Giữ khoảng cách an toàn là yêu cầu bắt buộc khi lưu thông trên đường bộ. Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT ban hành ngày 15/10/2019 của Bộ Giao thông vận tải cũng đã quy định rất rõ về khoảng cách an toàn của xe cơ giới tham gia giao thông.
Cụ thể, Điều 11 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT quy định khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe khi tham gia giao thông ở tốc độ 60 km/h là 35 mét, tốc độ trên 60 km/h đến 80 km/h là 55 mét, trên 80 km/h đến 100 km/h là 70 mét và trên 100 km/h đến 120 km/h phải giữ khoảng cách tối thiểu 100 mét.
Trường hợp điều khiển xe chạy với tốc độ dưới 60km/h, người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn giao thông.
Trong điều kiện trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, tầm nhìn hạn chế, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn trị số ghi trên biển báo hoặc trị số được quy định khi mặt đường khô ráo nêu trên.
Đối với trường hợp xe đi trên cao tốc, khoảng cách an toàn tối thiểu cũng dựa vào tốc độ của xe khi tham gia giao thông theo như quy định này.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều người thì mặc dù đã có quy định rõ ràng song người lái xe thường gặp khó khăn khi ước tính khoảng cách an toàn trong quá trình điều khiển phương tiện. Trên thực tế thì cách ước tính khoảng cách an toàn khá dễ dàng, nhất là trên đường cao tốc.
Do không thể có thước đo chính xác khoảng cách an toàn trong khi đang lưu thông nên mỗi người lái xe hãy đặc biệt cẩn trọng, thậm chí giữ khoảng cách an toàn lớn hơn so với quy định.
Ví dụ để có được khoảng cách an toàn, mỗi người lái xe chỉ cần lấy tốc độ đang lưu thông trừ đi 30 hoặc tốt nhất là 20 thì sẽ ra khoảng cách an toàn cần duy trì với phương tiện phía trước. Chi tiết hơn, nếu xe bạn đang ở tốc độ 90 km/h, bạn lấy 90–20=70. Kết quả 70 chính là khoảng cách an toàn tối thiểu 70 mét mà bạn cần giữ. Khoảng cách này vừa đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật vừa an toàn cho chính bản thân trong trường hợp xe phía trước phanh gấp hoặc gặp sự cố.
Đối với câu hỏi làm sao để đo được khoảng cách thì bạn có thể ước tính theo quan sát của bản thân. Trên thực tế, nếu để ý thì thỉnh thoảng bạn sẽ nhìn thấy những tấm biển ghi 50 m – 100 m – 150 m – 200 m, đây chính là những biển báo để bạn nhìn vào đó có thể dễ dàng ước lượng được khoảng cách trên đường cao tốc.
Hãy cẩn trọng ở mọi tình huống để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và những người tham gia giao thông khác. Vì khi gặp sự cố, khoảng cách an toàn sẽ giúp bạn đủ điều kiện để kịp xử lý tình huống. Thực tế cũng cho thấy, ngay cả đối với ô tô được trang bị nhiều công nghệ an toàn thì ở tốc độ 80 km/h, khoảng cách từ lúc bạn đạp hết phanh đến khi xe dừng hẳn cũng mất ít nhất 50-60 mét tùy điều kiện mặt đường, đó là chưa kể bạn sẽ mất ít nhất 1 giây thời gian từ khi nhận ra sự cố đến khi đạp phanh.
Quy định về khoảng cách an toàn đường bộ | |
Tốc độ lưu hành (km/h) | Khoảng cách an toàn tối thiểu (m) |
V = 60 | 35 |
60 < V ≤ 80 | 55 |
80 < V ≤ 100 | 70 |
100 < V ≤ 120 | 100 |
Nguồn: Thông tư 31/2019/TT-BGTVT |
Mức phạt khi không giữ khoảng cách an toàn đối với ô tô | ||
Phương tiện | Mức phạt chính | Phạt bổ sung |
Ô tô | Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu "Cự ly tối thiểu giữa hai xe" (điểm l khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) |
|
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc. (điểm g khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP)) | Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng nếu gây tai nạn giao thông. (điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) | |
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng khi không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông. (điểm a khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) | Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng. (điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) |
(Tác giả hiện là giáo viên thực hành đào tạo lái xe)
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.