Hoàn thành nâng cấp kênh Chợ Gạo
Ngày 31/1, Ban Quản lý các dự án đường thủy (Bộ GTVT) cho biết, đơn vị đang được giao làm chủ đầu tư 4 dự án đầu tư nâng cấp luồng tuyến đường thủy, gồm: Dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, tỉnh Tiền Giang; Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ, đường sắt cắt qua các tuyến đường thủy quốc gia (giai đoạn 1, khu vực phía Nam, trên địa bàn tỉnh Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ); Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam; Nâng cấp kênh Mương Khai – Đốc Phủ Hiền (tỉnh Đồng Tháp).
Về tình hình triển khai, dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo có tổng mức đầu tư 1.335 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành 100% các hạng mục xây lắp vào tháng 12/2023. Cụ thể, đã hoàn thành nạo vét gần 10 km kênh phía bờ Nam đáp ứng tiêu chuẩn luồng đường thủy cấp II; xây dựng bờ kè bảo vệ bờ phía Nam (Km 12+000 – Km21+850); làm xong đường dân sinh dọc tuyến kênh với chiều rộng 5 m, mặt đường láng nhựa cấp phối đá dăm; xây dựng cầu Quơn Long và bố trí hệ thống phao tiêu, báo hiệu đường thủy theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trên toàn bộ tuyến kênh với chiều dài hơn 28 km (gồm Rạch Lá, kênh Chợ Gạo và rạch Kỳ Hôn).
Tại khu vực phía Bắc, dự án cụm công trình kênh nối kênh Đáy – Ninh Cơ (mở mới tuyến kênh dài gần 1,2 km, nối sông Đáy và Ninh Cơ, tỉnh Nam Định), có tổng mức đầu tư hơn 1.792 tỷ đồng, đã hoàn thành, được Bộ GTVT công bố mở luồng đường thủy và chính thức đưa vào đưa khai thác ngày 25/7/2023.
Còn dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ, đường sắt cắt qua các tuyến đường thủy quốc gia (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư 2.156 tỷ đồng, được khởi công ngày 6/1/2024, với quy mô đầu tư xây dựng mới 9 cầu, nâng cấp 1 cầu và tháo dỡ 1 cầu bắc qua các tuyến đường thủy quốc gia, thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025. Dự án gồm 2 gói thầu xây lắp: Gói CĐT – XL01 xây dựng cầu Mộc Hóa, Sa Đéc, Hồng Ngự, Mỏ Cày; cải tạo cầu Giồng Giăng, tháo dỡ cầu Măng Thít; gói CĐT – XL02: Xây dựng cầu Đông Thuận, Đông Bình, Ô Môn, Thới Lai, Vàm Xáng – Thị Đội.
"Gói thầu CĐT – XL01 đã được ký kết hợp đồng thi công với nhà thầu vào đầu tháng 12/2023, hiện nhà thầu đang tích cực chuẩn bị huy động thiết bị, nhân lực để triển khai thi công tại một số vị trí có mặt bằng. Còn gói thầu CĐT – XL02 cũng đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu vào cuối tháng 1/2024", Ban Quản lý các dự án đường thủy cho biết.
Chuẩn bị thủ tục để triển khai 2 dự án
Đối với dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam có tổng mức đầu tư hơn 3.901 tỷ đồng (vốn vay Ngân hàng Thế giới, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc và hơn 1.400 tỷ đồng vốn đối ứng trong nước), được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1386/QQD – BGTVT ngày 30/10/2023.
Theo kế hoạch, dự án sẽ tiến hành nạo vét, cải tạo tuyến luồng đường thủy nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn trên hành lang Đông - Tây có tổng chiều dài 197 km qua sông Hậu (TP. Cần Thơ), sông Trà Ôn, sông Mang Thít, sông Cổ Chiên, kênh Chợ Lách, sông Tiền, rạch Kỳ Hôn, kênh Chợ Gạo, rạch Lá, sông Vàm Cỏ, kênh Nước Mặn, sông Cần Giuộc, sông Soài Rạp tại ngã ba các sông Soài Rạp - Nhà Bè - Lòng Tàu (TP.HCM). Sau khi dự án hoàn thành, hành lang đường thủy này đạt cấp II kỹ thuật, đáp ứng tàu tự hành đến 600T, tàu 3 lớp container thường lưu thông 24/24 h, tàu tự hành đến 1.500 tấn lợi dụng thủy triều ở mực nước cao để lưu thông.
Cùng đó, cải tạo 82 km tuyến luồng trên hàng lang đường thủy Bắc – Nam để tàu tự hành đến 5.000 tấn, tàu 4 lớp container lưu thông thuận lợi, an toàn nhằm phát huy lợi thế của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trong chuỗi logistics khu vực phía Nam. Mục tiêu của dự án nhằm giải quyết điểm nghẽn vận tải thủy qua các sông Đồng Nai (tại cảng Đồng Nai), sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Tắc Cua, sông Gò Gia, sông Thị Vải (cụm cảng Cái Mép - Thị Vải).
"Hiện dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục để đàm phán hiệp định vay vốn, dự kiến cấp có thẩm quyền sẽ thực hiện đàm phán trong quý I/2024 để triển khai dự án trong năm 2024", ông Dương Thanh Hưng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy cho biết.
Trong khi đó, với dự án nâng cấp kênh Mương Khai – Đốc Phủ Hiền, Bộ GTVT đã ban hành quyết định giao Ban Quản lý các dự án đường thủy làm chủ đầu tư bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Hiện Ban đang hoàn thiện các thủ tục trình Bộ GTVT bố trí vốn chuẩn bị đầu tư để làm cơ sở tuyển chọn tư vấn lập cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Được biết, kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền đi qua các huyện Lai Vung, Châu Thành và TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, là tuyến đường thủy ngắn nhất nối sông Tiền và sông Hậu, với chiều dài khoảng 20,8 km, nhưng chiều sâu hạn chế nên tàu thuyền lớn không thể lưu thông.
Công trình xây dựng cầu đường bộ Đuống, cầu đường sắt Đuống đang thi công
Ngoài các dự án trên, hiện lĩnh vưc đường thủy còn có Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống đang được triển khai thi công. Dự án do Ban QLDA đường sắt (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, được khởi công gần cuối tháng 7/2023, với tổng mức đầu tư hơn 1.848 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025.
Dự án gồm 2 gói thầu xây dựng cầu đường sắt Đuống, gói thầu xây dựng cầu đường bộ Đuống (Hà Nội). Công trình này nhằm giải quyết "điểm nghẽn" đường thủy tại cầu Đuống hiện hữu, nâng cao năng lực hạ tầng đường thủy qua sông Đuống và cải thiện khả năng giao thông đường bộ, đường sắt qua sông Đuống tại khu vực trên.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.