Cần bao nhiều tiền để nâng cấp hạ tầng đường sắt giai đoạn 2022-2023?

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Đường sắt 14/02/2022 17:28

Hạ tầng đường sắt hầu hết đã lạc hậu, chắp vá, già cỗi và cần sớm được bố trí vốn nâng cấp, cải tạo để đảm bảo an toàn chạy tàu.

11

Ảnh minh họa

Nhiều cầu yếu, quá "date"

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, đơn vị hiện đang quản lý, khai thác, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia (KCHTĐS quốc gia) với 15 tuyến đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam. Chất lượng kỹ thuật KCHTĐS hầu hết đều lạc hậu, chắp vá, các tuyến đường sắt được xây dựng từ 50 - 140 năm và hầu hết chưa được vào cấp kỹ thuật.

Hệ thống ga đường sắt gồm 297 ga, phần lớn có quy mô nhỏ, hạ tầng cũ, từ 2 đường đến 3 đường, chiều dài đường ga ngắn, đặc biệt là ga Sông Lũy trên tuyến đường sắt Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh có chiều dài đường đón gửi là 304 m, tạo ra nút thắt vận tải làm giảm năng lực thông qua toàn tuyến.

Cầu Lục Nam (km 24+134 tuyến đường sắt Kép - Hạ Long hay còn gọi là cầu Cẩm Lý, bắc qua sông Lục Nam, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) là cầu duy nhất trên hệ thống đường sắt Việt Nam đang đi chung đường bộ - đường sắt trên cùng lòng cầu.

Cầu Phố Lu (còn gọi là cầu Chung Lu, km 3+167 trên tuyến đường sắt Phố Lu - Pom Hán, Lào Cai) và cầu Long Đại (tuyến đường sắt Bắc Nam, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) hiện đã có cầu đường bộ bên cạnh, nhưng người dân vẫn có thói quen qua cầu chung do giao thông đến cầu đường bộ chưa thuận lợi, tiểm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Trên mạng đường sắt quốc gia hiện vẫn còn 3 cầu đi chung giữa đường bộ và đường sắt là cầu Lục Nam, Long Đại, Phố Lu. Bên cạnh đó là 428 cầu yếu, hết niên hạn sử dụng hoặc không phù hợp quy chuẩn tiêu chuẩn; 28 hầm xuống cấp, thấm dột, ảnh hưởng nhiều đến việc khai thác đường sắt; nhiều đường cong bán kính nhỏ làm giảm tốc độ chạy tàu, giảm năng lực thông qua; nhiều vị trí có nguy cơ sụt trượt, đá lăn đá rơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt trong mùa mưa bão; nhiều vị trí ghi mòn, sứt mẻ không đảm bảo an toàn khai thác.

Phần lớn nhà ga, kho ga là cấp IV, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, trang bị nội thất sơ sài; hiện chỉ có ga Nình Bình, ga Hạ Long mới được xây dựng theo quy chuẩn hiện hành. Tổng số các công trình kiến trúc đã quá niên hạn sử dụng hoặc mất an toàn sử dụng là 220 công trình, trong đó có 25 công trình được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Có 35 ga chỉ có 2 đường đón gửi tàu, trong đó tuyến đường sắt Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh có 15 ga. 

Hệ thống kho ga, bãi hàng chủ yếu đã đầu tư từ nhiều năm trước, phần lớn là kho hàng tổng hợp đã xuống cấp, không có kho nào đạt tiêu chuẩn để lưu trữ, bảo quản các mặt hàng tươi sống, hàng hóa có giá trị cao. Chỉ có 4 ga có bãi hàng và thiết bị xếp dỡ, bảo quản container (Lào Cai 100.000TEU/năm, Đông Anh 85.000TEU/năm, Yên Viên 578.000TEU/năm, Trảng Bom 120.000 TEU/năm), các bãi hàng còn lại không đủ tiêu chuẩn để lưu giữ, bảo quản container.

cau-chung-sat-bo-cam-ly-xe-tai-1582252425-width256
Cầu Lục Nam (hay còn gọi là cầu Cẩm Lý) là cầu duy nhất trên hệ thống đường sắt Việt Nam đang đi chung đường bộ - đường sắt trên cùng lòng cầu. (Ảnh: Báo Giao thông)

Cần hơn 8.000 tỷ để nâng cấp ngay hạ tầng đường sắt

Từ thực trạng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT ưu tiên bố trí kinh phí để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp ngay trong giai đoạn 2022-2023. Cụ thể:

Đối với các công trình nhà ga, kho ga, bãi hàng, đường vào ga góp phần nâng cao năng lực và tăng hiệu quả rõ rệt của vận tải đường sắt, VNR đề xuất sửa chữa, cải tạo, nâng cấp bãi hàng, kho hàng, đường vào ga, các công trình phụ trợ tại 9 ga hàng hóa trọng điểm. Việc đầu tư cần đảm bảo đồng bộ, hiện đại từ bãi hàng, kho hàng, đường bộ kết nối và các công trình phụ trợ; tập trung vào các khu vực đầu mối có khối lượng vận tải lớn, có tác động sâu sắc đến tính cạnh tranh của vận tải đường sắt (như bãi hàng Sóng Thần, Đồng Đăng, Kim Liên, Diêu Trì,…).

Bên cạnh đó, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp nhà ga, đường vào ga, các công trình phụ trợ của 32 ga khách cần thiết, góp phần nâng cao năng lực và tăng hiệu quả vận tải hành khách bằng đường sắt. Việc đầu tư cần bảo đảm đồng bộ, đầy đủ đường bộ vào ga, tường rào bảo vệ, mái che ke ga, cầu vượt người đi bộ,… phục vụ tốt nhất cho vận tải hành khách bằng đường sắt.

Đối với các công trình cầu yếu, cầu đi chung giữa đường sắt và đường bộ, hiện tổng số cầu yếu, hết niên hạn sử dụng, không phù hợp quy chuẩn tiêu chuẩn trên mạng đường sắt quốc gia là 428 cầu.

Tuyến đường sắt Bắc - Nam có 87 cầu có dấu hiệu nguy hiểm, cần thay thế cầu hoặc gia cố, gồm 55 cầu đoạn Đà Nẵng - Quy Nhơn và 32 cầu đoạn Quy Nhơn - Sài Gòn. 

"Đề nghị Bộ GTVT ưu tiên bố trí kinh phí để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp ngay để đảm bảo an toàn đối với 87 cầu có dấu hiệu nguy hiểm. Trên mạng đường sắt quốc gia hiện còn 3 cầu đi chung giữa đường bộ và đường sắt (Lục Nam, Long Đại, Phố Lu). Đề nghị Bộ GTVT bố trí kinh phí để tách riêng giao thông đường bộ, đường sắt tại 3 cầu này." - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất.

VNR cho biết thêm, toàn tuyến Hà Nội-Tp.Hồ Chí Minh có 22 hầm, hiện Dự án 7.000 tỷ đã có kế hoạch cải tạo, sửa chữa 9 hầm. VNR cũng đã đề nghị Bộ GTVT bố trí kinh phí để cải tạo, sửa chữa 13 hầm còn lại.

Ngoài ra, VNR cũng đề xuất bố trí vốn để cải tạo cục bộ bình diện đường cong bán kính nhỏ tại 26 đường cong; thay ghi tốc độ cao 6 công trình; xử lý nguy cơ đá lăn, đá rơi đảm bảo an toàn 14 vị trí; bố trí kinh phí làm cầu vượt để xử lý các giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt tại 9 vị trí.

Ước tính, tổng kinh phí dự kiến cho công tác cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng ngay trong giai đoạn 2022-2023 là 8.340 tỷ đồng, trong đó, các công trình nhà ga, kho ga, bãi hàng, đường vào ga cần 2.380 tỷ VNĐ (ga hàng hóa 1.100 tỷ đồng, ga hành khách 1.280 tỷ VNĐ); các công trình cầu yếu, cầu đi chung cần khoảng 1.700 tỷ VNĐ; các công trình hầm yếu, xuống cấp, thấm dột cần 1.900 tỷ VNĐ; công trình tuyến hạn chế tốc độ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cần 1.160 tỷ VNĐ; các công trình xử lý điểm giao cắt giữa đường bộ, đường sắt cần 1.200 tỷ VNĐ.

Ý kiến của bạn

Bình luận