Vì sao suất đầu tư cao tốc Bắc - Nam nơi cao, nơi thấp?

Tác giả: Đình Quang

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 08/02/2022 11:58

Có nhiều dự án suất đầu tư chỉ từ 100 - 150 tỷ đồng/km, nhưng một số dự án lại có suất đầu tư lên tới hơn 200 tỷ đồng/km.

1600
Suất đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang tổ chức thi công sẽ phụ thuộc rất lớn vào điều kiện địa hình, địa chất, nguồn vật liệu,... nơi dự án đi qua

Trên cùng tuyến cao tốc Bắc - Nam, nhiều dự án thành phần có suất đầu tư (tính theo tổng mức đầu tư) dao động từ 100  - 150 tỷ đồng/km, như: Vĩnh Hảo - Phan Thiết (108 tỷ đồng/km), QL45 - Nghi Sơn (131 tỷ đồng/km), Nghi Sơn - Diễn Châu (146 tỷ đồng/km),… nhưng một số dự án lại có suất đầu tư lên tới hơn 200 tỷ đồng/km (cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ: 210 tỷ đồng/km, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: 246 tỷ đồng/km). Vì sao suất đầu tư các dự án cao tốc lại có sự chênh lệch như vậy?

Suất đầu tư phụ thuộc điều kiện địa hình, địa chất, nguồn vật liệu

Trao đổi với PV Tạp chí Giao thông vận tải, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, suất đầu tư của các dự án cao tốc phụ thuộc rất lớn vào điều kiện địa hình, địa chất, nguồn vật liệu,… nơi dự án đi qua.

Điển hình, các dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long thường có suất đầu tư thường cao hơn các vùng khác do có nhiều khu vực nền đất yếu cần phải xử lý với chi phí lớn. Hơn nữa, nguồn vật liệu đất đắp, cát, đá,… phục vụ thi công dự án rất khan hiếm và cự ly vận chuyển rất xa khiến chi phí công trình tăng lên.

Dẫn chứng tại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do Tập đoàn Đèo Cả làm nhà đầu tư, vị này cho biết, suất đầu tư dự án khoảng 246 tỷ đồng/km (dự án dài khoảng 51,5km, TMĐT: 12.668 tỷ đồng). Tuy nhiên, tại dự án cao tốc khác cũng do Tập đoàn Đèo Cả làm nhà đầu tư theo hình thức PPP là Cam Lâm - Vĩnh Hảo, suất đầu tư dự án chỉ khoảng 174 tỷ đồng/km.

“Hai dự án có cùng quy mô, nhưng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đi qua nhiều khu vực nền đất yếu, vật liệu đất, cát, đá khan hiếm, cự ly vận chuyển xa, trên tuyến phải xây dựng cầu, cống,… nên suất đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cao hơn nhiều so với cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi qua khu vực địa chất tốt, các mỏ vật liệu gần dự án”, vị này chia sẻ.    

cam lam vinh hao
Dự án PPP cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi qua khu vực địa chất tốt, mỏ vật liệu phong phú và nằm sát dự án nên suất đầu tư dự án khoảng 174 tỷ đồng/km

Đồng quan điểm, ông Phạm Hữu Sơn - Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho biết, dự án giao thông có đặc thù đi qua các khu vực có các điều kiện tự nhiên khác nhau. Với các giải pháp như đi qua các khu vực đồng bằng thì đắp nền, đi qua sông, kênh thì bắc cầu và đi qua các núi lớn thì đào hầm nên với cùng một quy mô đầu tư thì chi phí xây dựng sẽ phụ thuộc phần lớn vào đặc điểm địa hình, địa chất của khu vực.

“Các khu vực có nhiều sông kênh như Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có nhiều công trình cầu nên chi phí xây dựng lớn. Hay dự án đi qua khu vực các núi lớn cần làm hầm cũng có chi phí xây dựng lớn. Một số khu vực như đồng bằng sông Cửu Long có nền đất yếu cần các giải pháp thiết kế xử lý gia cường nên cũng làm cho chi phí xây dựng gia tăng”, ông Sơn phân tích.

cao toc vinh hao pha thiet
Nằm cạnh dự án PPP cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, một dự án khác có quy mô, điều kiện địa hình, địa chất tương tự là cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang tổ chức thi công. Dự án này được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, suất đầu tư dự án chỉ khoảng 108 tỷ đồng/km

Theo ông Sơn, một yếu tố nữa là nguồn cung cấp nguyên vật liệu cũng sẽ có ảnh hưởng lớn đến chi phí xây dựng. Các khu vực miền Bắc, miền Trung có nhiều đồi và núi nên nguồn vật liệu đắp và đá xây dựng khá phong phú, các sông khu vực này cũng có nhiều phù sa nên các sản phẩm cát, sỏi dồi dào thuận lợi cho xây dựng các công trình nói chung và công trình giao thông nói riêng.

Khu vực miền Nam, nguồn vật liệu thi công đặc biệt là cát và đá rất khan hiếm. Cát chủ yếu khai thác ở sông Tiền và sông Hậu với nguồn cung cấp hạn chế, đá và đất đắp khai thác tại khu vực Đồng Nai với cự ly vận chuyển rất xa nên chi phí công trình sẽ cao hơn ở các khu vực khác.

“Trong cấu thành đầu tư, ngoài chi phí xây dựng còn chi phí giải phóng mặt bằng. Trong quá trình lựa chọn tuyến, Bộ GTVT đã chỉ đạo tư vấn tránh tối đa khu dân cư để giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân cũng như chi phí giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, các khu vực có mật độ dân cư cao, dự án đi qua khu vực này thường có chi phí cho công tác bồi thường và hỗ trợ tái định cư cao”, ông Sơn thông tin và nhấn mạnh, chi phí đầu tư một dự án sẽ ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau và việc xác định một giá trị suất đầu tư cho tất cả các dự án giao thông trên toàn bộ đất nước là không chính xác.

trung luong my thuan
Một dự án cao tốc khác được đầu tư theo hình thức PPP do Tập đoàn Đèo Cả làm nhà đầu tư là Trung Lương - Mỹ Thuận, suất đầu tư khoảng 246 tỷ đồng/km do dự án đi qua khu vực nền đất yếu, phải xây dựng nhiều cầu vượt, cống chui, nguồn vật liệu phục vụ thi công: cát, đát, đất,.. rất khan hiếm và cự ly vận chuyển rất xa.

Chi phí làm cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao

Theo ông Sơn, thực tế trong những năm vừa qua khi xây dựng đường cao tốc với quy mô 4 làn xe, các dự án đã có các chi phí xây dựng khác nhau và có sự chênh lệch giữa các dự án. Ví dụ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, các dự án thuộc đoạn khu vực Nam Trung bộ có suất đầu tư (bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng) trong khoảng từ 115 tỷ đồng/km (Vĩnh Hảo - Phan Thiết) đến 174 tỷ đồng/km (Cam Lâm - Vĩnh Hảo).

“Đây là khu vực có các vật liệu đắp, đá xây dựng khá dồi dào với cự ly vận chuyển thuận lợi tới vị trí xây dựng dưới 10km. Hơn nữa, điều kiện địa chất tốt, không có đất yếu, mật độ các sông suối ít, sông suối nhỏ nên các công trình cầu không lớn. Mặt khác, dân cư khu vực thưa thớt, đất đai chủ yếu trồng các cây công nghiệp ngắn ngày giá trị thấp nên chi phí đầu tư thấp hơn. Riêng, dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo có suất đầu tư lớn hơn do có công trình hầm Núi Vung là hầm đặc biệt lớn với chiều dài 2,2km”, đại diện TEDI chia sẻ.

mỹ thuan can tho
Nằm sát cạnh tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sử dụng vốn ngân sách, đang tổ chức thi công. Suất đầu tư của cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ khoảng 210 tỷ đồng/km

Ông Sơn cho biết thêm, trái ngược với các dự án trên, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, có nền địa chất yếu với các lớp đất yếu sâu trung bình 30m, cá biệt có khu vực trên 50m đòi hỏi chi phí xử lý nền đất yếu lớn.

Nguồn vật liệu ở khu vực này đặc biệt là đất đắp và đá khan hiếm phải vận chuyển từ khu vực Đồng Nai về với cự lý vận chuyển trên 300km. Ngoài ra, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ còn có hai nút giao QL80 và nút giao với dự án cầu Cần Thơ (nút Chà Và) đi qua khu dân cư đông đúc nên chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư cao.

“Tổng hợp các yếu tố trên, chi phí đầu tư dự án cho khu vực này khoảng 210 tỷ đồng/km, cao hơn suất đầu tư bình quân của các dự án cao tốc đi qua khu vực miền Trung”, ông Sơn thông tin.

BANG
Bảng so sánh suất đầu tư một số dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam (nguồn: Bộ Giao thông vận tải)
Ý kiến của bạn

Bình luận