Đề nghị 6 tỉnh miền Tây hỗ trợ khảo sát vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam

Tác giả: Đình Quang

saosaosaosaosao
Đường bộ 19/09/2022 15:21

Dự án được Bộ GTVT giao cho Ban QLDA Mỹ Thuận làm chủ đầu tư để triển khai thực hiện, dự kiến nhu cầu sử dụng cát đắp nền đường khoảng 18 triệu m3.

Đề nghị 6 tỉnh miền Tây hỗ trợ khảo sát vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được Bộ GTVT giao cho Ban QLDA Mỹ Thuận làm chủ đầu tư để triển khai thực hiện, dự kiến nhu cầu sử dụng cát đắp nền đường khoảng 18 triệu m3 (ảnh minh họa)

Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị UBND 6 tỉnh, thành: TP.Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng hỗ trợ công tác điều tra, khảo sát nguồn vật liệu đắp nền đường phục vụ cho các dự án xây dựng đường cao tốc trong khu vực  Đồng bằng Sông Cửu Long.

Văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy ký cho biết, các dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà  Mau thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được Bộ GTVT phê duyệt tại các Quyết định 911/QĐ-BGTVT, Quyết định 912/QĐ-BGTVT ngày 13/7/2022 và giao cho Ban QLDA Mỹ Thuận làm chủ đầu tư để triển khai  thực hiện, dự kiến nhu cầu sử dụng cát đắp nền đường khoảng 18 triệu m3.

Để chủ động nguồn cung cấp vật liệu, Bộ GTVT đã làm việc với lãnh đạo  tỉnh Đồng Tháp, An Giang để thống nhất cung cấp vật liệu cát đắp cho các dự án  theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết của Chính phủ. Tuy nhiên, do các địa phương đang ưu tiên nguồn để phục vụ công trình trong tỉnh nên hiện chỉ có tỉnh An Giang cam kết cấp khoảng 1,1 triệu m3 từ việc tăng 50% công suất các mỏ. Đối với việc cấp phép các mỏ mới để khai thác phục vụ nhu cầu của các dự án, cả hai tỉnh  đều chưa khẳng định.

Theo báo cáo kết quả làm việc với các địa phương của Ban QLDA Mỹ Thuận tại Văn bản 2352 ngày 26/8/2022 về vật liệu cát đắp nền đường phục vụ dự án, hiện nay, ngoài việc khảo sát, đánh giá các mỏ đang  khai thác (về chất lượng, trữ lượng, công suất,...), Ban QLDA Mỹ Thuận đang chỉ  đạo các đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, đánh giá chất lượng, khả năng cung ứng đối với các mỏ đã có trong quy hoạch chưa được cấp phép, các mỏ tiềm năng chưa  có trong quy hoạch, các mỏ cát biển,... .

Để tạo điều kiện cho các đơn vị trong công tác khảo sát, đánh giá, xác định các nguồn có khả năng cung cấp vật liệu cát đắp nền đường và hoàn thiện các thủ tục để khai thác, đảm bảo tiến độ triển khai xây dựng và hoàn thành các dự án theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành  phố hỗ trợ và chỉ đạo các cơ quan liên quan của địa phương phối hợp, tạo điều kiện cho Ban QLDA Mỹ Thuận, đơn vị Tư vấn trong  quá trình điều tra, khảo sát các mỏ vật liệu trên địa bàn.

"Đối với một số khu vực mỏ cát sông có trong quy hoạch nhưng chưa khai thác và các vị trí có tiềm năng chưa có trong quy hoạch, cho phép tư vấn được khoan khảo sát thăm dò, lấy mẫu để đánh giá chất lượng, trữ lượng và khả năng  khai thác", Bộ GTVT đề nghị.

Đồng thời, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh cho phép các đơn vị khai thác (khoảng 5.000m3 cát biển, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng) để thi công thí điểm và phục vụ nghiên cứu, đánh giá khả năng sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án đầu tư xây dựng  kết cấu HTGT tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan hướng dẫn thủ tục cần thiết để thực  hiện.

Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, có tổng chiều dài 109km. Tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe hạn chế, dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành năm 2025. Dự án đi qua địa bàn 5 tỉnh, thành, gồm: TP.Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.