Giải ngân vượt mức bình quân cả nước
Theo số liệu báo cáo của các chủ đầu tư, ban QLDA, trong tháng 3/2022, Bộ GTVT giải ngân 4.800 tỷ đồng, lũy kế hết quý I/2022 giải ngân 7.200/41.955 tỷ đồng, đạt 17,2% kế hoạch đã giao chi tiết và đạt 14,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, tạm ứng hợp đồng của một số dự án khởi công mới giải ngân khoảng 750 tỷ đồng, gồm 300 tỷ đồng 4 dự án ODA và 450 tỷ đồng 2 dự án trong nước (luồng sông Hậu, kênh Chợ Gạo).
Cùng với đó, các dự án ODA 775 tỷ đồng (735 tỷ đồng vốn nước ngoài), cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 1) 2.500 tỷ đồng, các dự án quan trọng cấp bách 410 tỷ, các dự án trong nước khác 455 tỷ đồng, các dự án thu hồi ứng trước kế hoạch 2.000 tỷ đồng; trả nợ các dự án BT 1.060 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự kiến hết tháng 3/2022 cả nước giải ngân đạt 11,88% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao gồm vốn trong nước đạt 12,66%, vốn nước ngoài đạt 0,99%. Theo số liệu ước tính của Bộ Tài chính, kết quả giải ngân của Bộ GTVT quý I đạt 13,9%. Theo số liệu báo cáo của các chủ đầu tư, ban QLDA, trong quý I, Bộ đã giải ngân được 14,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước đạt 14,2%, vốn nhà nước đạt 15,1%).
Ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư đánh giá: “Kết quả giải ngân của Bộ GTVT đã vượt mức bình quân chung cả nước. Có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng, các Thứ trưởng và sự nỗ lực, quyết tâm của các chủ đầu tư, ban QLDA trong công tác chỉ đạo, điều hành”.
Cũng theo đánh giá của Vụ trưởng Nguyễn Danh Huy, giá trị giải ngân quý I chủ yếu tập trung ở thu hồi ứng trước kế hoạch, trả nợ BT, quyết toán, giải phóng mặt bằng và tạm ứng hợp đồng; giải ngân khối lượng xây lắp chỉ được khoảng 3.000 tỷ đồng, tập trung tại các dự án: cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 khoảng 2.500/16.866 tỷ đồng (14,8%), các dự án quan trọng, cấp bách khoảng 410/4.666 tỷ đồng (8,8%).
Theo kế hoạch các chủ đầu tư, ban QLDA đăng ký, trong tháng 4, Bộ GTVT sẽ giải ngân khoảng 3.800 tỷ đồng; lũy kế tới hết tháng 4 sẽ giải ngân 11.000 tỷ đồng, đạt khoảng 22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Để đẩy mạnh thực hiện, giải ngân kế hoạch năm 2022 trong tháng 4 và các tháng tiếp theo, Vụ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, các chủ đầu tư, ban QLDA, các cơ quan tham mưu cần quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 01/CT-BGTVT ngày 28/01/2022 của Bộ trưởng, quyết liệt chỉ đạo điều hành, có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân.
Tiến độ và chất lượng: hai yếu tố song hành
Theo đánh giá của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT), trong tháng 3/2022, nhìn chung các chủ đầu tư, ban QLDA đã tập trung quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án, tiếp tục đạt được nhiều bước tiến tích cực. Tuy nhiên, tiến độ thi công một số dự án còn chậm so với kế hoạch, chưa đáp ứng tiến độ đề ra. Ông Bùi Quang Thái - Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho biết, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông bị chậm do công tác quản lý, điều hành của doanh nghiệp dự án chưa hiệu quả, các nhà thầu chậm huy động nhân sự, máy móc, thiết bị, thiếu mũi thi công nên chưa giải ngân được vốn ngân sách nhà nước.
Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chậm do chưa quyết liệt phối hợp với địa phương để giải quyết dứt điểm việc cấp phép khai thác mỏ vật liệu đắp. Ngoài ra, công tác thi công chưa đạt tiến độ, đặc biệt là các hạng mục móng, mặt đường, công trình cầu... Đến nay, dự án mới giải ngân được 117/1.500 tỷ đồng (7,8%). Dự án QL24 - thành phần 2 do Sở GTVT tỉnh Kon Tum làm đại diện chủ đầu tư chậm do thời tiết mưa nhiều, không thi công được bê tông nhựa, mới giải ngân 20/250 tỷ đồng (8%).
Việc đáp ứng tiến độ giải ngân các dự án theo chỉ đạo của Chính phủ là nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, Cục trưởng Bùi Quang Thái khẳng định, các chủ đầu tư, ban QLDA cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình, chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu kiểm soát chất lượng vật liệu đầu vào, kiểm soát các phòng thí nghiệm đảm bảo hợp chuẩn, các thí nghiệm viên có đủ năng lực kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
“Khi triển khai thi công bê tông nhựa và các lớp móng mặt đường, các chủ đầu tư, ban QLDA phải thực hiện nghiêm túc các văn bản hướng dẫn của Bộ GTVT để tránh hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, thực hiện đầy đủ thí nghiệm mẫu bê tông nhựa và kiểm soát dây truyền, máy móc thiết bị thi công đảm bảo chất lượng công trình, đặc biệt lưu ý thời tiết khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ đã xuất hiện mưa bất thường”, Cục trưởng Bùi Quang Thái phân tích.
Chấm dứt hợp đồng nhà thầu vi phạm tiến độ cao tốc Bắc - Nam
Bộ GTVT vừa yêu cầu các Ban QLDA: 2, 6, 7, 85, Thăng Long, đường Hồ Chí Minh phải kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm hợp đồng, không đáp ứng chất lượng, tiến độ, đồng thời đề xuất kịp thời các hình thức xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật có liên quan và hợp đồng xây lắp (cắt chuyển khối lượng, thay thế, bổ sung, chấm dứt hợp đồng).
Trong đó, đối với nhà thầu thực hiện gói thầu vi phạm hợp đồng, không có khả năng hoàn thành hợp đồng đúng tiến độ ký kết (chủ đầu tư đã thông báo vi phạm lần 3 theo quy định của hợp đồng, nhưng nhà thầu không có chuyển biến tích cực về tiến độ), các ban QLDA xem xét báo cáo Bộ GTVT chấm dứt hợp đồng.
Nhà thầu không hoàn thành hợp đồng (bị xử lý chấm dứt hợp đồng) sẽ được đánh giá không đáp ứng ở bước đánh giá sơ bộ trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu thuộc dự án do Bộ GTVT quản lý (từ 3 đến 5 năm theo Thông tư 03 ngày 06/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.