Cần Thơ đi TP.HCM chỉ mất 45 phút với đường sắt tốc độ cao

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đường sắt 18/03/2022 06:59

Với vận tốc hơn 200 km/h, từ TP. Cần Thơ đến TP.HCM bằng đường sắt tốc độ cao chỉ cần 45 phút thay vì 3 - 4 giờ như trước đây.

 

5CE16498-D19E-42CB-974F-8CCFE5208D0B

Sơ đồ hướng tuyến đường sắt tốc độ cao từ TP. HCM đi Cần Thơ 

Ngày 17/3, Sở GTVT TP. Cần Thơ đã có buổi làm việc với Ban QLDA Đường sắt về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao TP. HCM - Cần Thơ, đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ. Dự án do Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam đề xuất. 

Tuyến đường sắt tốc độ cao TP. HCM - Cần Thơ được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Theo đó, tuyến đường có khổ đường đôi 1.435 mm, kết hợp vận tải hành khách và hàng hóa. Tốc độ tối đa của tàu khách là 200 km/h và tàu hàng là 150 km/h. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ USD.

Dự án sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ kết nối hai trung tâm kinh tế phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm khu vực ĐBSCL là TP. HCM và Cần Thơ với các tỉnh, thành khác trong vùng.

Dự án cung cấp dịch vụ vận chuyển khối lượng lớn, an toàn, nhanh và chính xác về thời gian, đáp ứng nhu cầu vận tải, kết nối thuận tiện với các loại hình GTVT khác, góp phần đảm bảo giao thông thông suốt, giảm phương tiện cá nhân và lượng tiêu thụ năng lượng, giảm tác động xấu đến môi trường.

Theo đơn vị tư vấn (Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam), Dự án đường sắt TP. HCM - Cần Thơ có điểm đầu là ga An Bình (thuộc phường An Bình, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương), điểm cuối là ga Cái Răng (thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) với chiều dài khoảng 173 km. Tuyến đi qua, kết nối 6 địa phương: tỉnh Bình dương, TP. HCM, tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Vĩnh Long và TP. Cần Thơ với khoảng 13 ga và 2 trạm khách.

Tuyến có chiều dài khoảng 6,5 km đi qua TP. Cần Thơ. Dự kiến, hướng tuyến đi giữa trục đường 1A khu công nghiệp Hưng Phú 1, sau đó qua khu đô thị Nam Cần Thơ. Trên đoạn tuyến này, đường sắt đi trên cao vượt qua sông Hậu và khu đô thị mới Nam Cần Thơ để tránh giao cắt với QL91 và đường trục trong khu công nghiệp Hưng Phú 1.

“Hướng tuyến trên địa phận TP. Cần Thơ cơ bản theo hướng trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng như trong Quy hoạch chi tiết đường sắt TP. HCM - Cần Thơ nghiên cứu trước đây. Tuy nhiên, tư vấn đã xem xét cập nhật, lồng ghép và điều chỉnh hướng tuyến đường sắt phù hợp với Dự án đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau”, đại diện đơn vị tư vấn thông tin.

Riêng vị trí ga Cái Răng, đơn vị tư vấn cho biết khu vực dự kiến bố trí nhà ga có quy hoạch nút giao IC2 giữa tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và tuyến nối QL91-Nam sông Hậu ra cảng Cái Cui (quận Cái Răng). Do đó, để đảm thuận lợi khi thực hiện dự án, đơn vị tư vấn đề xuất vị trí ga sẽ song song với đường bộ QL91-Nam sông Hậu, nằm về phía Tây nút giao IC2 khoảng 1,5 km.

Đồng thời, tư vấn cũng kiến nghị TP. Cần Thơ bố trí quy hoạch quỹ đất xung quanh phạm vi của ga nhằm tăng tính hấp dẫn, tăng khối lượng hàng hóa và hành khách cho đường sắt, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Bên cạnh đó, bổ sung quy hoạch các trục đường giao thông phục vụ cũng như đảm bảo tính kết nối giữa bãi hàng tại khu vực ga với các khu công nghiệp trong phạm vi thu hút của các ga trên địa phận thành phố.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở GTVT TP. Cần Thơ cho biết, Dự án đường sắt TP. HCM - Cần Thơ không chỉ riêng TP. Cần Thơ mà còn là sự mong mỏi của người dân ĐBSCL.

Với vận tốc hơn 200 km/h, từ TP. Cần Thơ đến TP. HCM đi bằng đường sắt tốc độ cao chỉ cần 45 phút thay vì phải mất từ 3 - 4 giờ như trước đây. Nếu dự án được phê duyệt, TP. Cần Thơ rất ủng hộ và sẽ tập trung cho việc chuẩn bị thực hiện dự án.

Tuy nhiên về quy hoạch thì đây là dự án rất lớn, do đó địa phương phải điều chỉnh lại quy hoạch về lộ giới, tuyến đường, vị trí nhà ga để phù hợp chung với quy hoạch giao thông của thành phố. Do đó, Sở đề nghị đơn vị tư vấn cập nhật lại quy hoạch tổng thể của khu vực, khảo sát thêm trong trường hợp điều chỉnh lộ giới thì mức độ ảnh hưởng ra sao đến quy hoạch phân khu chi tiết của các khu dân cư. Với những dự án lớn, khâu quy hoạch và đảm bảo kết nối, đảm bảo GPMB cũng như công tác tái định cư là rất quan trọng.

Ý kiến của bạn

Bình luận