Có dấu hiệu "né thuế"?
Như trong bài trước chúng tôi đã đề cập, so với các xe khách đăng ký chạy tuyến cố định trong bến, các xe khách trá hình tuyến Hà Nội - Thanh Hoá, mà cụ thể ở đây là các nhà xe Vân Anh, Đại Nam Limousine… “né” được nhiều loại thuế, phí bến bãi và bớt rất nhiều chi phí khác (chi phí duy trì chất lượng phương tiện, đào tạo nâng cao tay nghề và đóng các loại bảo hiểm cho lái xe, phụ xe...), nên lợi nhuận rất cao. Đây là lý do chính khiến nhiều nhà xe lao vào hoạt động trá hình.
Bên cạnh đó, xe khách trá hình còn có lợi thế là được vào trung tâm thành phố, khu dân cư để đón, trả khách và thời gian xuất phát tùy ý. Trong khi đó, xe hoạt động trong bến không được đón khách ở ngoài, lại phải đi, về đúng giờ và bị kiểm tra rất kỹ trước khi khởi hành.
Mặc dù là xe hợp đồng, nhưng xe Vân Anh tổ chức bán vé, thu tiền trực tiếp ngay như xe tuyến cố định |
Với một hành trình lặp đi, lặp lại thường xuyên và các nhà xe Vân Anh và Đại Nam Limousine vẫn thu tiền mặt của từng khách lẻ như tuyến cố định dưới “vỏ bọc” là xe chạy hợp đồng. Đây là chiêu thức “trá hình” tinh vi. Điều này cho thấy các nhà xe này đã vi phạm các điều quy định tại Nghị định 86/2014 và Thông tư 63/2014 của Bộ GTVT về quản lý xe hợp đồng.
Một doanh nghiệp xe Limousine hoạt động ở Bến xe Nước Ngầm cho biết, tổng chi phí cho một chuyến xe xuất bến gồm lốt, phí đậu đỗ, vệ sinh… tuyến Hà Nội - Thanh Hoá vào khoảng 100.000 đồng/chuyến. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, với hàng trăm lượt xe mỗi ngày từ Hà Nội đi Thanh Hoá và ngược lại mà không phải vào bến xe của Nhà nước quản lý, mỗi ngày nhà xe Vân Anh và Đại Nam đã “né” được hàng chục triệu đồng tiền phí bến bãi.
Chúng tôi tính sơ bộ, với mức giá 170.000 đồng/khách x 9 khách (xe 10 chỗ), mỗi lượt xe khách trá hình từ Hà Nội – Thanh Hoá tổng thu hơn 1,5 triệu đồng và ngày 6 lượt đi, về là khoảng 9 triệu đồng. Việc “né” được 10% thuế VAT từ tiền bán vé, mỗi xe đã gây thất thu thuế 900.000 đồng/ngày; cộng với 2 lần không mất phí dịch vụ bến xe (khoảng 100.000 đồng/lần) thì mỗi chiếc xe khách trá hình này thu lời (phi pháp) cao hơn xe khách “xịn” đăng ký hoạt động trong bến và chạy cùng tuyến tới hơn 1 triệu đồng/ngày. Đó là chưa kể xe khách trá hình còn “né” được thuế thu nhập doanh nghiệp, phí bảo hiểm cho hành khách…
Bất thường trong kiểm tra, xử lý vi phạm
Sáng ngày 7/3, phóng viên ghi nhận, tại địa chỉ 18 Nguyễn Lân (Thanh Xuân), nhà xe Vân Anh Limousine tiếp tục sử dụng VP làm nơi giao dịch, có chức năng như một bên xe thu nhỏ. Các hoạt động như: xác nhận đặt chỗ, thu tiền, bán vé, xếp khách... diễn ra công khai, theo một quy trình khép kín.
Tương tự, nhà xe Đại Nam Limousine (C86, ngõ 153 Trường Chinh, Thanh Xuân) ngoài việc tổ chức bán vé, xếp khách ngay tại văn phòng, còn nghiễm nhiên “trưng dụng” 2/3 lòng đường và toàn bộ phần vỉa hè làm nơi tập kết phương tiện, bốc dỡ hàng hoá, đón, trả khách gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người tham gia giao thông.
VP nhà xe Vân Anh tại địa chỉ 18 Nguyễn Lân (Thanh Xuân) vẫn tấp nập hành khách ra, vào mua vé, đón trả khách sau phản ánh của Tạp chí GTVT |
Trước đó, Tạp chí GTVT đăng tải bài viết: “Ai cho phép nhà xe “chạy dù”, lập “bến cóc” giữa lòng Hà Nội? đề cập tới việc các nhà xe này hoạt động “trá hình” tuyến vận tải Hà Nội - Thanh Hoá, gây hỗn loạn thị trường vận tải, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Theo đó, lấy số điện thoại “mời đặt chỗ” trên internet của Công ty cổ phần TM DV và Vận tải Vân Anh, chúng tôi đặt xe từ Hà Nội đi Thanh Hoá thì được nhân viên nhà xe tư vấn: “Trung bình 1 tiếng có 2 chuyến đi Thanh Hoá. Xe chạy liên tục từ 4h sáng tới 21h tối. Giá vé ghế VIP 180 nghìn đồng, nghế thường 160 nghìn; xe đón trả khách miễn phí tại nhà...”.
“Trước giờ xe chạy ít nhất 40 phút, anh di chuyển ra văn phòng 19 Nguyễn Lân (Thanh Xuân) hoặc số nhà 15, ngõ 10, phố Duy Tân (Cầu Giấy) để lấy vé và thanh toán tiền”, nhân viên này căn dặn thêm.
Sau khi hoàn tất các thủ thục thanh toán, hành khách được nhà xe Vân Anh cấp cho một tấm phiếu xác nhận đặt chỗ với đầy đủ thông tin như: thời gian xe khởi hành, điểm đón, điểm trả…
Một hình thức “trá hình” của nhà xe Đại Nam tại địa chỉ 153 Trường Chinh (Thanh xuân, Hà Nội) |
Trong khi đó, theo Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (theo đó, xe chở khách theo hợp đồng và xe vận chuyển khách du lịch chỉ được thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết cho cả chuyến xe; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức...; không được hoạt động thường xuyên trên một tuyến như xe khách đăng ký chạy tuyến cố định).
Đến nay, sau khi bài viết được Tạp chí GTVT đăng tải, mọi hoạt động của các nhà xe “trá hình” này vẫn diễn ra bình thường, thậm chí có dấu hiệu lộng hành hơn, tuy nhiên không thấy bóng dáng lực lượng chức năng xử lý dứt điểm.
Bởi vậy, ông Thân Văn Thanh - nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: Nếu không có sự bao che, phớt lờ của thanh tra giao thông (TTGT), chính quyền địa phương thì không “bến cóc” nào có thể tồn tại, không xe nào có thể “chạy dù”, vì “bến cóc” và những chiếc xe to lù lù, buộc phải đi trên đường, có giám sát hành trình chứ có phải cái kim nhỏ xíu đâu mà giấu được cơ quan chức năng?”
Đối diện VP nhà xe Vân Anh là Đại Nam Limousine lập "bến cóc" ngay tại điểm bán vé xếp khách |
Đối với trường hợp cụ thể là các hãng xe Vân Anh, Đại Nam Limousine sử dụng nhiều “chiêu trò” lách luật, ông Thanh thẳng thắn cho rằng: giả sử các lực lượng được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đúng chức trách thì các nhà xe này rất khó lộng hành. Bởi thế mà dư luận nghi ngờ có sự bảo kê, tiêu cực… Chừng nào công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và xử phạt vẫn buông lỏng thì chừng đó còn có xe dù còn bùng phát, biến tướng”.
Khi lực lượng TTGT Cầu Giấy kiểm tra, nhà xe Vân Anh vẫn ngang nhiên "bán vé", thu tiền khách lẻ trước mặt lực lượng |
Thực tế, trong quá trình điều tra để viết loạt bài này, chúng tôi đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị xử lý vi phạm các nhà xe này, có bằng chứng rõ ràng gửi tới các đơn vị chức năng thuộc sở GTVT Hà Nội và với cán bộ phụ trách TTGT nhưng việc kiểm tra, chấn chỉnh đều thiếu kiên quyết. Và cuối cùng không ai chịu trách nhiệm về việc này. Không thanh tra làm rõ vi phạm thì không thể có cơ sở để xử lý nghiêm, vì vậy nhà xe vi phạm “nhờn thuốc”
Tạp chí GTVT tiếp tục thông tin./.
Ngày 7/3, qua công tác tuần tra kiểm soát, Đội TTGT quận Cầu Giấy, Hà Nội, tiến hành kiểm tra hoạt động của nhà xe Vân Anh tại địa chỉ số 15, ngõ 11 Duy Tân, Cầu Giấy. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng phát hiện nhân viên nhà xe đang tổ chức “bán vé”, thu tiền trực tiếp từ các khách lẻ. Qua kiểm tra, lực lượng phát hiện và lập biên bản phương tiện mang BKS: 36B-026.10 của nhà xe Vân Anh, do lái xe Nguyễn Tiến Dũng điều khiển vi phạm lỗi: “xe vận chuyển hành khách hợp đồng không có hợp đồng vận chuyển theo quy định”. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.