tải được xác định chiếm tới 60% (tương đương khoảng 35 - 40 tỷ USD/năm), do đó việc giảm chi phí vận tải, đặc biệt là lĩnh vực vận tải biển (chiếm 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của nước ta) có vai trò rất quan trọng nhằm kéo giảm chi phí logistics nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với lĩnh vực hàng hải, trong thời gian qua đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận trong quản lý và khai thác cảng cửa ngõ quốc gia. Cụ thể, năm 2022, Ngân hàng Thế giới World Bank công bố Chỉ số hiệu quả hoạt động container (CPPI), trong đó Cảng container quốc tế Cái Mép đứng thứ 12/348 cảng container trên thế giới.

Theo báo cáo của World Bank năm 2023, Việt Nam hiện có chỉ số LPI (chỉ số Hiệu quả Logistics) đứng trong nhóm 25 nước hoạt động ổn định, đứng vị trí thứ 43 trên thế giới. Việt Nam thuộc nhóm 5 trong các nước Asean, đứng sau Singapore, Malaysia, Thailand và cùng nhóm xếp hạng với Philippines.

Đánh giá về sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam từ đầu năm đến nay, Cục Hàng hải VN cho biết, trong những năm qua, ngành vận tải biển toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Trong năm 2023, do suy thoái kinh tế, giá nhiên liệu và lạm phát tăng cao, nhu cầu vận tải biển giảm mạnh ở nhiều thị trường tiêu thụ lớn, một phần do sức mua giảm sút vì lạm phát và kinh tế phục hồi chậm, thêm vào đó giá cước vận tải đang giảm mạnh, đội tàu vận tải được đóng mới và đưa vào khai thác nhiều.

Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải trong lĩnh vực hàng hải, Cục Hàng hải VN đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải biển, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực vận tải biển, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào giải quyết thủ tục hành chính; rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về vận tải biển, tạo ra một hành lang pháp lý ổn định, thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Trước mắt, tập trung sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giá dịch vụ hàng hải và quản lý hoạt động vận tải container của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam.

Ý kiến của bạn

Bình luận