Vì sao Nghị định 100 "đi” rất nhanh vào đời sống?

Tác giả: Lê Minh - Vũ Thành

saosaosaosaosao
Pháp luật giao thông 11/03/2020 15:31

Sau hai tháng kể từ khi chính thức có hiệu lực, Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Nghị định 100) được xem là quy định pháp luật có ‘tốc độ” đi vào đời sống rất nhanh. Trong đó, việc “mạnh tay” chấn chỉnh hàng loạt vi phạm hàng đầu gây TNGT là “cú hích” rất mạnh để TNGT giảm ấn tượng ngay sau khi Nghị định có hiệu lực thi hành.

 

5''

Đáp ứng sự bức thiết trong thực tiễn

Nghị định 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào ngày 30/12/2019 và bắt đầu có hiệu lực chỉ hai ngày sau đó. Trong đó, Nghị định tăng nặng xử lý hàng loạt các hành vi nguy hiểm là tác nhân hàng đầu gây ra TNGT, căn cứ theo quá trình theo dõi, phân tích kỹ lưỡng về nguyên nhân gây ra TNGT trong nhiều năm qua. Đây được xem là giải pháp đột phá tạo tiền đề siết chặt kỷ cương, trật tự ATGT, góp phần nâng cao văn hóa giao thông, xây dựng môi trường giao thông an toàn, hiện đại.

Theo thông lệ, các nghị định của Chính phủ thường có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký, trong khi Nghị định 100 có hiệu lực chỉ sau hai ngày. Lý giải về điều này, bà Hoàng Hồng Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục ĐBVN) cho biết, việc Nghị định 100 phải đi vào đời sống ngay lập tức bởi tính cấp thiết đối với tình hình TNGT. Đây là Nghị định thay thế Nghị định 46/2016, trong đó bổ sung, quy định nhiều hành vi liên quan đến Luật Giao thông đường bộ và Luật Đường sắt, đồng thời phục vụ thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.

Hiệu quả của Nghị định 100 đã được chứng minh rất rõ ràng trong hai tháng vừa qua. Theo đó, hàng loạt cảnh tượng xưa nay hiếm thấy đã xuất hiện như quán nhậu vắng lặng lạ thường, bệnh viện giảm mạnh nạn nhân TNGT, hàng vạn “ma men” bị xử phạt... Những yếu tố tích cực đó đã nhận được sự hoan nghênh, hưởng ứng rất lớn của cộng đồng xã hội, trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân ngay khi được triển khai.

Ghi nhận của Tạp chí GTVT trong hai tháng qua, từ những ngày đầu thực thi Nghị định 100 đến nay, lực lượng chức năng đã kiên quyết trong việc xử phạt vi phạm và quan điểm xuyên suốt sẽ luôn là “mạnh tay” đối với những vi phạm, nhất là đối với người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn.

Theo đánh giá của ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, Luật Phòng, chống tác hại rượu bia cùng với Nghị định 100 đã làm cho tình hình trật tự ATGT chuyển biến rất tích cực, TNGT giảm mạnh trong hai tháng đầu năm. Thông qua việc tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng, xã hội rất hưởng ứng biện pháp “mạnh tay” chấn chỉnh vi phạm nồng độ cồn. ,

“Có thể nói rằng, đây là quy định pháp luật “đi” rất nhanh vào đời sống, có tác động trực tiếp và có hiệu quả ngay trong thực tiễn. Điển hình là, chỉ vài ngày sau khi Nghị định đi vào thực hiện, bình quân mỗi ngày đã giảm từ 5 - 6 người thiệt mạng do TNGT. Trong thời gian qua, chúng ta dễ dàng nhận thấy tình trạng lạm dụng rượu bia hoặc hành vi sử dụng rượu bia phản văn hóa đã giảm rất nhiều, tạo nền nếp mới trong đời sống văn hóa ẩm thực của người dân”, ông Khuất Việt Hùng nhìn nhận.

Số vụ TNGT giảm hơn 36%,

Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, điều quan trọng hiện nay là cần phải duy trì thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại rượu bia và Nghị định 100 để tiếp tục kéo giảm TNGT nói riêng cũng như kéo giảm tai nạn thương tích và các hệ lụy khác của rượu bia gây ra nói chung.

Đại diện lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an) chia sẻ, công tác kiểm soát nồng độ cồn của lực lượng chức năng nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của toàn dân, tác động tích cực, trực tiếp vào ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông là “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”, qua đó góp phần làm giảm TNGT cả 3 tiêu chí. Trong hai tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 1.353 vụ, làm chết 761 người, bị thương 958 người. So với thời gian hai tháng trước đó (tháng 11 và 12/2019) giảm 770 vụ (-36,27%), giảm 183 người chết (-19,39%), giảm 759 người bị thương (-44,21%).

Dịp Tết Nguyên đán hàng năm vốn là thời điểm gia tăng đột biến bệnh nhân TNGT liên quan đến rượu bia thì năm nay, con số này đã giảm rất ấn tượng. Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định, tính trong những ngày nghỉ Tết năm nay, con số khám chữa bệnh liên quan đến TNGT là 20.292 trường hợp, giảm 17,4% so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi 2019. Số liệu từ các bệnh viện lớn trên cả nước, điển hình là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy, số ca nhập viện do TNGT dương tính với nồng độ cồn đã giảm khoảng 50% so với cùng kỳ Tết năm ngoái. Theo PGS. TS. Trần Đình Thơ - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong những ngày nghỉ Tết, số người nhập viện do TNGT tuy tăng nhưng số trường hợp dương tính với nồng độ cồn giảm mạnh khoảng một nửa so với cùng kỳ năm 2019.

Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), trong hai tháng đầu năm nay đã có hơn 23.000 tài xế “ma men” bị xử lý. Cụ thể, từ ngày 01/01 đến 14/02, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện xử lý 23.590 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên đường bộ, phạt tiền trên 90 tỷ đồng. Trong đó, vi phạm của xe ô tô là 1.447 trường hợp (6,13%); 22.091 trường hợp xe mô tô, xe máy vi phạm (93,64%); 5 trường hợp xe máy chuyên dùng vi phạm (0,02%); 47 trường hợp xe đạp, xe máy điện vi phạm (0,2%), tước giấy phép lái xe 14.849 trường hợp, tạm giữ 23.590 phương tiện các loại. Ở lĩnh vực đường sắt, lực lượng của Cục CSGT đã xử lý 01 trường hợp trực ban chạy tàu vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 5 triệu đồng..

Ý kiến của bạn

Bình luận