Siết chặt quản lý xe máy điện góp phần đảm bảo ATGT |
Trước giờ “G”
Thông tư số 15/2014/BCA nêu rõ, kể từ ngày 6/12/2015 đến hết 30/6/2016, tất cả các trường hợp đến các cơ quan chức năng như phòng CSGT, công an các huyện, thị, thành phố để làm thủ tục đăng ký sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất, kể cả các loại xe mô tô điện, xe máy điện không có các thủ tục cần thiết như hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, xe không có số khung, đặc biệt là được miễn lệ phí trước bạ và lệ phí đăng ký.
Nhưng kể từ ngày 01/7/2016, để làm thủ tục đăng ký xe máy điện, các chủ phương tiện phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ như: Phiếu xuất xưởng đối với xe trong nước, giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe nhập khẩu và phải nộp lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký. Sau ngày 01/7, người điều khiển xe máy điện tham gia giao thông nếu không hoặc chưa đăng ký sẽ bị xử phạt theo quy định.
Sau khi thông tư có hiệu lực, các cơ quan truyền thông đại chúng đã tập trung tuyên truyền để người dân biết và thực hiện quy định một cách nghiêm túc. Đến nay, sau hơn 4 tháng thực hiện thông tư của Bộ Công an, cả nước đã tiến hành đăng ký và cấp biển cho 10.292 phương tiện xe máy điện. Tuy nhiên, theo báo cáo sơ bộ và điều tra thực tế thì phương tiện đã đăng ký còn rất khiêm tốn.
Đến nay, sau gần 5 tháng thực hiện Thông tư 15/2014/BCA, toàn quốc hiện có 163.158 phương tiện xe máy điện đăng ký theo đúng yêu cầu, đây là một số lượng khá ít ỏi so với số lượng xe thực tế trên cả nước. Địa phương có số lượng lớn triển khai việc đăng ký xe máy điện là Hà Nội với 24.804 phương tiện, Quảng Ninh 5.531 phương tiện, Hải Dương 7.348 phương tiện, Hòa Bình 2.605 phương tiện... Tuy nhiên, theo báo cáo sơ bộ và điều tra thực tế thì số lượng phương tiện đã đăng ký còn rất khiêm tốn so với số liệu thực tế.
Theo số liệu thống kê của Bộ GTVT, trong những năm gần đây, số lượng xe đạp điện, xe máy điện gia tăng rất nhanh với khoảng 2 triệu xe trên cả nước. Như vậy, xe đạp điện, xe máy điện đã trở thành loại phương tiện được nhiều người sử dụng bởi những ưu điểm gọn nhẹ, linh hoạt và đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Mặt khác, với giá cả phải chăng, chỉ cần bỏ ra từ vài triệu đến vài chục triệu, người dân có thể dễ dàng sở hữu một chiếc xe đạp, xe máy có thể chạy với tốc độ ngang xe máy thông thường mà không cần phải có bằng lái xe, không hạn chế về độ tuổi người điều khiển.
Với sự bùng nổ về số lượng xe đạp điện, xe máy điện như hiện nay, trong khi cơ sở hạ tầng không có sự thay đổi lớn và thiếu sự kiểm soát về chất lượng phương tiện, cộng với ý thức chấp hành các quy định về ATGT của người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện chưa cao nên số vụ tai nạn và UTGT có liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện có xu hướng gia tăng.
Truy tìm “nút thắt - nút gỡ”
Qua khảo sát cho thấy, hiện nay phần lớn người sử dụng xe máy điện hiện đang rơi vào tình trạng bất an, bởi thủ tục đăng ký, giấy tờ như thế nào vẫn không biết hỏi ai. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “ế ẩm” trong khâu đăng ký các loại phương tiện này.
Nhiều xe đạp điện, xe máy điện vẫn chưa được đăng ký và ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người điều khiển phương tiện còn thấp |
Anh Nguyễn Văn Hùng (54 tuổi ở Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Nội) nêu vấn đề: “Năm 2014, tôi mua cho cậu con trai học cấp 3 một chiếc xe máy điện. Khi bán xe, của hàng chỉ giao cho anh 01 phiếu bảo hành chứ không hề có hóa đơn. Sau 01 năm, tấm giấy nhàu nát nên gia đình bỏ đi, tới khi cần giấy tờ hợp lệ theo quy định thì không còn gì. Giờ thì chuyện đã rồi, không biết xử lý thế nào để được đăng ký?”.
Còn chị Phạm Hà Trang (30 tuổi ở Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) tỏ ra bất lực: “Thời gian trước tôi có mua một xe máy điện trôi nổi ngoài thị trường, nên số khung số máy hoen gỉ. Khi đi đăng ký, cơ quan chức năng thông báo chiếc xe này không đủ điều kiện để được đăng ký. Như vậy, lỗi là do tôi”.
Được biết, trong quá trình đăng ký, các lực lượng chuyên môn Phòng CSGT Hà Nội phải áp dụng biện pháp nghiệp vụ và các quy trình để cấp biển đăng ký cho chủ phương tiện, sau đó đóng số khung, số máy phục vụ công tác quản lý. Việc đóng số khung, số máy hoàn toàn miễn phí.
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho biết, dù nỗ lực song lực lượng CSGT cũng đã gặp không ít khó khăn trong công tác đăng ký, bởi hiện chưa có một tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng nào về xe máy điện, xe mô tô điện. Nhìn bằng mắt thường, rất khó xác định công suất của xe, nhất là với xe mô tô điện tháo bàn đạp trước. Thậm chí, nếu căn cứ theo kiểu xe máy điện có chỗ ngồi rộng bao nhiêu, thì cũng rất khó xử lý vì không phải lúc nào CSGT cũng mang cân và thước đo bên mình…
Đặc biệt, đối với những xe máy điện không có số khung, số máy, Phòng CSGT cũng yêu cầu các quận, huyện tạo điều kiện cho người dân, phải đóng ở nơi thuận lợi, dễ nhìn.
Theo tìm hiểu của PV, hiện trên thị trường có rất nhiều loại xe máy điện với đủ chủng loại nhưng phần lớn không có các chứng từ theo quy định. Về vấn đề này, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, kể từ ngày 01/7/2016, người dân không nên mua các loại phương tiện xe máy điện, xe đạp điện không đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.