"Đánh thức" cảng biển Việt Nam - Kỳ 2: Đầu tư bến, khơi thông luồng, dịch vụ hấp dẫn

Tác giả: Minh Thành

saosaosaosaosao
Hàng hải 18/04/2023 13:53

Cảng biển ở Việt Nam đủ sức tiếp nhận những siêu tàu container lớn nhất thế giới và thực tế cũng đã chứng minh. Phát triển ngành cảng biển và hậu cần cũng đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại một số địa phương. Nhưng đi kèm với đó luôn là các điều kiện.

Đến năm 2030, nhu cầu đầu tư hệ thống cảng biển khoảng 312.625 tỷ đồng

"Đánh thức" cảng biển Việt Nam - Kỳ 2: Đầu tư bến, khơi thông luồng, dịch vụ hấp dẫn   - Ảnh 1.

Tàu container OOCL Spain đã cập cảng Gemalink ở Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 30/3/2023

Ngày 30/3/2023, tàu container OOCL Spain đã cập cảng Gemalink ở Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là tàu container lớn nhất từ trước tới nay cập cảng Cái Mép-Thị Vải, với trọng tải lên đến 225.000 tấn và chở được 24.188 TEU. OOCL Spain được xếp hạng là một trong những siêu tàu container lớn nhất thế giới.

Sự kiện tiếp nhận tàu OOCL Spain cập cảng Gemalink được đánh giá là mở ra giai đoạn phát triển mới của cụm cảng Cái Mép và ngành hàng hải Việt Nam nói chung.

"Đối với Việt Nam, việc này thể hiện năng lực kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu. Đối với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thể hiện niềm tin của đối tác với kế hoạch nạo vét luồng Cái Mép - Thị Vải trong thời gian tới đạt độ sâu âm 15,5 m, bảo đảm độ an toàn cho các thế hệ tàu lớn nhất hiện nay vào cảng", ông Đỗ Công Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cảng Cái Mép Gemadept – Terminal Link (Cảng Gemalink) phát biểu tại sự kiện đáng nhớ này.

Cảng quốc tế Gemalink hiện đứng trong top 19 thương cảng của thế giới có khả năng tiếp nhận thế hệ siêu tàu "megaship" (tàu siêu lớn) lớn nhất thế giới hiện nay. Hiện Tập đoàn Gemadept đang xúc tiến các thủ tục để có thể khởi công giai đoạn 2 của cảng Gemalink trong năm 2023, từ đó nâng công suất lên gấp đôi, tương đương 3 triệu TEUs/năm.

Trong khi đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đặt mục tiêu tập trung mọi nguồn lực đầu tư, phát triển hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế cấp đặc biệt của quốc gia; phát triển ngành cảng biển và hậu cần cảng Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chủ lực của tỉnh.

Trước đó, ngày 18/2, Bộ GTVT đã khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số "0" vào khu bến cảng container Cái Mép. Trong đó, cải tạo mở rộng luồng tàu đoạn luồng từ phao số "0" đến cảng CMIT, chiều dài nâng cấp 30,5km với bề rộng đáy luồng 350m và độ sâu -15,5m. Đồng thời, thiết lập vũng quay tàu tại ngã ba sông Thêu (hạ lưu Cảng SSIT) đường kính 700m và tại ngã ba sông Gò Gia đường kính 600m, độ sâu -15,5m.

Dự án dự kiến hoàn thành thi công trong năm 2024, đáp ứng cho tàu có trọng tải đến 200.000 DWT/18.000 Teu giảm tải hoặc lớn hơn (đáp ứng điều kiện an toàn hàng hải) khai thác một chiều.

Có độ sâu khu nước trước bến đến -16,5m, Cảng nước sâu Gemalink là một trong những cảng biển có mớn nước sâu nhất Việt Nam hiện nay.

Với những thông số kỹ thuật này, đây là một trong số ít các cảng biển trên thế giới tiếp nhận được các hãng tàu mẹ có tải trọng lên đến 250.000 DWT - cỡ tàu container lớn nhất thế giới hiện nay nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động.

"Đánh thức" cảng biển Việt Nam - Kỳ 2: Đầu tư bến, khơi thông luồng, dịch vụ hấp dẫn   - Ảnh 3.

Tàu vào làm hàng tại Cảng CICT Cái Lân (Quảng Ninh)

Trong báo cáo "Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" vừa được Bộ GTVT hoàn thiện, gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT tính toán, đến năm 2030, tổng nhu cầu đầu tư cho hệ thống cảng biển khoảng 312.625 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng hơn 70.000 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng hơn 242.000 tỷ đồng.

Cụ thể, đến năm 2025, tập trung đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải phục vụ tàu đến 200.000 tấn giảm tải (18.000 Teu); Dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu - giai đoạn 2 cho tàu đến 20.000 tấn giảm tải; luồng sông Văn Úc cho tàu 10.000 tấn, luồng sông Chanh cho tàu đến 50.000 tấn.

Cũng trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ ưu tiên đưa vào khai thác các bến 3, 4, 5, 6 tại khu bến Lạch Huyện, bến khởi động tại khu bến Liên Chiểu và các bến cảng chính thuộc cảng biển loại I.

Giai đoạn này cũng kêu gọi đầu tư các bến cảng tại các cảng biển tiềm năng như Vân Phong và Trần Đề. Đến giai đoạn năm 2030, sẽ đầu tư bến khởi động khu bến Nam Đồ Sơn (Hải Phòng), các bến cảng tại khu vực Cái Mép hạ và hạ lưu Cái Mép hạ và khu bến Trần Đề (Sóc Trăng).

Để thực hiện các giải pháp quy hoạch, Bộ GTVT đề xuất các giải pháp như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, chuyên dùng từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, khai thác có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của các cảng biển.

Đồng thời xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách sử dụng nguồn thu từ việc cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng biển được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng.

Ngoài ra, rà soát, bổ sung quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng đất có mặt nước, khu vực biển để san lấp, xây dựng cảng biển trong Luật Đất đai nhằm phục vụ cho công tác đấu giá, đấu thầu thực hiện các dự án đầu tư cảng biển; miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển để đầu tư phát triển cảng biển, kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng.

"Khác với một số lĩnh vực khác phải trải thảm đỏ, mời gọi, xúc tiến đầu tư, ở đây xuất phát từ quy hoạch, vị thế của hệ thống cảng biển của chúng ta, đặc biệt là xuất phát từ kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cảng biển những năm qua, việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực cảng biển không còn là vấn đề trọng yếu nữa. Điều quan trọng hơn chính là việc chúng ta lựa chọn những nhà đầu tư tốt nhất, đủ năng lực vào đầu tư. Ở đây có trách nhiệm của địa phương, nhưng ở góc độ quản lý chuyên ngành, Cục Hàng hải cũng phải vào cuộc quyết liệt".

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang

Rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định cụ thể về thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển theo hướng không thu phí hạ tầng đối với việc gom, rút hàng bằng đường thủy nội địa nhằm đẩy mạnh năng lực vận tải thủy nội địa, giảm áp lực cho vận tải bằng đường bộ.

Hoàn thiện cơ chế tổ chức giám sát thực hiện quy hoạch theo hướng tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong hoạt động đầu tư cảng biển nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch.

Đề cập đến quy hoạch và phát triển hệ thống cảng biển tại hội nghị ngày 28/12/2022 do Cục Hàng hải VN tổ chức, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho rằng, một trong những trụ cột của ngành hàng hải chính là quy hoạch, đầu tư, xây dựng, khai thác, quản lý hệ thống cảng biển quốc gia.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, trong bối cảnh nguồn đầu tư có hạn nhưng thời gian qua, chúng ta vẫn tiếp nối được các phương án về khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển hiện hữu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Điều đó phần nào cho thấy năng lực của hệ thống cảng biển Việt Nam.

"Chúng ta đang có một hệ thống cảng biển tổng thể, hiện đại, đáp ứng dư thừa nhu cầu xếp dỡ hàng hóa nội địa và xuất nhập khẩu, thỏa mãn các yêu cầu đột biến hay trong bối cảnh đặc biệt như là Covid-19. Về năng lực thông qua, chất lượng dịch vụ… đều rất đáng ghi nhận", Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho hay.

Chính sách hướng tới khách hàng

"Đánh thức" cảng biển Việt Nam - Kỳ 2: Đầu tư bến, khơi thông luồng, dịch vụ hấp dẫn   - Ảnh 5.

Nạo vét luồng Hải Phòng (đoạn Lạch Huyện) - ảnh: Tổng Công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Bắc

Để thu hút khách hàng, chỉ đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối, liên kết chuỗi logistics là chưa đủ, các cảng biển và chính quyền địa phương đã, đang làm nhiều cách để "kéo" bạn hàng về phía mình.

Mới đây, Bộ GTVT có văn bản chấp thuận chủ trương cho phép Công ty TNHH MTV Cảng Tân Cảng-Cái Mép Thị Vải và Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép nghiên cứu phương án hợp tác hình thành bến chung.

Theo Bộ GTVT, việc nghiên cứu kết nối bến chung giữa hai cảng biển lớn tại Bà Rịa-Vũng Tàu nhằm thực hiện chủ trương khuyến khích nghiên cứu, áp dụng các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng cảng biển, để tận dụng, phát huy tối đa hiệu quả hạ tầng bến cảng đã đầu tư, thúc đẩy việc thu hút các tàu biển trọng tải lớn, giảm thời gian chờ đợi tàu vào làm hàng tại khu vực Cái Mép.

"Đánh thức" cảng biển Việt Nam - Kỳ 2: Đầu tư bến, khơi thông luồng, dịch vụ hấp dẫn   - Ảnh 6.

Toàn cảnh hiện trường thi công hai bến container số 3, 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại khu bến cảng Lạch Huyện. Ảnh: Hoàng Tùng

Cũng liên quan đến chính sách thu hút khách hàng, cuối năm 2022, Hội đồng nhân dân TP Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 21 với điểm nổi bật là giảm 50% phí hạ tầng cảng biển từ 1/1/2023. Đồng thời, giảm 50% mức thu phí đối với hàng hóa của đối tượng nộp phí khi vào cảng và rời cảng bằng phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến đường thủy.

Trước đó, theo Nghị quyết của HĐND thành phố, từ 1/8/2022, TP. HCM cũng quyết định giảm 50% phí hạ tầng cảng biển với hàng chở bằng đường thuỷ và mức thu như nhau với hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM hay ngoài thành phố.

TP.HCM cũng miễn thu phí với hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; Miễn thu phí đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển ra vào cảng bằng đường thủy nội địa theo Hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về vận tải đường thủy.

Cùng với chính sách giảm phí, tại một số cảng biển cũng chủ động triển khai các dịch vụ để phục vụ khách hàng thuận tiện hơn. Chẳng hạn như tại Cảng Hải Phòng (1 trong 2 cảng biển được xếp loại đặc biệt ở Việt Nam và là cảng biển lớn nhất miền Bắc), thời gian qua, doanh nghiệp này liên tiếp triển khai dịch vụ Cảng điện tử ePort và Hệ thống giao nhận cổng tự động (Smart gate). Đây là những dịch vụ giúp quá trình giao nhận, thanh toán thuận tiện, giảm thời gian, giảm ách tắc giao thông tại cổng cảng.

Trong khi đó, Hệ thống giao nhận cổng tự động (Smart gate) là giải pháp thông minh cho các tác nghiệp giao nhận container tại cổng, giúp thay đổi phương thức thu thập, cập nhật dữ liệu và tương tác với lái xe... và là một trong những nền tảng phát triển kết nối chuỗi cung ứng dịch vụ logistics, thực hiện giao dịch số hóa trong tương lai. Các đơn vị xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ giảm thiểu tối đa thời gian chờ và tiết giảm chi phí; mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho doanh nghiệp.

Theo Quyết định số 804 ngày 8/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ công bố danh mục 34 cảng biển, Việt Nam có 2 cảng biển loại đặc biệt là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu.

11 cảng biển loại I gồm: Cảng biển Quảng Ninh, Cảng biển Thanh hóa, Cảng biển Nghệ An, Cảng biển Hà Tĩnh, Cảng biển Đà Nẵng, Cảng biển Quảng Ngãi, Cảng biển Bình Định, Cảng biển Khánh Hòa, Cảng biển TP Hồ Chí Minh, Cảng biển Đồng Nai, Cảng biển Cần Thơ.

7 cảng biển loại II gồm: Cảng biển Quảng Bình, Cảng biển Quảng Trị, Cảng biển Thừa Thiên Huế, Cảng biển Bình Thuận, Cảng biển Đồng Tháp, Cảng biển Hậu Giang và Cảng biển Trà Vinh.

Danh sách 14 cảng biển: Nam Định, Thái Bình, Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang là cảng biển loại III.

Ý kiến của bạn

Bình luận