Bàn giao “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” tại Thanh Hóa

Tác giả: Tùng Lộc

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 08/01/2024 13:50

Sáng 8/1/2024, tại trường THCS Đông Thọ (TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), Công ty Cổ phần Đường sắt Thanh Hóa phối hợp với UBND phường Đông Thọ, Trường THCS Đông Thọ tổ chức tuyên truyền về ATGT đường sắt, ký cam kết mô hình "Đoạn đường ông cháu cùng chăm" và phát động phong trào "Đường tàu - Đường hoa".

Bàn giao “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” tại Thanh Hóa- Ảnh 1.
Bàn giao “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” tại Thanh Hóa- Ảnh 2.

Hình ảnh lễ bàn giao "Đoạn đường ông cháu cùng chăm" Km172+500 - Km173+500 giữa Công ty Cổ phần Đường sắt Thanh Hóa, Trường THCS Đông Thọ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên phường Đông Thọ

Video một số hoạt động tại lễ bàn giao “Đoạn đường ông cháu cùng chăm”

Ông Lê Sỹ Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Thanh Hóa cho biết, để đảm bảo ATGT nói chung, ATGT đường sắt nói riêng và vệ sinh môi trường xung quanh khu vực đường sắt không chỉ là nhiệm vụ của nhân viên ngành đường sắt mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, nhất là khi số vụ tai nạn đường sắt và tình trạng ô nhiễm môi trường đang có xu hướng tăng. Trong ngành giao thông vận tải, loại hình vận tải đường sắt đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi có khối lượng chuyên chở lớn và là cầu nối giữa các địa phương, các vùng dân cư.

Tuy nhiên, tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa thường xuyên xảy ra tình trạng vi phạm như: lấn chiếm hành lang an toàn, chăn thả gia súc, lấy cắp, phá hoại vật tư, phụ kiện đường sắt, đổ chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp trong hành lang bảo vệ an toàn đường sắt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn chạy tàu; mất trật tự an ninh xã hội, mất vệ sinh môi trường và cảnh quan khu vực nội đô.

Bàn giao “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” tại Thanh Hóa- Ảnh 3.
Bàn giao “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” tại Thanh Hóa- Ảnh 4.

Học sinh trường THCS Đông Thọ cùng các lực lượng chức năng tham gia trồng cây tại Km172+500 - Km173+500

Để chấm dứt tình trạng nói trên cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó tuyên truyền về Luật Đường sắt và các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo ATGT đường sắt, trồng hoa trong phong trào "Đường tàu - Đường hoa" là một trong những biện pháp tiên quyết trong việc hình thành thói quen, ý thức chấp hành Luật Đường sắt và bảo vệ môi trường của mỗi cá nhân trong xã hội và sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức và cá nhân đóng một vai trò quan trọng.

"Mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra của mô hình tự quản "Đoạn đường ông cháu cùng chăm" là rất lớn, song với sự kết hợp của người lính Cụ Hồ dạn dày kinh nghiệm, lấy chữ tín làm đầu, nói đi đôi với làm; lực lượng đoàn viên thanh niên năng nổ nhiệt tình, xung kích tình nguyện; các cháu học sinh hăng hái luyện rèn, chúng tôi tin rằng hoàn toàn có thể thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nội dung đã đề ra", ông Sỹ Anh chia sẻ thêm.

Trước đó, Công ty Cổ phần Đường sắt Thanh Hoá thường xuyên phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hoá, Ban ATGT tỉnh, huyện, thị, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT đường sắt, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, gây sự cố, tai nạn trên đường sắt, duy trì và nhân rộng các phong trào: "Đường tàu - Đường hoa" với phương châm "Mỗi cung đường - Một loài hoa, Mỗi khu ga - Một điểm đến"; phong trào "Chính quy - Văn Hóa - An toàn"…

Được biết, tuyến đường sắt Bắc - Nam do Công ty Cổ phần Đường sắt Thanh Hóa quản lý đi qua địa phận tỉnh Thanh Hoá có tổng chiều dài 101,2km với 147 điểm giao cắt, trong đó có 69 đường ngang hợp pháp và 78 lối đi tồn tại lâu năm do người dân hai bên tự mở ra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.

Một số hình ảnh hoạt động tại lễ bàn giao "Đoạn đường ông cháu cùng chăm" tại Thanh Hóa:

Bàn giao “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” tại Thanh Hóa- Ảnh 5.
Bàn giao “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” tại Thanh Hóa- Ảnh 6.
Bàn giao “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” tại Thanh Hóa- Ảnh 7.


Ý kiến của bạn

Bình luận