Ảnh hưởng của độ góc cạnh của cốt liệu nhỏ đến tính thấm nước và đặc tính độ bền sunphat của bê tông xi măng

Diễn đàn khoa học 04/11/2021 14:47

Ảnh hưởng tính chất bề mặt nhám, góc cạnh của các loại cốt liệu nhỏ đến tính thấm nước và đặc tính độ bền sunphat của bê tông xi măng (BTXM) chưa được đề cập ở Việt Nam, mặc dù các loại cốt liệu nhỏ như cát nghiền (CN), đá mi (ĐM) đã được sử dụng để thay thế hoàn toàn hoặc một phần cát tự nhiên (CTN) trong sản xuất BTXM. Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của các loại cốt liệu nhỏ đến tính thấm và đặc tính độ bền sunphat của BTXM cường độ 40 MPa (BTXM.M40). Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy BTXM.M40 sử dụng cốt liệu nhỏ có góc cạnh lớn được nghiền từ đá cho khả năng chống thấm nước và mức độ suy giảm cường độ chịu nén trong môi trường sunphat kém hơn so với bê tông sử dụng cốt liệu nhỏ là cát sông tự nhiên.

Tác giả: TS. NGUYỄN ĐỨC TRỌNG - Phân hiệu tại TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Giao thông vận tải

Image749762
Bề mặt M40.CTN.SP

Việt Nam có trữ lượng đá tự nhiên khá lớn nhưng việc sản xuất và sử dụng CN từ đá vẫn còn những hạn chế nhất định và giá thành sản phẩm CN hợp chuẩn là khá đắt so với CTN hạt thô nên không đáp ứng được tiêu chí về mặt kinh tế. Nhiều dự án đã sử dụng ĐM (0 - 5 mm) thay thế một phần CTN dùng để sản xuất BTXM nhằm hạ giá thành xây dựng nhưng hiệu quả về mặt kỹ thuật chưa được đánh giá một cách toàn diện, chủ yếu đánh giá chất lượng BTXM thông qua chỉ tiêu cường độ chịu nén thuần túy.

Nghiên cứu [3] cho rằng, CN được sử dụng để sản xuất một loại bê tông cho những đặc tính cơ học tương tự hoặc tốt hơn bê tông cùng loại được sản xuất từ CTN tốt. Hình dạng hạt và cấp phối của những mẫu CN có ảnh hưởng lớn đến sự cải thiện về độ bền và các tính chất cơ lý của bê tông. Các sản phẩm cốt liệu nhỏ nghiền từ đá có đặc điểm là hình dạng bề mặt dẹt, góc cạnh và bề mặt nhám hơn so với các hạt CTN [4].

Độ bền cũng như là tuổi thọ của kết cấu bê tông có liên quan chặt chẽ đến tính chất thấm nước của BTXM. Đặc tính thấm nước phản ảnh mức độ xâm nhập của các tác nhân xâm thực bên ngoài như các ion clorua hay sunphat vào trong bê tông, dẫn đến kết cấu bê tông bị phá hoại [6]. Mặc dù có nhiều nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam liên quan đến sử dụng CTN, CN, đá nghiền sản xuất BTXM. Nhưng tại Việt Nam, theo kiến thức của tác giả thì hiện chưa có hoặc có rất ít nghiên cứu đề cập đến mối liên quan cụ thể khi sử dụng các cốt liệu nhỏ có độ góc cạnh khác nhau đến tính thấm nước và đặc tính độ bền sunphat của BTXM. Do đó, bài báo sẽ phần nào đóng góp thêm dữ liệu liên quan đến ảnh hưởng của các loại cát khác nhau đến tính thấm nước cũng như là độ bền của BTXM dưới ảnh hưởng của môi trường sunphat. Khi biết được mối tương quan giữa chúng thì ta có thể lựa chọn cốt liệu nhỏ thích hợp để sản xuất BTXM thương phẩm.

Mời độc giả xem nội dung đầy đủ bài khoa học tại đây

Ý kiến của bạn

Bình luận