“Vé 3 ngàn thu 20 ngàn”
Thời gian gần đây, PV báo Người đưa tin liên tục nhận được phản ánh của người dân về tình trạng “chặt chém” về phí trông giữ xe máy tại bến xe Lương Yên (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội). Đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua.
Nhiều người hết sức bức xúc phản ánh khi gửi xe tại Bến xe Lương Yên họ liên tục bị thu tiền sai quy định và sai số tiền gấp nhiều lần số tiền ghi trên vé. Đặc biệt là trong những ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua.
Anh V.Q. (Hà Nội) cho biết: Sáng 30/4, anh có việc về Hưng Yên và có gửi xe tại bến xe Lương Yên. Đầu giờ chiều, anh quay trở lại lấy xe, khi trả tiền phí, nhân viên trông xe đòi anh phải trả 20.000 đồng/lượt. Trong khi đó, giá niêm yết trên vé chỉ là 3000 đồng/lượt gửi.
Vé trông giữ xe máy ghi 3000 đồng/lượt nhưng thực tế khách bị chặt chém không thương tiếc - (Ảnh: VQ). |
Theo anh V.Q., thấy bất hợp lý anh này quay sang thắc mắc thì một nhân viên nữ quay sang quát tháo nói: “Bến bãi ở đây thu thế, lại ngày lễ nữa…”.
Tương tự, anh Hùng một người dân cũng lâm cảnh bị nhân viên tại bến xe “chặt chém” bức xúc cho biết: “Sáng ngày 2/5, tôi có việc phải vào bến gửi xe. Hơn một giờ sau, tôi quay lại lấy xe thì bị nhân viên yêu cầu trả 20.000 đồng”.
"Khi phản ứng tôi nhận được câu trả lời của nhân viên tại đây rằng “vào gửi 5 phút cũng 10.000 đồng chứ đừng nói một tiếng…” - anh Hùng kể lại.
Một số người gửi xe về quê, mấy ngày sau lên lấy xe cũng bị chặt chém không thương tiếc. Không dừng lại ở đó, nhiều người dân còn cho biết, mặc dù mất tiền nhưng khi gửi xe hoặc có thắc mắc còn thường xuyên bị nhân viên trông xe quát tháo, tỏ thái độ...
Nhiều người dân đặt câu hỏi: Việc thu sai với một vài xe thì không lớn nhưng cả bãi xe có đến hàng trăm, thậm chí cả nghìn chiếc xe gửi thì số tiền chênh ra sẽ chảy vào túi những ai?
“Bất lực xử lý”
Trước thực tế chặt chém diễn ra tại bến xe, giải thích với báo chí, ông Hồ Văn Thi – Phó Giám đốc bến xe Lương Yên cho biết: Theo quy định, từ 6h sáng đến 6h tối giá vé 3000 đồng/lượt/xe máy. Từ 6h tối đến 6h sáng hôm sau thu thêm 5000 đồng/lượt.
Tuy nhiên, PGĐ Bến xe Lương Yên thừa nhận tình trạng này đã diễn ra từ lâu nhưng “vô phương cứu chữa”.
Vị PGĐ Bến xe Lương Yên thanh minh: “Thực tế ở đây nó diễn ra từ lâu rồi. Chúng tôi chưa có cách nào để xử lý hiệu quả. Bởi vì thực tế, người trông xe thì tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, nếu thu đúng thì ngày 3.000 đêm 5.000 đồng/ lượt gửi.
Nhưng thực tế để kiểm soát thu sai xử lý thì không đơn giản vì lý do trước hết phải có người làm sai, có nhân chứng ở đó”.
Bãi trông xe chặt chém tại Bến xe Lương Yên. |
PGĐ Bến xe Lương Yên còn cho rằng, việc “chặt chém” trông giữ xe đã mang tính “xã hội” và hầu hết các bến xe đều thu sai như vậy!?
“Thậm chí, về mặt xã hội thì hầu hết các bãi giữ xe đều thu sai, không riêng gì ở đây. Thực tế ấy, người ta bức xúc lắm thì có ý kiến, còn lại là cho qua” - ông Thi nói và đưa ra một số ví dụ.
Về vấn đề xử lý nhân viên “chặt chém, thu sai” ông Thi nói: “Hướng xử lý là cán bộ sai thì gọi khách đến trả lại tiền. Nếu khách phản ánh nhiều thì chúng tôi sẽ cắt giảm theo kỷ luật ở đây kể cả buộc thôi việc”.
PGĐ Bến xe Lương Yên còn cho rằng, việc “chặt chém” như một căn bệnh nan y, chữa không nổi.
“Tôi nói thật là buộc thôi việc thì người mới lên làm thời gian sau lại như người cũ. Cái này chúng tôi biết nhưng chưa làm được, chưa xử lý triệt để.
Nếu nói về tổng giá trị là lớn, nhưng đơn chiếc là nhỏ vì thế khi xử lý phải gom một vài lần vào. Cái này lỗi của ai thì người đó chịu. Còn về thực tế xã hội nó là như thế rồi” – PGĐ Bến xe Lương Yên nói.
Hơn thế ông Thi còn cho rằng việc “chặt chém” trông giữa xe lời lãi hơn đi “buôn thuốc phiện”: “Thực ra cái vé từ sáng tới tối, có ca sáng ca chiều nữa. Thu 10.000 đồng đã ăn lãi như buôn thuốc phiện, gấp 3 lần rồi còn gì… ”
Về thái độ của nhân viên, ông Thi cũng thừa nhận nhân viên của mình kém trong giao tiếp, ứng xử.
Thậm chí ông Phó giám đốc Bến xe Lương Yên còn giải thích lý do rằng vì bến xe này sắp chuyển đi nên thái độ nhân viên mới như vậy.
“Nói thật là bến xe này sắp chuyển đi rồi nên trong thời điểm giao thời nên ý thức người làm vì miếng cơm manh áo không thật sự rõ ràng” - ông Thi nói.
Từ câu trả lời nói trên của vị Phó giám đốc Bến xe Lương Yên, dư luận đặt ra câu hỏi rằng phải chăng việc "chặt chém" ở Bến xe Lương Yên không còn cách nào khắc phục? Phải chăng người dân, hành khách gửi xe chỉ còn nước bất lực "chịu đòn"?
Và rằng liệu rằng ngoài trông giữ xe bị "chặt chém" thì còn dịch vụ gì ở đây đang "chặt chém" người dân nhưng vì "đó là thực tế xã hội", do bãi xe sắp chuyển đi nên người dân phải cắn răng chấp nhận?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.