Các thuyền viên tàu Ula sơn khẩu ngữ phản đối sau khi bị chủ sở hữu con tàu bỏ rơi trên biển |
"Vỡ mộng" lương cao, du lịch miễn phí
Nhớ lại lần đầu tiên được đặt chân lên con tàu chở hàng Ula với tư cách là một thuyền viên, chàng trai Akash Kumar, 25 tuổi, đến từ Ấn Độ cho biết anh đã rất phấn khích.
"Đối với tôi, khoảnh khắc ấy giống như giấc mơ trở thành hiện thực. Tôi gia nhập đoàn tàu này vì yêu thích khám phá những miền đất mới, quốc gia mới." - Anh nói.
Thuyền viên trẻ đã bị thu hút bởi lời hứa về mức lương hậu hĩnh và "chiếc vé" đi vòng quanh thế giới miễn phí mà không ngờ rằng đó là những giây phút tự do cuối cùng của mình.
Không lâu sau khi Akash gia nhập đoàn vào tháng 2/2019, khởi hành từ Messaieed, Qatar, con tàu Ula đã bị thiếu hụt nhiên liệu, dầu và nước. Tháng 9 năm ấy, con tàu bị mất điện trong suốt 19 ngày. Cuối cùng, khi con tàu cập cảng Kuwait vào tháng 2/2020 cũng là lúc đại dịch COVID-19 lan rộng khiến cho toàn đất nước phải đóng cửa.
Các thuyền viên chỉ biết chờ đợi mòn mỏi tại bến cảng, trong khi chủ sở hữu của con tàu Ula là Công ty Thương mại và Hợp đồng Aswan, có trụ sở tại Ula, Qatar tuyên bố không có kinh phí để hỗ trợ con tàu và ngừng trả lương cho thủy thủ đoàn cũng như cắt đứt liên lạc với họ.
19 thuyền viên trên tàu Ula được thông báo rằng họ phải đợi vài tuần nhưng rốt cuộc lại kéo dài thành nhiều tháng. Một số thuyền viên như Akash thậm chí đã chờ đợi mòn mỏi suốt 2 năm.
"Có lúc tôi không cầm được nước mắt khi ngồi trong cabin vì không thể tham dự hôn lễ của người anh họ thân thiết với mình. Nhiều sự kiện gia đình đã diễn ra nhưng tôi... không thể tham dự." - Akash xúc động.
Ông Bhanu Shankar Panda, 47 tuổi, một trong 3 kỹ sư của con tàu Ula nói: "Nếu không có đại dịch, chúng tôi đã ở nhà vài tháng trước đó." Kỹ sư người Ấn Độ đã gia nhập đoàn thủy thủ từ tháng 10/2019 và đây là con tàu thứ 19 mà ông làm việc.
Ông Bhanu Shankar Panda và anh Akash |
Hệ thống phong kiến cổ hủ
Trường hợp của các thuyền viên trên tàu Ula không phải duy nhất. Số lượng thuyền viên bị bỏ rơi trên tàu đã tăng lên trong đại dịch. Theo Công ước Lao động Hàng hải, thuyền viên được coi là đã bị bỏ rơi nếu chủ tàu của họ cắt liên lạc hoặc bỏ mặc con tàu không bảo dưỡng hoặc hỗ trợ; thủy thủ đoàn không được trả lương và hồi hương. Đây được Liên đoàn Công nhân Vận tải Quốc tế mô tả là "căn bệnh ung thư của ngành vận tải biển". Ngoài ra, theo Tổ chức Lao động Quốc tế, tính đến tháng 6/2021, có tới 200.000 thuyền viên vẫn đang bị mắc kẹt trên biển, không thể về nhà vì biên giới đóng cửa và các biện pháp kiểm soát đại dịch.
Ông Matt Purcell, thanh tra viên của Liên đoàn Công nhân Vận tải Quốc tế cho biết, các công ty vận tải biển nắm giữ quyền lực rất lớn đối với nhân viên của họ, bao gồm kiểm soát tài chính, lịch trình và thời điểm các thuyền viên có thể rời tàu. Purcell mô tả nó như một "hệ thống phong kiến cổ hủ". Trong suốt nhiều thế kỷ, việc quản lý lao động của ngành hàng hải trên thế giới vẫn còn tồn tại nhiều bất công.
Khi bị chất vấn về vấn đề bỏ rơi thuyền viên, Công ty Thương mại và Hợp đồng Aswan - chủ sở hữu của tàu Ula đã từ chối trả lời báo chí. Chủ tịch của công ty, Nasser Hamed al-Nuaimi bị chính quyền Qatar truy nã trong khi công ty bị đưa vào danh sách đen. Giới truyền thông nghi ngờ một công ty khác là Aswan Shipping Denizcilik, có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ đang quản lý tàu Ula mặc dù công ty này phủ nhận bất kỳ mối quan hệ nào với con tàu và Công ty Thương mại và Hợp đồng Aswan. Hiện Aswan Shipping Denizcilik đang điều hành hai con tàu khác là Maryam và Movers 3, gần đây đã được phát hiện ngoài khơi bờ biển Australia trong tình trạng không điện, nước, thiết bị vệ sinh, thiết bị an toàn hỏng hóc.
Đại diện Cơ quan An toàn Hàng hải Australia (AMSA) cho biết, trong vài tháng qua, AMSA và các cơ quan liên quan đã nhiều lần yêu cầu Aswan Shipping giải quyết các vi phạm quản lý hệ thống tàu biển của công ty; đồng thời ra lệnh cấm hoạt động trong vùng biển Australia trong 18 tháng đối với tàu Movers 3 và 36 tháng đối với tàu Maryam.
Các thuyền viên tàu Ula ngủ trên boong tàu mắc kẹt tại Kuwait |
Bị đối xử tệ hơn động vật
Quay trở lại Kuwait, nơi các thuyền viên trên tàu Ula cuối cùng cũng được trả lại tự do vào ngày 4/6/2021 nhưng vẫn bị công ty nợ 410.000 USD tiền lương. Để chu cấp cho gia đình, nhiều người đã phải đi vay nợ và giờ khó mà trả nổi.
"Tôi đã hứa với chủ nợ sẽ trả đủ tiền khi về đến Ấn Độ nhưng giờ tôi biết làm thế nào để trả khoản nợ đó đây?" - Kỹ sư Bhanu Shankar Panda than thở.
"Chúng tôi bị đối xử tệ hơn động vật. Giờ thì tất cả đều thành ăn xin."
Trước vấn nạn bỏ rơi thuyền viên đang gia tăng, đầu năm 2021, hơn 300 công ty vận chuyển, khai thác và thương mại đã ký kết "Tuyên bố Sao Hải Vương" nhằm chung tay giúp đỡ hàng trăm nghìn thủy thủ mắc kẹt trên biển do COVID-19, trong đó có nhiều tập đoàn lớn trong ngành vận tải biển như AP Moller Maersk, tập đoàn dầu khí BP và Royal Dutch Shell và nhiều công ty thương mại như Cargill, Trafigura, Vitol. Các bên ký kết Tuyên bố sẽ tham gia chăm sóc sức khỏe cho các thuyền viên cũng như tăng cường hợp tác giữa các nhà khai thác vận tải biển và người thuê tàu để tăng tốc độ thay đổi thuyền viên.
Jeremy Nixon, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Vận tải biển ONE cho biết: "Chúng ta đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng nhân đạo trên biển. Các thuyền viên đã trở thành con tin của khủng hoảng và chúng ta phải giúp họ."
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.