"Xe dù Limousine" tung hoành tại Hà Nội – Kỳ cuối: Phải quản chặt hợp đồng vận chuyển

Tác giả: Nhóm PV Điều tra

saosaosaosaosao
Vận tải 20/10/2022 08:27

Hiện công tác quản lý chưa sát thực tế khiến nạn "xe dù Limousine" gây ra rối loạn trật tự vận tải khách bằng ôtô và thất thu ngân sách.


"Xe dù Limousine" tung hoành tại Hà Nội – Kỳ cuối: Giải pháp nào lập lại trật tự vận tải, chống thất thu ngân sách? - Ảnh 1.

Đội TTGT đường bộ, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội lập biên bản một trường hợp xe hợp đồng Limousine vi phạm quy định về dừng, đỗ xe

 Chủ yếu xử phạt lỗi dừng, đỗ sai quy định

Trước tình trạng "xe dù Limousine" hoạt động phổ biến khắp các tuyến đường ở Hà Nội, PV Tạp chí GTVT đã đi cùng Đội TTGT đường bộ thuộc Thanh tra Sở GTVT Hà Nội và ghi nhận thực tế không khó để phát hiện loại phương tiện này vi phạm.

Trên tuyến phố Nguyễn Quốc Trị (quận Cầu Giấy), TTGT phát hiện xe mang phù hiệu hợp đồng gắn mác Limousine biển số 17B-020.xxx của nhà xe Phiệt Học (chạy tuyến Hà Nội – Thái Bình) dừng đỗ ngay sau biển cấm dừng, đỗ và lập biên bản để xử phạt đối với lái xe Phạm Văn S. về vi phạm "Đón trả khách tại nơi có biển cấm dừng, cấm đỗ". 

Tiếp đó, cũng trên phố Nguyễn Quốc Trị, xe hợp đồng gắn mác Limousine của nhà xe X.VN… cũng bị phạt với lỗi trên, với khung phạt tiền theo quy định hiện nay 500.000-1.500.000 đồng.

Một lãnh đạo Phòng Tham mưu - tổng hợp, Thanh tra Sở GTVT cho biết, thực tế kiểm tra hoạt động của xe hợp đồng Limousine cho thấy loại xe này thường xuyên đón, trả khách tại cổng các bệnh viện, trung tâm thương mại lớn trên địa bàn TP. Hà Nội.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc xử lý vi phạm của lực lượng TTGT chủ yếu ở các lỗi vi phạm quy tắc giao thông như dừng, đỗ không đúng nơi quy định, đón khách không có trong danh sách hợp đồng. 

Từ đầu năm 2022 đến nay, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội phát hiện, xử phạt hơn 980 trường hợp xe hợp đồng Limousine, phạt tiền hơn 1,7 tỷ đồng, tập trung vào các lỗi: dừng, đỗ sai quy định; không có hợp đồng vận chuyển; đón khách ngoài danh sách hành khách. Trong đó, tạm giữ 8 lượt phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn 102 trường hợp.

Ông Dương Nguyên, Tổ trưởng một tổ công tác của Đội TTGT đường bộ, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, qua quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe Limousine nhận thấy, tình trạng nhiều xe hợp đồng Limousine dùng đường, ngõ phố chưa được đặt tên, biển tên đường làm nơi đậu đỗ xe; khi vắng bóng lực lượng chức năng lập tức đón, trả khách trên đường, tại nơi có biển cấm.

"Các nhà xe thường chuẩn bị sẵn hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách trên xe để đối phó với lực lượng chức năng. Khi bị kiểm tra, không ít nhà xe hợp đồng Limousine đưa ra đầy đủ giấy tờ của phương tiện, lái xe, kèm cả giấy tờ hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách nên khó khăn trong việc xử lý về hành vi không tuân thủ quy định về vận chuyển theo hợp đồng", ông Dương Nguyên nói.

Cũng từ công tác trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm, Thiếu tá Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, mới chủ yếu xử lý được xe hợp đồng Limousine về những vi phạm giao thông như dừng, đỗ tại nơi có biển cấm hoặc đón khách ngoài danh sách hành khách.

"Nhà xe lập trước hợp đồng vận chuyển khách. Khi đón khách tại điểm đón sẽ điền tên hành khách vào danh sách khách trên xe để đối phó với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra. Trường hợp CSGT bất ngờ xuất hiện, kiểm tra đột xuất mới có thể xử lý được vi phạm đón khách ngoài danh sách hợp đồng vận chuyển", Thiếu tá Chinh thông tin.

Khó khăn, bất cập khác trong xử lý vi phạm, theo Thiếu tá Chinh là nhiều địa điểm tập kết, đón khách của xe Limousine nằm trong khu chung cư, khu đô thị, đất thuộc phạm vi nội bộ của dự án, tòa nhà và có tính chất tự quản. Trong khi, lực lượng CSGT chỉ được kiểm tra, xử lý vi phạm trên những tuyến đường giao thông.

"Xe dù Limousine" tung hoành tại Hà Nội – Kỳ cuối: Giải pháp nào lập lại trật tự vận tải, chống thất thu ngân sách? - Ảnh 2.

Một xe Limousine được đăng ký tên cá nhân đỗ xe tại vị trí cấm đỗ trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội

Tác nhân thúc đẩy xe khách bỏ bến, "xe dù" cá nhân

Cùng với vấn đề gây mất công bằng vận tải đối với xe vận tải khách tuyến cố định và gây ùn tắc giao thông đô thị tại Hà Nội, việc "xe dù Limousine" vô tư tung hoành còn là tác nhân thúc đẩy xe chạy tuyến cố định "bỏ bến, chạy dù", hoặc âm thầm chuyển sang hoạt động theo mô hình "xe dù Limousine" bằng cách mở chi nhánh, văn phòng đại diện công ty để gom khách ngoài bến.

Đơn cử như trên đường Nguyễn Trãi – Trần Phú (quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hà Nội), từ tháng 9/2022 đến nay xuất hiện 2 địa điểm chi nhánh của nhà xe hợp đồng Limousine chạy tuyến Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Cao Bằng.

Cùng với xu hướng mở tuyến "xe dù Limousine", mở chi nhánh của các đơn vị vận tải khách theo hợp đồng, còn xuất hiện không ít xe đăng ký tên cá nhân loại 11-16 chỗ, trang trí bên ngoài như xe Limousine để "chạy dù" theo xu hướng chung. Ví dụ, xe biển số 17B-020.29, 17B-020.66, 29F-022.55, 29B-605.25...

"Cần xem xét việc cấp phép mở văn phòng, chi nhánh đại diện của nhà xe hợp đồng. Tại sao chỉ một đoạn đường Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm), ngay sau bến xe Mỹ Đình mà có đến chục văn phòng nhà xe, liệu vị trí có hợp lý không? Các văn phòng đặt trong ngõ, khi các xe đỗ, dừng, tập kết có đủ xe đỗ dừng cho xe đón trả khách chưa", Thiếu tá Trần Quang Chinh,  Đội phó Đội CSGT số 6 nêu vấn đề. 

Theo Thiếu tá Chinh, các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ với nhau để đưa ra biện pháp xử lý mạnh, cương quyết hơn, như thu hồi phù hiệu xe hợp đồng, thu giấy phép kinh doanh nếu đơn vị vận tải vi phạm nghiêm trọng, nhiều lần.

"Xe dù Limousine" tung hoành tại Hà Nội – Kỳ cuối: Giải pháp nào lập lại trật tự vận tải, chống thất thu ngân sách? - Ảnh 3.

"Xe dù Limousine" phổ biến kéo theo xu hướng lập chi nhánh, văn phòng nhà xe trên nhiều tuyến phố Hà Nội để làm điểm đón khách cố định

Ngân sách nhà nước thất thu lớn

Đằng sau vấn đề gây mất trật tự vận tải và ùn tắc giao thông đô thị, hệ lụy lớn khác mà "xe dù Limousine" đang âm thầm gây ra là né tránh sự quản lý của cơ quan chức năng về giá (tăng, giảm giá vận chuyển; doanh thu thực tế) kê khai thuế và thực hiện nghĩa vụ thuế.

Liên quan vấn đề trên, khảo sát của PV Tạp chí GTVT cho thấy, các nhà xe Limousine trên cùng một tuyến vận chuyển cố định tương tự (từ Hà Nội đến địa phương khác) có mức giá khác nhau. Dẫn chứng, trên cùng lộ trình từ đường Nguyễn Khuyến, quận Hà Đông (Hà Nội) đến khu vực siêu thị Big C tại TP.Nam Định (tỉnh Nam Định), nhà xe X. vận chuyển với giá 125.000 đồng/người, còn nhà xe Bình An (Công ty TNHH dịch vụ lữ hành Bình An, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thu với mức 150.000 đồng/người (còn đón tại phố Nguyễn Quý Đức, quận Thanh Xuân, cách phố Nguyễn Khuyến hơn 1km, giá vận chuyển là 110.000 đồng/người). Trong khi đó, khi thu tiền của khách, các nhà xe đều không phát chứng từ thu hợp lệ, đồng nghĩa với việc doanh thu thực tế chỉ có... nhà xe mới biết.

Theo ông Thân Văn Thanh, chuyên gia giao thông, tính cơ động của xe hợp đồng Limousine, cộng với phù hợp với khả năng chi trả của người dân hiện nay là lý do được nhiều người lựa chọn loại phương tiện này để di chuyển, để thụ hưởng dịch vụ vận chuyển cao hơn xe tuyến cố định thông thường. Mặt khác, hầu hết loại xe này cũng chỉ hoạt động trên lộ trình trên dưới 200km nên đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, cùng với vấn đề về vi phạm pháp luật giao thông và tác động tiêu cực đến vận tải khách tuyến cố định, thực tế hoạt động và công tác quản lý xe hợp đồng Limousine còn nảy sinh lỗ hổng về quản lý thuế, mà "dường như cơ quan thuế vẫn đang ngoài cuộc".

"Ước tính có đến khoảng 95% xe hợp đồng Limousine trước khi vận chuyển hành khách không cung cấp hợp đồng vận chuyển cho Sở GTVT theo quy định. Và điều quan trọng là ngân sách nhà nước thất thu lớn vì không thu thuế được theo đúng doanh thu của loại xe này. 

Đến thời điểm này, có thể nói, không thể cấm được xe Limousine hoạt động theo mô hình trên, nên cơ quan chức năng cần có giải pháp quản lý về giao thông, vận tải và thuế. 

Đó là các Sở GTVT cần quản lý chặt chẽ về hợp đồng vận chuyển, nếu vi phạm có thể xử lý đến mức cao nhất là thu hồi phù hiệu; còn cơ quan thuế phối hợp để thu thuế theo đúng doanh thu thực tế của đơn vị vận tải để đảm bảo công bằng với vận tải tuyến cố định. Còn nếu chỉ dựa vào kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng trên đường sẽ không giải quyết được các vấn đề của xe hợp đồng Limousine hiện nay", ông Thanh nói.

Kiến nghị thí điểm cho phép xe hợp đồng Limousine hoạt động trong phạm vi nhất định

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam mới đây kiến nghị Bộ GTVT cho thí điểm xe hợp đồng Limousine (loại đến 16 chỗ) hoạt động trong phạm vi nhất định, với điểm đầu xuất phát tại bến xe và một số điểm đón, trả khách; có phương pháp xác định doanh thu tính thuế, hóa đơn vận chuyển…

Cơ quan quản lý sử dụng dữ liệu giám sát hành trình, camera để giám sát, quản lý chặt chẽ hình thức kinh doanh vận tải này để vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tế xã hội, công bằng vận tải và chống thất thu thuế.