Tuyến vận tải hành khách Hà Nội - Hải Phòng đi qua Quốc lộ 5 vốn được mệnh danh là tuyến xe “vàng” với lưu lượng khách qua lại giữa hai đầu bến là khá lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây, tuyến vận tải này đã lâm vào tình trạng cung vượt quá cầu, năng lực phương tiện trên tuyến dư thừa dẫn tới hiệu quả kinh doanh thấp. Nhằm bù đắp chi phí vận tải, các chủ phương tiện đã cố tình dừng, đón, trả khách trái quy định trên hành trình. Bức xúc hơn cả đó là hiện tượng côn đồ ngang nhiên lộng hành áp đặt “luật” riêng để đe dọa, hành hung lái xe hay là đầu gấu bảo kê tranh giành, chèo kéo khách. Tình trạng này đã kéo dài mấy năm nay, không chỉ khiến các doanh nghiệp làm ăn đứng đắn bị thiệt hại mà còn khiến các tài xế và cả hành khách phải hoang mang mỗi khi phải tham gia tuyến vận tải này.
Khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2016, hiện tượng mất an ninh này lại đang có dấu hiệu “nóng” trở lại. Trước diễn biến này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia vừa qua đã chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm hành vi tranh giành khách trên Quốc lộ 5.
Chỉ đạo đã có, tuy nhiên, để có thể xử lý dứt điểm tình trạng phức tạp này lại là một câu chuyện dài. Để có thêm một góc nhìn về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao trực tiếp với ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội.
Trước hết, chúng ta cùng theo dõi phóng sự mà phóng viên vừa thực hiện về những gì đang diễn ra trên Quốc lộ 5 cũng như các bến xe khách tại Hải Phòng những ngày qua.
Các xe chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng thường xuyên đón trả khách dọc đường (Ảnh: Khánh Hà/baogiaothong.vn) |
Để xử lý dứt điểm tình trạng bảo kê xe khách nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn của dịch vụ vận tải hành khách trên tuyến Quốc lộ 5, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa lễ hội xuân 2016 sắp tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Trưởng Ban An toàn giao thông thành phố Hải Phòng chỉ đạo lực lượng Công an thành phố lập chuyên án phối hợp với các cơ quan của Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội, Công an các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương điều tra, làm rõ tình trạng tranh giành hành khách, hiện tượng côn đồ bảo kê cho một số đơn vị kinh doanh vận tải, đe doạ hành hung lái xe của các đơn vị khác trên tuyến quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Yêu cầu trên xuất phát từ tình trạng “xe khách côn đồ” trên Quốc lộ 5 – tuyến xe khách Hà Nội - Hải Phòng và ngược lại, đang ngày càng “nóng” lên. Nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách sử dụng “côn đồ, đầu gấu” đe dọa, đánh lái phụ xe; rồi hiện tượng chèn ép, tranh giành khách giữa các hãng vận tải gây hiểm họa tai nạn, mất an ninh trật tự.
Một lái xe khách xin giấu tên, đang chạy tuyến Hải Phòng - Hà Nội cho biết: "Xe khách chèn ép nhau rồi phóng nhanh, vượt ẩu, dừng đón khách không đúng nơi quy định thường xuyên tôi nhìn thấy. Những lúc đó, tôi không biết tránh họ như thế nào... Thỉnh thoảng tôi cũng bắt gặp tình trạng đánh nhau, rất nguy hiểm..."
Khi một chiếc xe của hãng có bảo kê hoặc những chiếc xe khách không mang tên hãng vượt lên, các xe kia mới ùn ùn nối đuôi nhau chạy tiếp. Ðó là “luật rừng” của các xe “đầu gấu”.
Một tài xế thường xuyên chạy trên tuyến đường này cho biết: “Hiện tượng này là do luật của đầu gấu đặt ra, tất cả xe của các doanh nghiệp vận tải không có giang hồ bảo kê đều phải dừng lại chờ xe có bảo kê lên trước rồi mới được đi. Tài xế nào không chấp hành “luật” này sẽ bị giang hồ chặn xe hành hung. Ðã có nhiều trường hợp tài xế bị đánh gãy tay, sưng mặt rồi nên bây giờ ai cũng phải chờ thôi”.
Xe khách các hãng nối đuôi nhau nằm chờ cho xe "đầu gấu" vượt lên rồi mới dám chạy (Ảnh chụp trên quốc lộ 5/dantri.com.vn ) . |
Mới đây người dân có chia sẻ một clip được quay bằng điện thoại về hình ảnh một nam thanh niên chạy xe máy tốc độ cao, liên tục đánh võng trên hai làn ô tô như muốn chặn đường không cho các xe khác vượt lên, trên Quốc lộ 5, đoạn qua khu công nghiệp Đại An, thành phố Hải Dương (Hải Dương). Hình ảnh này khiến người dân vô cùng hoang mang và lo lắng khi tham gia giao thông.
Thường xuyên đi xe khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng, chứng kiến các vụ việc xe khách chèn ép nhau để tranh giành thị phần, một hành khách ngao ngán chia sẻ: "Chất lượng phục vụ kém, lại có hiện tượng tranh giành khách. Xe thường xuyên dừng giữa đường để đón khách..."
Thực tế này diễn ra từ nhiều năm nay, tuy đã được các cơ quan chức năng quan tâm chỉ đạo giải quyết nhưng chưa triệt để. Tình trạng mất an toàn giao thông trên tuyến vẫn tồn tại. Càng vào những ngày giáp Tết, nhu cầu đi lại của người dân càng nhiều hơn, nên hành khách không khỏi lo lắng về vấn đề an toàn suốt hành trình, đặc biệt là những va chạm xảy ra giữa các hãng vận tải hành khách trên tuyến. Tính mạng người tham gia giao thông cũng đang bị đe dọa.
Tại các đầu bến Hải Phòng cũng như dọc Quốc lộ 5, tình trạng tranh giành, chèo kéo khách theo kiểu côn đồ, xã hội đen vẫn đang tiếp diễn phức tạp. Để thực hiện phóng sự vừa rồi, phóng viên đã rất khó khăn khi tiếp cận với các nhà xe, các lái xe để lấy thông tin. Nhiều hãng xe rõ ràng có lái xe bị hành hung, nhập viện với thương tích 30-40% nhưng khi xác định thương tích từ các cơ quan chức năng, chỉ được công nhận khoảng 10%? Nhiều lái xe đã sợ không dám cung cấp thông tin cho báo chí vì sợ trả thù.
Tình trạng côn đồ lộng hành trên tuyến Quốc lộ 5 (Ảnh do Công ty Hoàng Long cung cấp). |
Thưa ông Bùi Danh Liên, phải chăng nạn bảo kê xe khách trên Quốc lộ 5 đang có chiều hướng nghiêm trọng hơn so với các năm trước, đặc biệt trong dịp sát Tết Nguyên đán năm nay?
Ông Bùi Danh Liên: "Chúng tôi nhất trí hoàn toàn với nhận định đó. Tuyến đường 5 là tuyến rất nhức nhối, nhức nhối hàng chục năm nay. Cách đây hơn 15 năm, bản thân tôi cũng đã chứng kiến có người ra chặn xe và nổi khùng với chiếc xe tôi đang ngồi trên đó, và nói rằng tại sao lại bắt khách. Về mặt tâm lý, hành khách đi trên xe cũng rất sợ, chưa nói đến lái xe..."
Rõ ràng là tình trạng bảo kê, côn đồ ngang nhiên giành khách, áp đặt luật riêng đã diễn ra trong nhiều năm nay. Chúng ta cũng thấy Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo xử lý, thế nhưng thực tế này vẫn tái diễn khiến người dân lo lắng. Không chỉ Hải Phòng, thời gian gần đây, trên các tuyến Quốc lộ 18, hay Quốc lộ 5, qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh… xuất hiện tình trạng, nhiều xe khách tư nhân nhái thương hiệu của các khách lớn để đánh lừa hành khách. Chúng ta hãy cùng phóng viên đi thực tế để tìm hiểu vấn đề này tại Quảng Ninh.
Theo phản ánh của nhiều hành khách thường xuyên đi lại trên tuyến Bãi Cháy (thành phố Hạ Long) – Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả), khoảng 2 tháng trở lại đây trên tuyến đường này xuất hiện tình trạng nhiều xe khách loại County 29 chỗ dán thương hiệu “Xe khách dân sinh” ngang nhiên treo biển xe buýt. Đặc biệt những xe này còn dừng đón khách tại điểm đón khách của xe buýt. Chính vì vậy, nhiều khách tưởng nhầm đấy là xe buýt và chỉ khi lên trên xe mới biết là xe nhái thương hiệu.
Anh Lưu Đức Lĩnh, lái xe thuộc Công ty Cổ phần xe buýt Quảng Ninh, cho biết: “Hành khách phản ánh sao lại có xe buýt trắng. Nhiều người không biết thì bảo là xe buýt thu giá vé đắt, chúng tôi cũng giải thích đấy không phải là xe buýt. Xe buýt của công ty thì màu vàng và đội ngũ lái phụ xe mặc đồng phục đầy đủ”.
Việc nhái thương hiệu này đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các 2 hãng xe buýt trên tuyến là Công ty Cổ phần xe buýt Quảng Ninh và Công ty cổ phần xe buýt Vân Đồn.
Ông Lưu Trung Tuyến, Giám đốc công ty cổ phẩn xe buýt Quảng Ninh cho biết, bức xúc nói: “Riêng hoạt động mạo danh xe buýt trên tuyến ảnh hưởng đến việc phục vụ khách của công ty, thứ hai là ảnh hưởng tới nguồn thu của công ty, trực tiếp ảnh hưởng tới quyền lợi của công ty. Chúng tôi nhận được rất nhiều các cuộc gọi của khách hàng phản ánh và mong cơ quan chức năng làm thế nào lấy lại quyền lợi cho công ty chúng tôi”.
Xe mang nhãn “Nghiệp đoàn xe khách Quảng Ninh” đón khách ở thành phố Hạ Long (Ảnh Thúy Hằnghttp://thanhnien.vn) |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các xe nội tỉnh nhái thương hiệu của xe buýt là các xe thuộc Nghiệp đoàn xe khách Quảng Ninh, chạy tuyến Bãi Cháy – Cửa Ông. Do hoạt động của các xe này không tuân theo các quy định của ngành giao thông, như: không xé vé đúng quy định, không có bến dừng đỗ đón trả khách, chất lượng xe không đảm bảo... nên hành khách không tin tưởng đi các xe của Nghiệp đoàn này. Đặc biệt, khoảng nửa năm trước do không đón được khách các xe thuộc Nghiệp đoàn này còn tổ chức chặn đánh các xe buýt chạy cùng tuyến gây bức xúc trong dư luận. Sau khi các xe đổi thương hiệu từ “Nghiệp đoàn xe khách Quảng Ninh” sang “Xe khách dân sinh” bị người dân phát hiện. Các xe này mới nghĩ ra một “chiêu mới” là giả thương hiệu của xe buýt để đón khách trực tiếp tại điểm dừng đỗ của xe buýt.
Bên cạnh tình trạng các xe khách nội tỉnh nhái thương hiệu xe buýt, nhiều hãng kinh doanh vận tải tuyến liên tỉnh Cẩm Phả - Mỹ Đình cũng bị nhiều xe khách chạy cùng tuyến giả thương hiệu. Các xe này sử dụng “chiêu” là bóc tem thương hiệu dán trên xe, rồi sơn màu giống gần như hoàn toàn xe một hãng đang có uy tín trên thị trường nhằm đánh lừa hành khách và qua mặt lực lượng CSGT.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, chủ yếu những xe loại 45 chỗ chạy tuyến Cẩm Phả - Mỹ Đình trước đây được dán nhãn hiệu Đức Phúc, Hùng Vương, Hồng Hải… nay đã tháo tem thương hiệu dán ở phía trước và hai bên thành xe, đồng thời sơn lại màu xe gần giống với xe của một hãng đang có uy tín trên thị trường. Điều này đã khiến cho không ít người dân bị nhầm lẫn khi đón xe từ Quảng Ninh đi Hà Nội và ngược lại.
Theo quan sát, xung quanh những chiếc xe này không hề có một thông tin nào về phía nhà xe như tên doanh nghiệp, số điện thoại hay bảng niêm yết giá. Trên kính phía trước chỉ có vọn vẹn dòng chữ Cẩm Phả - Mỹ Đình hay Mỹ Đình – Hà Nội… Tại khu vực Bến xe Bãi Cháy, hầu hết những chiếc xe “nhái thương hiệu” chạy tuyến Quảng Ninh – Mỹ Đình đều không đăng ký vào Bến xe Bãi Cháy, mà dừng đỗ la liệt phía trước cổng gây cản trở giao thông, các phụ xe không mặc đồng phục nhảy xuống đường chèo kéo khách.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.