Dàn "xe dù" Kết Đoàn đón, trả khách ngay trong khuôn viên Cảng hàng không quốc tế Cát Bi |
Sân bay quốc tế thành “bến xe dù”?
“Tại các bến xe Niệm Nghĩa, Cầu Rào (Hải Phòng), tuyến vận tải hành khách liên tỉnh Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định điêu đứng vì “ế” khách. Từ nhiều tháng nay, hành khách tới hai bến xe này mua vé đi Thái Bình, Nam Định chỉ còn đếm trên đầu ngón tay”. Thay vì người dân vào hai bến này để đón xe khách đi các tỉnh trên, thì giờ đây cứ vào Cảng hàng không quốc tế Cát Bi là có xe khách tuyến cố định phục vụ” – Đó là khẳng định đầy chua xót của đại diện bến xe khách Niệm Nghĩa. Theo vị đại diện này, vận tải hành khách tại Hải Phòng là một trong những… “nạn nhân” chịu ảnh hưởng nặng nề từ nạn “xe dù” sân bay bùng phát.
Theo thống kê, tại Hải Phòng, hiện có gần 20 đầu xe “hợp đồng” chạy tuyến cố định Sân bay Cát Bi – Thái Bình – Nam Định, trong đó tần suất xe khai thác liên tục đạt khoảng 30 chuyến/ngày. Tiêu biểu trong đội ngũ “xe dù” chạy tuyến này là “tập đoàn xe dù” Kết Đoàn với lượng xe lên tới hàng chục chiếc.
Về hình thức hoạt động của dàn “xe dù” hoạt động cố định tại Sân bay quốc tế Cát Bi, giới chuyên gia vận tải Hải Phòng cho rằng không khác gì so với xe khách liên tỉnh hoạt động trong bến.
Hàng loạt tuyến vận tải công cộng và tuyến cố định "ế" khách vì "xe dù" sân bay lộng hành |
Cụ thể: các xe hợp đồng Kết Đoàn cũng tổ chức bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ, đón, trả khách tại nhiều điểm cố định trên tuyến. Với nhiều lợi thế về cạnh tranh, nhà xe này đang dần “bóp chết” các tuyến vận tải khách liên tỉnh Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định và ngược lại.
Đặc biệt, tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt công cộng kết nối Sân bay Cát Bi với các huyện ngoại thành Hải Phòng cũng nằm trong cảnh tương tự. Một chuyên gia vận tải của Hiệp hội vận tải ô tô Hải Phòng (xin được giấu tên) khẳng định, xe gắn logo phòng vé Kết Đoàn thực chất là xe hợp đồng đội lốt chạy tuyến cố định.
Đặc điểm nhận dạng dòng xe này là hầu hết các xe có số ghế từ 29 đến 34 chỗ. Xe được sơn chung một màu xanh dương và thường dùng logo trong ngành hàng không. Hai bên thành xe ghi rõ lộ trình cố định: “Sân bay Cát Bi – phòng vé Vĩnh Bảo – phòng vé Thái Bình – phòng vé Nam Định.
Theo đánh giá sơ bộ, dàn “xe dù” Kết Đoàn hoạt động rầm rộ tại sân bay Cát Bi trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông trên tuyến Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định, gây ra sự mất công bằng trong kinh doanh vận tải, ảnh hưởng tới quan đô thị, đã gây nhiều bức xúc trong dư luận…
Cũng chịu ảnh hưởng lớn từ hoạt động của “xe dù” Kết Đoàn hoạt động chuyên tuyến sân bay Cát Bi – Thái Bình – Nam Định, các bến xe lớn tại Hải Phòng có tuyến cố định đi trên tuyến này gần như “ế” khách. Nhiều doanh nghiệp vận tải ngày càng “hoạt động cầm chừng” vì không thế cạnh tranh nổi với “xe dù” độc quyền tại sân bay quốc tế này.
Xe trá hình "án ngữ" đợi xếp khách tại một góc sân bay Cát Bi |
“Xe dù” bóp chết “xe xịn”
Một tài xế xe bus, thuộc Công ty TNHH vận tải Thịnh Hưng khẳng định: “Từ khi trong sân bay Cát Bi có hoạt động đón, trả khách tuyến cố định của nhà xe Kết Đoàn, lượng khách đi xe buýt giảm mạnh rõ rệt. Những ngày lễ cũng chỉ vẻn vẹn vài ba khách. Hầu hết hành khách nghĩ rằng xe bus ở phía trong sân bay nên họ không đi bộ ra ngoài mà leo luôn lên những chiếc xe được bố trí sẵn trong đó…
Tình trạng này diễn ra được mấy năm rồi, nhưng trước đây, chỉ có một đến hai xe nên khách vẫn đi bộ ra bên ngoài để bắt xe bus. Bây giờ mỗi ngày có mấy chục lượt xe nên không còn hành khách nào đi xe bus nữa. Vừa rồi, nghe lãnh đạo công ty phàn nàn: Tuyến Cát Bi lỗ nhiều quá, không biết duy trì được bao lâu nữa…Thế nên tôi rất bức xức, mình làm ăn chân chính đàng hoàng thì sắp phải bỏ tuyến…còn làm ăn chui rúc thì cứ lên như diều gặp gió, không bị ai giám sát, quản lý…”
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Hưng – Giám đốc Công ty TNHH Bus Hải Phòng cho biết, không thể cạnh tranh nổi với “xe dù” sân bay Cát Bi. “Xe của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải khách theo đúng quy định của nhà nước thì phải chịu chi phối của nhiều chế tài như giờ giấc, lộ trình luồng tuyến, thuế má, tiền bến bãi và các loại phí… nhưng “xe dù” sân bay thì không phải chịu những khoản nêu trên. Giờ xuất phát do “xe dù” được ấn định nên họ chọn toàn “giờ vàng” để chạy. Lợi thế đặc biệt của “xe dù” là đón, trả khách trong nội đô, trên các tuyến phố lớn. Đây là điều mà xe khách tuyến cố định không thể có được”.
Xe buýt Thịnh Hưng vắng khách, mặc dù chỉ cách cổng sân bay chừng 200 mét. |
“Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng rà soát lại toàn bộ hoạt động của “xe dù” Kết Đoàn và có phương án dẹp bỏ là hợp lý. Còn nếu họ vẫn hoạt động mà đẩy chúng tôi vào khó khăn thì chúng tôi cũng sẽ làm đơn để làm tuyến đó. Bởi kinh doanh phải cạnh tranh công bằng chứ không thể để tình trạng độc quyền tuyến như vậy được. Độc quyền nó ảnh hướng đến các doanh nghiệp khác và ảnh hưởng cả với hành khách. Giá vé độc quyền bao giờ cũng cao hơn so với khi có sự cạnh tranh…” – ông Hưng bức xúc nói.
Vì sao xe gắn lo phòng vé Kết Đoàn chạy chuyên tuyến Sân bay Cát Bi – Thái Bình – Nam Định lại “uy quyền” đến vậy? Nhà xe này dùng những “kĩ xảo” nào để qua mặt các cơ quan chức năng TP.Hải Phòng? Nhóm lợi ích nào đứng sau dàn “xe dù” quy mô lớn này? Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đã cấp “tấm bùa quyền lực ” gì để cho xe của Kết Đoàn hoạt động? Để “xe dù” hoạt động tại sân bay quốc tế tập thể, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật?
Tất cả những câu hỏi trên sẽ được Tạp chí GTVT giải đáp ở bài sau.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.