Bộ GTVT: Cần giải pháp mạnh xử lý "điểm nghẽn" về nguồn vật liệu xây cao tốc

Tác giả: Thanh Huyền

saosaosaosaosao
Đường bộ 19/03/2023 13:20

Theo Bộ GTVT, nguồn vật liệu phục vụ xây dựng các dự án cao tốc hiện đảm bảo trữ lượng, chất lượng. Song, tồn tại "điểm nghẽn" về khai thác và giá bán cao hơn mức địa phương công bố.

Cần giải pháp mạnh xử lý các "điểm nghẽn" về nguồn vật liệu xây cao tốc - Ảnh 1.

Phương tiện thi công cao tốc Bùng - Vạn Ninh

Công suất khai thác vật liệu không đáp ứng, giá cao

Trong văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về tình hình cung ứng vật liệu cho các dự án đường bộ cao tốc triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 mới đây, Bộ GTVT cho biết, theo báo cáo của các cơ quan chủ quản và tư vấn, hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án đã được thực hiện đầy đủ, đảm bảo trữ lượng, chất lượng.

Trong đó, vật liệu đá, cát chủ yếu sử dụng từ các mỏ đã cấp phép, đang khai thác; vật liệu đất sử dụng chủ yếu từ các mỏ chưa khai thác (đã quy hoạch, sử dụng cho các dự án cao tốc theo nghị quyết của Chính phủ).

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, các dự án cao tốc sẽ triển khai đồng loạt, nhu cầu vật liệu là rất lớn và chủ yếu tập trung trong các năm 2023, 2024. Vì vậy, Bộ GTVT đã nhận diện các khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới liên quan đến nguồn vật liệu xây dựng phục vụ thi công các dự án.

Bộ GTVT
Mặc dù trữ lượng, chất lượng đáp ứng nhưng hầu hết các mỏ đang khai thác với công suất như hiện nay chưa đáp ứng theo tiến độ thi công của các dự án.

Thủ tục giao các mỏ đất, cát đã quy hoạch, chưa khai thác cho nhà thầu đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hướng dẫn các địa phương thực hiện, tuy nhiên các địa phương còn lúng túng, vướng mắc về thủ tục nên chưa triển khai cấp phép cho nhà thầu.

Trong khi đó, các nhà thầu đã làm việc với các chủ sở hữu đất khu vực mỏ, hầu hết các chủ sở hữu đều đưa ra mức giá chuyển nhượng, thuê đất hoặc hợp tác khai thác cao hơn so với mức giá bồi thường cây cối, hoa màu và tài sản trên đất theo quy định.

Các dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền do các địa phương đã dành phần lớn các mỏ để phục vụ cho nhu cầu đầu tư các dự án của địa phương và mới cân đối để cung cấp được khoảng 3,0 triệu mét khối cho 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Cùng với đó, một số địa phương thông báo giá vật liệu chưa phù hợp với mặt bằng giá thị trường, so với các tỉnh lân cận (quá cao hoặc quá thấp). Một số dự án bắt đầu triển khai thi công đã xuất hiện hiện tượng các nhà cung ứng bán vật liệu với giá cao hơn nhiều so với mức giá do địa phương công bố.

Cần giải pháp mạnh xử lý các "điểm nghẽn" về nguồn vật liệu xây cao tốc - Ảnh 3.

Theo Bộ GTVT, công suất các mỏ đang khai thác tại các địa phương đều hạn chế do các mỏ trước đây chủ yếu khai thác để phục vụ nhu cầu của địa phương

"Điểm nghẽn" trong khai thác vật liệu

Theo Bộ GTVT, nguyên nhân khách quan của tình trạng này là các dự án cao tốc đang triển khai đồng loạt, nhu cầu vật liệu rất lớn và chủ yếu tập trung trong các năm 2023, 2024, trong khi công suất các mỏ đang khai thác tại các địa phương đều hạn chế do các mỏ trước đây chủ yếu khai thác để phục vụ nhu cầu của địa phương.

Cùng với đó, việc nâng công suất các mỏ cát theo cơ chế đặc thù mới chỉ được áp dụng cho các dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Về nguyên nhân chủ quan, Bộ GTVT cho biết, Bộ TN&MT đã hướng dẫn các địa phương thủ tục khai thác các mỏ vật liệu, tuy nhiên quá trình triển khai các địa phương còn lúng túng và là "điểm nghẽn" trong công tác khai thác vật liệu xây dựng phục vụ các dự án, Bộ TN&MT cần sớm tháo gỡ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Công điện 57 của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/2/2023.

Ngoài ra, các cấp chính quyền địa phương chưa thật sự quyết liệt trong việc triển khai các thủ tục cấp phép, giao mỏ cho nhà thầu khai thác theo các nghị quyết của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ TN&MT; một số địa phương chưa quản lý tốt công tác công bố giá, kiểm tra, giám sát giá bán vật liệu của các nhà cung ứng.

Bộ GTVT
Tại một số địa phương, phương pháp, số liệu để xây dựng giá vật liệu xây dựng còn chưa phù hợp với thực tế hiện trường.


Phải có giải pháp mạnh với tình trạng ép giá cao hơn

Để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ thi công, hoàn thành các dự án cao tốc, đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 cả nước sẽ có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc, Bộ GTVT kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ có Công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố chủ động, kịp thời triển khai các thủ tục liên quan đến khai thác mỏ vật liệu xây dựng theo thẩm quyền để giao mỏ cho các nhà thầu khai thác vật liệu đáp ứng tiến độ thi công các dự án theo các nghị quyết của Chính phủ.

UBND các tỉnh khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các dự án thực hiện rà soát, nâng công suất các mỏ đá, mỏ cát, mỏ đất đã cấp phép, đang khai thác trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công.

Cần giải pháp mạnh xử lý các "điểm nghẽn" về nguồn vật liệu xây cao tốc - Ảnh 5.

Theo Bộ GTVT, nguồn vật liệu phục vụ xây dựng các dự án cao tốc hiện đảm bảo trữ lượng, chất lượng. Song, tồn tại "điểm nghẽn" về khai thác và giá bán cao hơn mức địa phương công bố.

Bộ GTVT đề nghị các địa phương chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm cùng với các chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá đền bù, hỗ trợ, thuê đất, bồi thường cây cối, hoa màu,... đối với các mỏ mới nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ các dự án, đảm bảo phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước quy định.

UBND các tỉnh, thành phố cần giao Sở Xây dựng, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan làm việc với các nhà cung ứng vật liệu, chủ mỏ để có cam kết việc cung ứng vật liệu theo giá đã công bố, niêm yết. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá vật liệu tại các mỏ đang khai thác để không xảy ra tình trạng nâng giá, ép giá, bán với giá cao hơn mức giá đã được các địa phương công bố.

Bộ GTVT
Trường hợp phát hiện tình trạng cố tình thông đồng, ép giá cao hơn so với giá đã công bố phải có giải pháp mạnh như xử phạt, xem xét thu hồi giấy phép.

Cũng theo kiến nghị của Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng thông thường, chỉ số giá xây dựng đảm bảo phù hợp với giá mặt bằng trong khu vực.

Đối với các đơn vị được giao nhiệm vụ nhưng không hoàn thành cần xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí đủ nguồn vật liệu cát đáp ứng tiến độ triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau (tỉnh An Giang bố trí 7,0 triệu mét khối, tỉnh Đồng Tháp bố trí 7,0 triệu mét khối, tỉnh Vĩnh Long bố trí 5,0 triệu mét khối) theo đề nghị của Bộ GTVT.

An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cũng cần thực hiện thủ tục tăng 50% công suất các mỏ cát đang khai thác và dành toàn bộ khối lượng phần tăng thêm để cấp cho dự án theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 18 ngày 11/2/202.

Chính phủ đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp với mặt bằng giá thị trường.

Triển khai các nghị quyết của Chính phủ, Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố được giao làm cơ quan chủ quản đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư và đang triển khai các bước thực hiện đầu tư.

Theo Bộ GTVT, Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000km đường bộ cao tốc, đến năm 2025 sẽ có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc, trong đó bao gồm một số tuyến đường bộ cao tốc quan trọng như: cao tốc trục dọc Bắc - Nam phía Đông; các tuyến cao tốc trục ngang Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và một số tuyến các tốc kết nối liên vùng khác.

Đây là các dự án đường bộ cao tốc thuộc các dự án, công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; Chính phủ đã ban hành các nghị quyết triển khai với một số cơ chế đặc thù trong việc cấp phép, khai thác vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.