Các thuyền viên đến sân bay Changi để đáp chuyến bay trở về nhà ở Ấn Độtrong chuyến thay đổi thủy thủ đoàn ở Singapore vào ngày 12/6 |
“Phục vụ những người phục vụ của chúng ta”
Kể từ khi cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 bắt đầu, việc thay đổi thuyền viên đã bị đình chỉ từ tháng 3 như một giải pháp ngắn hạn để tránh gián đoạn hệ thống cung ứng toàn cầu này. Những thuyền viên dù hết hạn vẫn đang phải tiếp tục làm việc trên tàu, họ không thể lên bờ hay trở về với gia đình bởi những chính sách mới ban hành do dịch bệnh Covid-19 gây ra như đóng cửa biên giới, đóng cửa đường bay quốc tế… và hơn hết họ không biết khi nào mình mới lên bờ được!
Theo ông Margi Van Gogh - Trưởng bộ phận Chuỗi cung ứng và ngành vận tải của Diễn đàn Kinh tế thế giới, nhiệm vụ của ngành vận tải không chỉ là giữ an toàn cho mọi hành khách mà còn là sự lưu thông, luân chuyển hàng hóa phục vụ xã hội.
“Trước tình hình thực tế như hiện nay, cần có các hoạt động gắn kết ở mức độ toàn cầu để giữ an toàn cho các thuyền viên, bảo vệ cuộc sống và sinh kế của họ. Bởi lẽ, họ vẫn đang kiên trì, cố gắng duy trì chuỗi cung ứng mong manh hiện nay nhằm phục vụ, cung cấp những nhu cầu thiết yếu của chúng ta. Sự kết nối toàn cầu là cách tốt nhất để chúng ta có thể giúp đỡ, “phục vụ” những người phục vụ chúng ta hiện nay”, ông Margi Van Gogh cho biết.
Còn theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, hoàn cảnh của những người đi biển đã trở thành một “cuộc khủng hoảng nhân đạo và an toàn”. Ông Antonio Guterres cũng kêu gọi các quốc gia hồi hương công dân của họ.
Ông Bud Darr - Phó Chủ tịch Điều hành, Chính sách hàng hải và Các vấn đề chính phủ của hãng tàu du lịch và vận tải container toàn cầu MSC Group cho rằng, việc tạo điều kiện cho thuyền viên hồi hương và thay đổi thuyền viên trên các tàu viễn dương là vấn đề cần được quan tâm ngay lập tức hiện nay.
“Tất cả các quốc gia có liên quan đến ngành này phải phát huy tác dụng của lời kêu gọi gần đây của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, nhằm giảm bớt khó khăn cho những người hùng của ngành GTVT toàn cầu và gia đình của họ, đồng thời tránh khả năng gián đoạn thương mại”, ông Bud Darr chia sẻ.
Ông Palle Laursen - Giám đốc kỹ thuật của Maersk (Công ty vận tải container lớn nhất thế giới) chia sẻ với một cơ quan truyền thông rằng, hơn một phần ba trong số 6.600 thuyền viên hiện đang ở trên biển đã làm việc nhiều hơn thời hạn hợp đồng bình thường của họ.
“Sự mệt mỏi, các vấn đề về sức khỏe và tâm lý của các thuyền viên ngày càng gia tăng. Vì lý do an toàn, quy định và sự nhân đạo, việc thay đổi thuyền viên không thể bị hoãn lại vô thời hạn”, ông Palle Laursen khẳng định.
Cộng đồng toàn cầu phải hành động có trách nhiệm
Hiện nay, theo một số chuyên gia, để giải quyết được thực trạng này đòi hỏi phải có sự phối hợp toàn cầu, như vậy mới có thể giải quyết được thực trạng, song song với đó là đảm bảo người lao động trên các tàu biển được đối xử bằng sự tôn trọng mà họ xứng đáng được nhận, đồng thời đảm bảo hệ thống cung cấp hoạt động trơn tru để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế từ sau đại dịch Covid-19.
Ngày 25/6 vừa qua, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) kỷ niệm ngày Thuyền viên thế giới bằng cách kêu gọi tất cả các quốc gia hãy chính thức chỉ định thuyền viên là “công nhân chủ chốt” và đảm bảo việc thay đổi thuyền viên có thể diễn ra an toàn.
“Đó là một phản ứng tức thì. Chúng ta không nói về việc mở cửa các quốc gia cho du lịch hay đón du khách mà chúng ta đang nói về một nhóm người cụ thể, dễ nhận biết, những người đã đóng góp to lớn cho việc duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa trong đại dịch này”, ông Jonathan Williams - Tổng Giám đốc Liên đoàn các Hiệp hội Đại lý và Môi giới tàu quốc gia cho biết.
Còn theo Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) Alexandre de Juniac, ngành Hàng không đã sẵn sàng hỗ trợ đưa các thuyền viên về nhà khi việc thảo luận về các hành lang vận chuyển và các sân bay được thống nhất, chỉ định. Ông Alexandre de Juniac cho biết: “Nếu các chính phủ xác định các sân bay mà thuyền viên có thể sử dụng để thay đổi thủy thủ và thực hiện các điều chỉnh thích hợp đối với các quy trình y tế và nhập cư hiện tại, thì các hãng hàng không có thể giúp duy trì hoạt động này trên toàn cầu”.
Tại cuộc họp mới đây ở Geneva, các nhà lãnh đạo ngành vận tải biển đã thúc giục các chính phủ nhanh chóng hành động để miễn thị thực cho các thuyền viên và sắp xếp các chuyến bay để đưa họ về nước trước khi khủng hoảng trầm trọng hơn. Tại cuộc họp này, Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế (ITF) đã có danh sách 7 điểm yêu cầu. Đại diện ITF Steve Cotton cho biết: “Cộng đồng toàn cầu phải hành động có trách nhiệm như những người đi biển, như những gì ngành công nghiệp này đã thể hiện và cống hiến trong suốt cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra”. Đồng tình với quan điểm này, các nhà lãnh đạo khác cũng kêu gọi các quốc gia phải hành động nhanh chóng.
Đại diện tổ chức phi chính phủ ICS cho rằng, những nhà lãnh đạo chính phủ các quốc gia cần có quyết sách linh hoạt, dỡ bỏ việc tiếp tục áp đặt các hạn chế đi lại đối với những thuyền viên chủ chốt này và phải tập trung tháo gỡ vấn đề một cách sớm nhất.
“Chăm sóc những thuyền viên, những người vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ giao thương là trọng tâm để đảm bảo cuộc sống và sinh kế không chỉ của những thuyền viên mà còn của tất cả chúng ta. Sự lãnh đạo đồng bộ bắt nguồn từ sự gắn kết của các nhà lãnh đạo công, tư và cả xã hội. Đây là sự cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc này. Khả năng lãnh đạo gắn kết cũng rất quan trọng đối với sự phục hồi năng lực ngành vận tải biển, cho phép chúng ta xây dựng, tái phát triển một hệ thống cung ứng toàn cầu bền vững, tốt hơn sau đại dịch Covid-19”, ông Van Gogh khẳng định q
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.