Chuyện giờ mới kể về cầu Thăng Long (phần 7)

16/05/2022 06:00

Năm 2013, Bộ GTVT đã giao cho Tổng cục ĐBVN lập dự án sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long.


Phần thứ bảy: Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long do tư vấn Nhật Bản lập

Năm 2013, Bộ GTVT đã giao cho Tổng cục ĐBVN lập dự án sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long. Cơ quan QLDA là Ban QLDA 6 (thuộc Tổng cục ĐBVN), tư vấn lập dự án là Katahira & Engineers International (KEI); sử dụng vốn vay sửa chữa tăng cường cầu yếu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); thời gian thực hiện dự án từ năm 2014 - 2016.

Nhiệm vụ của dự án là nghiên cứu thay thế lớp phủ mặt cầu Thăng Long bằng vật liệu thích hợp đảm bảo độ bền theo thời gian với chu kỳ bảo dưỡng hợp lý, nhằm khai thác cầu Thăng Long một cách hiệu quả theo tuổi thọ thiết kế của công trình cầu. Như vậy, sẽ phải bóc bỏ toàn bộ phần bê tông nhựa và lớp chống thấm cũ ở phạm vi tầng 2 trên các nhịp giàn thép, thay thế bằng lớp vật liệu mới có chiều dày tương đương và phải đảm bảo yêu cầu là chịu tác dụng của tải trọng xe, bảo vệ bản thép chống lại tác động oxy hóa và tạo ma sát chống trượt cho lớp bê tông nhựa bên trên.

Tư vấn KEI phối hợp với Công ty Cổ phần Kỹ sư và Tư vấn Việt Nam của KS. Chu Ngọc Sủng đã tiến hành khảo sát, đánh giá tổng thể và chi tiết tình trạng thực tế về các mặt kết cấu, vật liệu, lưu lượng giao thông… nghiên cứu các giải pháp để sửa chữa tăng cường mặt cầu thép cùng lớp phủ của loại mặt cầu OSD này trên thế giới, từ đó đưa ra 3 phương án chính.

Phương án 1 dùng vật liệu phủ mặt cầu 2 lớp. Lớp nền là hỗn hợp nhựa đúc Gussasphalt MA dày 3,5 cm. MA được trộn bằng cách thêm trực tiếp vào hỗn hợp loại nhựa đường hồ Trinidad để cải thiện độ chảy, độ ổn định khi thi công cũng như tăng độ chống thấm nước và độ dẻo khi sử dụng. Lớp mặt là hỗn hợp asphalt cải tính dày 3,5 cm được trộn thêm cao su chloropen để dễ rải khi thi công cũng như chống nứt và chống bị chảy khi sử dụng. Lớp mặt được tăng độ cứng để chống hằn lún vệt bánh xe (ảnh 1).

Phương án 2 sử dụng hỗn hợp Asphalt trộn nóng (HMA) gồm 3 lớp chính: Lớp 1 là lớp tiếp xúc với mặt thép có nhiệm vụ bảo vệ chống gỉ, phòng nước, dính bám. Lớp này gồm phân lớp dưới cùng là lớp có gốc axits acrylic làm nhiệm vụ chống gỉ, phải có cường độ dính bám 2 Mpa; phân lớp giữa là màng phòng nước, phân lớp ba là bitum cải tính nóng chảy. Lớp 2 là lớp nền dày 3,5 cm bằng hỗn hợp Asphalt trộn nóng (HMA) là hỗn hợp cốt liệu có kích cỡ hạt lớn nhất 4,75 mm trộn với chất dính kết HMA làm từ hỗn hợp Asphalt PG 64-22, TLA (nhựa đường tự nhiên hồ Triadat) và chất polymer SBS. Chất polymer được trộn thêm vào nhựa đường PG 64-22 theo tỷ lệ từ 1,5% hoặc 3,0 % theo yêu cầu của nhà cung cấp nhựa.  Chất dính kết để trộn với cấp phối bao gồm nhựa PG 64-22 cải tính polymer và TLA theo tỷ lệ 60% PG 64-22 cải tính và 40% TLA. Lớp 3 là lớp mặt dày 3,5 cm bằng hỗn hợp nhựa nóng HMA đặc.

Ảnh 1: Cấu tạo lớp phủ bằng MA và Asphalt cải tính

Ảnh 1: Cấu tạo lớp phủ bằng MA và Asphalt cải tính

Phương án 3 lớp nền dày 4 cm bằng UHPC và lớp mặt là hỗn hợp Asphalt cải tính MA. Giữa lớp UHPC và lớp hỗn hợp Asphalt cải tính có lớp dính bám Epoxy. Ngoài ra, trong phạm vi 8 m ở vùng tiếp giáp giữa các các khe co giãn, bản UHPC còn được bố trí thép tròn đường kính 12 mm. Đinh neo cự ly 300 mm chỉ cần bố trí hai hàng dọc theo mép ngoài cùng của bản. Đinh neo cao 32 mm, mũ đinh đường kính 22 mm dày 8 mm, thân đinh đường kính 13 mm. 

Ngày 27/3/2014, bằng Tờ trình số 23/TTr-TCĐBVN gửi Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN đã đề xuất Bộ phê duyệt dự án đầu tư sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long theo hồ sơ do Tư vấn KEI lập nêu trên, có tổng mức đầu tư là 313 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của JICA. Phương án đề xuất là Phương án 1.

Bằng văn bản số 4625/BGTVT-KHĐT, Bộ GTVT khẳng định “Đề xuất của Tổng cục ĐBVN là tiếp tục đầu tư sửa chữa mặt cầu Thăng Long bằng phương án sử dụng công nghệ vật liệu mới Guss-asphalt, phía trên là lớp bê tông nhựa polymer, có xét đến phương án mua máy móc thiết bị thi công tại thời điểm hiện nay là không phù hợp, gây lãng phí và không đủ điều kiện để xem xét”. Văn bản còn cho rằng mặt cầu Thăng Long đã được sửa chữa theo công nghệ mới, kỹ thuật phức tạp, điều kiện thi công chưa tối ưu nên trong quá trình khai thác xuất hiện một số hư hỏng cục bộ và đã được sửa chữa, khắc phục bằng vật liệu Novabond, hiện nay đã cơ bản ổn định (?). Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục ĐBVN căn cứ vào tình trạng hiện tại của mặt cầu, tiếp tục theo dõi, đánh giá và đưa ra giải pháp kỹ thuật tiết kiệm nhất nhằm đảm bảo sửa triệt để mặt cầu, ổn định khai thác lâu dài. Lãnh đạo Bộ GTVT còn yêu cầu “Tổng cục ĐBVN cũng cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm trong việc tham mưu đề xuất phương án đầu tư sửa chữa mặt cầu Thăng Long tại văn bản nêu trên”.

PGS. TS. Tống Trần Tùng
Cố vấn Bộ trưởng Bộ GTVT

Ý kiến của bạn

Bình luận