Cục ĐTNĐ VN nỗ lực bảo đảm TTATGT đường thủy

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 31/07/2016 10:55

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Cục ĐTNĐ VN đã rất chủ động và thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT.

rs
Phương tiện thuỷ vi phạm vẫn còn phổ biến.

Nỗ lực đáng ghi nhận

Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN Trần Văn Thọ cho biết, triển khai Kế hoạch hành động “Năm ATGT – 2016”, Cục đã tăng cường thực hiện hàng loạt các giải pháp đảm bảo TTATGT. Trong đó, lãnh đạo Cục rất tập trung đến công tác thanh kiểm tra đột xuất công tác đảm bảo TTATGT tại các địa phương trên cả nước, đặc biệt là trước, trong và sau mùa Lễ hội năm nay. Đến nay, các đoàn kiểm tra vẫn tiếp tục được tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn tại các bến khách ngang sông trọng điểm và hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng tàu cao tốc.

Trong 6 tháng đầu năm, Cục đã yêu cầu 399 lượt chủ cảng, bến và phương tiện ký cam kết bảo đảm ATGT ĐTNĐ trong mùa lễ hội; cấp phát 1.751 tài liệu, tờ rơi, in sao các văn bản quy phạm pháp luật cho 3.488 cảng, bến, phương tiện; tổ chức 125 cuộc kiểm tra, phát hiện 2.866 trường hợp vi phạm, lập biên bản xử phạt 2.332 trường hợp với số tiền xử phạt trên 2,3 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 304 bến TNĐ. 209 phương tiện và 21 đối tượng; lập biên bản nhắc nhở 167 trường hợp vi phạm khác.

Luc lien lien nganh dam bao TTATGT tren tuyen song
Lực lượng liên ngành tuần tra xử lý vi phạm trên tuyến sông Hồng, Hà Nội

Bên cạnh đó, Cục đã tiến hành phối hợp với các đơn vị có liên quan hưởng ứng cuộc vận động “Kết nối cộng đồng – vì ATGT”, trao tặng 450 áo phao cứu sinh cho người dân các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và Quảng Trị; trao tặng 100 phao tròn, 100 áo phao, 150 dụng cụ nổi cho Ban ATGT tỉnh Yên Bái hướng ứng Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Vì một xã hội an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em” và chiến dịch phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ em năm 2016. Đồng thời, thực hiện giải pháp đảm bảo TTATGT qua đường dây nóng và tuyên truyền pháp luật TTATGT trên hệ thống mạng xã hội.

“Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT và sự nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm của lãnh đạo, công chức, viên chức các phòng ban, đơn vị, công tác bảo đảm TTAGT 6 tháng đầu năm nay tiếp tục được duy trì ổn định, nhất là trong các đợt cao điểm diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán Bính Thân và mùa Lễ hội Xuân” – Phó Cục trưởng Trần Văn Thọ nhấn mạnh.

DSC06463_Snapseed
Theo Phó Cục trưởng Trần Văn Thọ, công tác bảo đảm TTAGT 6 tháng đầu năm nay tiếp tục được duy trì ổn định.

Theo thống kê của Cục ĐTNĐ VN, trong 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 50 vụ TNGT đường thủy, làm chết 28 người, bị thương 5 người. So với cùng kỳ năm 2015, tăng 3 vụ (6,44%); giảm 13 người chết (31,71%). Trong đó, có những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng như: Phương tiện TNĐ đâm va làm hư hỏng các cầu đường sắt, đường bộ vượt sông (cầu An Thái, cầu Cơn Độ, cầu Ghềnh); vụ chìm tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn – Đà Nẵng làm 3 người chết; vụ 2 phương tiện chở hàng đâm nhau trên sông Hồng làm 4 người chết trong một gia đình; vụ cháy tàu trên vịnh Hạ Long; vụ chìm tàu khi neo đậu trong cảng, bến trên vịnh Hạ Long.

Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN Trần Văn Thọ cho biết: “Khi xảy ra các vụ TNGT đường thủy đặc biệt nghiêm trọng, lãnh đạo Cục ĐTNĐ VN đã kịp thời tổ chức các đoàn đến hiện trường kiểm tra, thăm hỏi, chia buồn với những gia đình có người bị nạn và phối hợp với các cơ quan liên quan sớm xác định nguyên nhân, tổ chức khắc phục hậu quả”.

Đánh giá về công tác đảm bảo TTATGT trong 6 tháng đầu năm của Cục ĐTNĐ VN, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, nỗ lực của Cục ĐTNĐ VN là rất đáng ghi nhận. Đặc biệt là sự quyết liệt và hiệu quả khi triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả các vụ tai nạn sập cầu. Cục cũng đã chủ động tìm ra những giải pháp cụ thể phù hợp với đặc thu của từng vùng miền địa phương. Trong đó, Cục đã tham mưu cho Bộ GTVT về thực trạng các giải pháp khắc phục 54 điểm giao cắt giữa đường thủy, đường sắt, đường bộ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục ĐTNĐ VN phải rà soát lại toàn bộ công tác đảm bảo TTATGT để khắc phục sớm nhất những tồn tại, hạn chế đang là nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc trong lĩnh vực giao thông thủy.

Cần quan tâm và đổi mới hơn nữa

Bên cạnh nâng cao ý thức chấp hành pháp luật TTAGT của người tham gia giao thông thủy, công tác quản lý và đào tạo thuyền viên, người lái cũng được Cục quan tâm và thực hiện nghiêm túc. Trong 6 tháng đầu năm, Cục đã tổ chức 27 Hội đồng thi cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền, máy trưởng phương tiện thủy nội địa; tạo cấp được tổng số 335.580 chứng chỉ, đạt 36,3%. So với 6 tháng đầu năm 2015 tăng 697 chiếc; tiếp tục cập nhật được 148.000 GCNKNCM, CCCM vào phần mềm quản lý Cơ sở dữ liệu.

_DSC6372_Snapseed
Lực lượng Cảng vụ kiểm tra điều kiện phương tiện, thuyền viên.

Theo ThS. Bùi Đình Thiện – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề GTVT Đường thủy II, đào tạo bổ túc cho thuyền viên, người lái là yếu tố rất quan trọng trong đảm bảo TTATGT đường thủy. Trong 6 tháng đầu năm bức tranh đào tạo lĩnh vực ĐTNĐ của toàn ngành khá sáng.

“Trường đã phối hợp với Cảng vụ ĐTNĐ khu vực IV xuống tận các nhà máy trong khu vực để đào tạo theo hình thức trả góp nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được thuận lợi trong việc học tập, rèn luyện kỹ năng chuyên môn” – ThS Bùi Đình Thiện chia sẻ.

Cũng theo ThS. Bùi Đình Thiện, công tác đào tạo cần phải đổi mới 3 điểm. Thứ nhất là chương trình đào tạo cần chuyển sang thi trắc nghiệm để hạn chế yếu tố tác động của con người đến sự trung thực của bài thi. Thứ 2 là thi bằng song ngữ để những người nước ngoài có thể dễ dàng thực hiên, bởi lượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có nhu cầu học và có bằng cấp là rất cao. Thứ 3 là việc chuyển đổi bằng cấp hiện “học một đằng, thi một nẻo”, vì vậy, cần quy định rõ là học cái gì thì thi cái nấy.

Về thực trạng TTATGT theo tình hình mới, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực IV Cao Tấn Quân cho rằng, cần phải có quy chế cụ thể về kiểm soát tải trọng phương tiện TNĐ “bài bản” như trên đường bộ. “Trên các tuyến ĐTNĐ Quốc gia hiện nay làm rất chặt chẽ, nhưng các tuyến ĐTNĐ địa phương lại lỏng lẻo. Điều này đã tạo nên phản ứng rất lớn từ phía những người chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật, cũng như bất cập khi các phương tiện lưu thông trên cả tuyến ĐTNĐ quốc gia và cả tuyến ĐTNĐ địa phương. Vì vậy, cần sự đồng bộ để có thể kiểm soát tốt hơn và tránh phản ứng tiêu cực từ phía phương tiện”.

Cũng theo Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực IV, lực lượng TTGT của Cục tại phía Nam rất mỏng, trong khi lực lượng TTGT của Sở thì chỉ tập trung trên đường bộ. Bên cạnh đó, Cảng vụ Trung ương và Cảng vụ Địa phương chưa đồng bộ đã dẫn đến nhiều bất cập như việc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực IV xử phạt vi phạm trên 3 tỷ đồng trong khi Cảng vụ của địa phương chưa triển khai xử phạt.

“20% số lượng bến hoạt động không phép. Đây chính là nơi xuất phát của những nguy cơ TNGT cao nhất và thuộc quản lý của địa phương. Nhưng bất cập ở chỗ khi xảy ra tai nạn thì lại quy trách nhiệm nặng nề cho Cảng vụ Trung ương như những vụ TNGT vừa qua. Trong khi đó, nguyên nhân tai nạn cũng như công tác quản lý, kiểm soát lại thuộc về địa phương rất nhiều” – Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực IV cho biết.

Theo ông Hoàng Văn Hùng – Chi Cục trưởng Chi cục ĐTNĐ phía Nam cho biết, tốc độ phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là vận tải thủy (trên 20%/năm) cùng với lượng phương tiện trọng tải lớn do người dân đóng mới tăng cao, TTATGT trên nhiều tuyến ĐTNĐ huyết mạch đang xảy ra tình trạng ách tắc, va chạm nhiều. Theo đó, nhiều tuyến huyết mạch hiện còn rất nhiều hạn chế về luồng lạch cần sớm được cải tạo, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu vận tải và đảm bảo TTATGT. Trong đó, nổi cộm là các tuyến: Tp. Hồ Chính Minh – Đồng Nai; Tp. Hồ Chí Minh – Tiền Giang – Chợ Gạo; Rạch Chanh; Cần Thơ – Cà Mau…. 

Ý kiến của bạn

Bình luận