Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách
Theo đó, Chương trình Quán triệt, tuyên truyền, cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp của Nghị quyết 27 và Kế hoạch 11 ngày 18/11/2022 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực của Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT và gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể để Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Chương trình hành động cũng hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trong ngành GTVT. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước đi đôi với nâng cao năng lực thực thi; xây dựng bộ máy tổ chức ngành GTVT tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết phải nghiêm túc, thực chất, hiệu quả, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong ngành GTVT để xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Theo Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT, các cấp ủy đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT tổ chức nghiên cứu, quán triệt nội dung Nghị quyết và chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết tới toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý để tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về Hiến pháp và pháp luật về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và yêu cầu, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Quán triệt sâu sắc việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị; được tiến hành đồng bộ với thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT cho biết, Chương trình hành động rà soát, thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp và quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GTVT đảm bảo công bằng, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch. Nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Bộ GTVT trong thực thi Hiến pháp, pháp luật.
Cùng với đó là tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực GTVT nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về GTVT, nâng cao trách nhiệm, bảo đảm nguồn lực, năng lực thực hiện pháp luật của các địa phương. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật. Phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực, vai trò, trách nhiệm của các chủ thể tham gia xây dựng pháp luật. Hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, giải trình và tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GTVT. Bảo đảm đồng bộ, kịp thời của hệ thống pháp luật về GTVT với hệ thống pháp luật chung. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, trái pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, "lợi ích nhóm" trong công tác xây dựng pháp luật về GTVT.
Tiếp tục đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật trong lĩnh vực GTVT để bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi và vi phạm pháp luật, xử lý kịp thời, hiệu quả kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp.
Củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế của Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị trực thuộc; nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, cản trở cạnh tranh lành mạnh; áp dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số đảm bảo đạt các chỉ tiêu đề ra.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực
Về việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Cán sự đảng Bộ GTVT cho biết, Chương trình hành động sẽ tăng cường công tác tiếp công dân, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, quyền kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo và các quyền khác của công dân, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện công tác thanh tra, kiểm tra; chủ động phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các biểu hiện, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; Xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan thanh tra, kiểm tra có bản lĩnh vững vàng, xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực.
Về việc phát huy vai trò, sự lãnh đạo của Đảng và các tổ chức đoàn thể trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chương trình hành động tiếp tục bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Đảng, phát huy trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo và hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành của Nhà nước. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Công đoàn GTVT Việt Nam, Đoàn Thanh niên Bộ GTVT để phát huy vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế để các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, kiểm soát quyền lực nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo yêu cầu của Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT, các cấp ủy đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết 27 và Chương trình hành động này, chỉ đạo xây dựng ban hành Chương trình, kế hoạch hành động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện thực tiễn của cơ quan, đơn vị. Đồng thời tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại Chương trình hành động này và chương trình, kế hoạch của cơ quan, đơn vị theo đúng mục đích, yêu cầu. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá, theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Chương trình hành động.
Các cơ quan tham mưu, giúp việc Bộ trưởng được giao chủ trì chịu trách nhiệm tham mưu, cụ thể hóa nội dung các Chương trình hành động để chỉ đạo thực hiện, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị định kỳ 6 tháng, một năm tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Ban Cán sự đảng.
Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp chung kết quả thực hiện của các đơn vị theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện Nghị quyết 27 và Chương trình hành động này. Trong quá trình thực hiện, Ban Cán sự đảng căn cứ vào chỉ đạo của Trung ương để bổ sung, điều chỉnh các nội dung Chương trình hành động cho phù hợp với tình hình mới.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.