Vụ TNGT 10 người chết ở Quảng Nam: Cần sớm khởi tố vụ án để làm rõ trách nhiệm?

Xã hội 18/02/2023 13:35

"Hiện nay, vụ TNGT làm 10 người chết ở Quảng Nam đang được điều tra làm rõ. Đây là vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, trường hợp có dấu hiệu phạm tội cần sớm khởi tố vụ án để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan", luật sư Nguyễn Sương nhận định.

Quảng Nam
Vụ TNGT 10 người chết ở Quảng Nam: Xử lý hậu quả, trách nhiệm thế nào? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 10 chết, 11 người bị thương ở Quảng Nam xảy ra vào ngày 14/2

Cần làm rõ trách nhiệm

Ngày 18/2, trao đổi với PV Tạp chí Giao thông vận tải về vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 10 chết, 11 người bị thương ở Quảng Nam, luật sư Nguyễn Sương (Công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) thông tin, theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư 63/2020/TT-BCA của Bộ Công an, khi tiến hành điều tra, xác minh vụ TNGT, cán bộ CSGT có trách nhiệm xác minh những nội dung sau: Có hay không có hành vi vi phạm TTATGT đường bộ; diễn biến, nguyên nhân dẫn đến TNGT; cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm TTATGT đường bộ, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm; tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm TTATGT đường bộ gây ra; tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt, giải quyết vụ tai nạn; bất cập, sơ hở, thiếu sót trong tổ chức giao thông, chất lượng hạ tầng giao thông; quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông; trong quá trình xem xét, ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định.

"Đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, trường hợp có dấu hiệu phạm tội cần sớm khởi tố vụ án để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan", luật sư Sương nhận định.

Theo luật sư Sương, trong vụ án về TNGT, thông qua hoạt động xác minh ban đầu, nếu xác định được tài xế điều khiển phương tiện giao thông có dấu hiệu vi phạm quy định về ATGT đường bộ gây thiệt hại về tài sản, tính mạng thì cơ quan có thẩm quyền sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với tài xế để điều tra theo quy định.

Đối với tài xế xe khách trong vụ TNGT này đã tử vong, căn cứ Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cơ quan điều tra sẽ ban hành quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với tài xế xe khách về mặt hình sự. Liên quan đến trách nhiệm dân sự thì tùy các trường hợp khác nhau, việc xác định trách nhiệm dân sự có liên quan, liên đới sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự. Còn đối với tài xế xe đầu kéo, nếu có dấu hiệu vi phạm quy định về ATGT đường bộ, thì cơ quan điều tra vẫn tiếp tục điều tra vụ án, điều tra bị can đối với tài xế xe đầu kéo để xử lý theo quy định của pháp luật.

Luật sư Sương cho biết, theo Điều 51 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT thì chủ đầu tư có trách nhiệm tiếp tục bảo đảm giao thông, ATGT đến khi công trình được nghiệm thu, bàn giao cho đơn vị quản lý tuyến đường. Tuy nhiên, để xác định được trách nhiệm của chủ đầu tư cần điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ TNGT, cũng như việc chủ đầu tư đã bảo đảm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT trong thi công công trình trên đường bộ đang khai thác hay chưa?

"Hiện nay, vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng ở Quảng Nam đang được điều tra làm rõ, các nội dung liên quan sẽ được làm rõ trong thời gian tới. Trách nhiệm của các cá nhân liên quan về hình sự, dân sự sẽ được xác định khi có kết luận điều tra", luật sư Sương nhìn nhận.

Vụ TNGT 10 người chết ở Quảng Nam: Cần sớm khởi tố vụ án để làm rõ trách nhiệm? - Ảnh 2.

Ngay sau khi vụ TNGT xảy ra, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy Ban ATGT Quốc gia đến hiện trường chỉ đạo khắc phục hậu quả, điều tra nguyên nhân vụ TNGT

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại thế nào?

Nói về trách nhiệm bồi thường thiệt hại liên quan đến vụ TNGT, luật sư Sương cho hay: Theo Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 12 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP thì xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô … được xem là nguồn nguy hiểm cao độ. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật mà gây thiệt hại thì giải quyết như sau:

Nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp không có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp và người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Trường hợp lái xe là người lao động làm thuê cho nhà xe và có lỗi gây tai nạn trong khi thực hiện nhiệm vụ do nhà xe giao thì căn cứ Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015 nhà xe phải bồi thường thiệt hại do lái xe gây ra. Nếu nhà xe đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu lái xe phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Trường hợp lái xe đồng thời cũng là chủ xe và tai nạn được kết luận do lỗi của lái xe thì lái xe phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Đối với lái xe đã bị chết thì những người thừa kế của họ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong phạm vi di sản mà người chết để lại.

Thiệt hại được bồi thường gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; thiệt hại khác do luật quy định.

Luật sự Sương cho biết thêm: Theo Điều 4 và Điều 5 Nghị định 03/2021/NĐ-CP, nếu chủ xe đã tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thì doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng, tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra và thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách do xe cơ giới gây ra. Tuy nhiên, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không phải chịu trách nhiệm nếu thuộc một trong các trường hợp "loại trừ trách nhiệm bảo hiểm" quy định tại Điều 13 Nghị định 03/2021/NĐ-CP.

Điều 4 Thông tư 04/2021/TT-BTC cũng quy định cụ thể mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn. Và mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe máy chuyên dùng theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra là 100 triệu đồng trong một vụ tai nạn.

Trường hợp chủ xe cơ giới và doanh nghiệp bảo hiểm có thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về mở rộng điều kiện bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm tăng thêm thì căn cứ vào thỏa thuận này để bồi thường thiệt hại.

Ngày 18/2, Công an huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) cho biết, đang tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân vụ TNGT nghiêm trọng giữa xe khách và xe đầu kéo khiến 10 người tử vong, 11 người bị thương xảy ra vào rạng sáng 14/2 tại xã Tam Hiệp.