Cụ thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn, chú trọng các tuyến, địa bàn trọng điểm thường xảy ra tai nạn giao thông. Phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm để chấm dứt tình trạng "xe vua", xe có phù hiệu lạ… hoạt động trên địa bàn.
Trước đó, báo chí đã phản ánh tại một số địa phương có tình trạng xe ô tô gắn logo hoặc ký hiệu lạ có thể chở hàng quá tải và dễ dàng can thiệp khi bị lực lượng chức năng bắt giữ. Tuy nhiên, khi sự việc được báo chí phản ánh xảy ra tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Đại tá Trần Thanh Trà - trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP.HCM cho biết, đây chỉ là trò lừa đảo.
Một số đối tượng chuyên mạo danh là người nhà hoặc có quen biết với lãnh đạo TP, lãnh đạo CSGT, Thanh tra giao thông... để rao bán logo cho các nhà xe.
Thế nhưng phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác kiểm soát tải trọng phương tiện quý I/2015 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới tổ chức ngày 24/4, ông Thái Văn Chung - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM lại cho biết một hiện tượng lạ, đó là xe của doanh nghiệp này phải mang thương hiệu của doanh nghiệp khác thì mới chạy được.
Việc mua bán thương hiệu, logo mang lại số tiền lớn cho một doanh nghiệp được cho là có bảo kê. Để mua một logo mất 3-5 triệu đồng, thậm chí 6 triệu đồng/tháng. Nếu nhân với số lượng xe lớn thì hằng tháng phải bỏ ra hàng tỉ đồng.
Trước những thông tin như vậy, Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an đã đặt vấn đề: “Phải theo dõi và nắm thông tin để khẩn trương giải quyết. Nếu có tình trạng xe mang logo hoạt động bất chấp luật lệ thì trách nhiệm của ai, phải kiểm tra, giải quyết ngay”.
Lực lượng chức năng kiểm tra chiếc xe có lô gô lạ. |
Tiếp tục mở các đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp tục mở các đợt cao điểm bảo đảm trật tự, ATGT trên phạm vi toàn quốc và xử lý vi phạm theo chuyên đề tại một số tuyến, địa bàn phức tạp; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm xe chở quá tải trọng.
Đồng thời chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các ngành chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt; tập trung giải quyết tình hình tai nạn giao thông nơi giao cắt đường sắt và đường bộ.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường biện pháp cảnh giới, bảo đảm an toàn giao thông điểm giao cắt đường bộ với đường sắt không có rào chắn; đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, kiên quyết không để phát sinh thêm đường ngang trái phép, chủ động lập kế hoạch và lộ trình cụ thể để xóa bỏ các đường ngang trái phép.
Bố trí người cảnh giới tại các vị trí đường ngang có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông; phân cấp quản lý và gắn trách nhiệm lãnh đạo địa phương trong việc để xảy ra các vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn nông thôn, rà soát và hạn chế các nguy cơ gây tai nạn giao thông trên tuyến đường nông thôn như: lắp gờ giảm tốc, biển cảnh báo tại các điểm giao cắt đường phụ ra đường chính; lắp đặt biển hướng dẫn, biển báo hiệu trên các tuyến đường nông thôn.
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 9 tháng qua toàn quốc xảy ra 16.459 vụ, làm chết 6.518 người, bị thương 14.929 người, so với cùng kỳ giảm cả ba tiêu chí.
Có 41 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giảm số người chết vì tai nạn giao thông, trong đó có 9 địa phương giảm trên 20% số người chết là Tây Ninh, Ninh Bình, Cao Bằng, Bạc Liêu, Đồng Nai, Hà Giang, Tiền Giang, Lào Cai, Long An. Tuy nhiên vẫn còn 20 địa phương có số người chết tăng, trong đó có 5 tỉnh tăng trên 20% là An Giang, Gia Lai, Cà Mau, Trà Vinh, Bắc Kạn...
Mặc dù tình hình trật tự, an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2015 có chuyển biến nhưng số người chết vì tai nạn giao thông chỉ giảm được 3,55% so với cùng kỳ năm 2014; còn để xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe container; tai nạn giao thông đường thủy, đường sắt tăng cả 3 tiêu chí, đặc biệt là số người chết do tai nạn giao thông đường sắt tăng trên 40% và đường thủy là trên 30%.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.