Đề xuất đầu tư Quốc lộ 3 mới thành đường cao tốc và thu phí

Giao thông 24h 26/06/2015 10:54

Liên danh các nhà đầu tư vừa có đề xuất gửi Bộ GTVT đầu tư hoàn thiện QL3 mới Hà Nội-Thái Nguyên đáp ứng tiêu chuẩn cao tốc theo hình thức BOT.

 

HNTN
Đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên

Theo đó, liên danh các nhà đầu tư gồm Công ty Cổ phần Việt Xuân Mới, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất, thương mại, dịch vụ Yên Khách và Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp dầu khí IMICO sẽ đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục của dự án quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội-Thái Nguyên đáp ứng quy mô cao tốc, nâng tốc độ khai thác trên toàn tuyến này lên 100-120km/giờ đồng thời thanh toán nợ cho các nhà thầu xây lắp do nguồn vốn thiếu trong quá trình thực hiện dự án.

Cụ thể, tuyến cao tốc này sẽ được đầu tư các hạng mục hoàn chỉnh bao gồm: thi công hoàn chỉnh quy mô mặt cắt ngang đoạn km26+900-km63+800 tăng chiều rộng làn xe và dải an toàn, thi công các điểm dừng khẩn cấp.

Quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên được khởi công từ tháng 11 năm 2009 với tổng chiều dài 63,8km đường đi qua 3 địa phương là Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên trong đó có 18 cầu trên tuyến chính với tổng chiều dài 2,7km, 15 cầu vượt đường ngang.Quy mô bề rộng nền đường là 34,5m trong đó đoạn Ninh Hiệp-Sóc Sơn dài 26,9km có bề rộng mặt đường là 21m với 4 làn xe chạy và 2 làn xe dừng khẩn cấp, đoạn Sóc Sơn-Thái Nguyên dài gần 37km có bề rộng mặt đường 18m với 4 làn xe chạy.Tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, trong đó 6.600 tỷ từ nguồn vay JICA, còn lại là vốn đối ứng trong nước. Hiện, tuyến đường có tốc độ khai thác từ 80km/giờ lên 100km/giờ.

Ngoài ra, tuyến đường sẽ được thảm lớp bê tông nhựa tạo nhám dày 2cm trên toàn bộ mặt đường kể cả làn dừng xe khẩn cấp để tăng độ nhám mặt đường đảm bảo an toàn xe chạy theo tốc độ thiết kế đường cao tốc. Kèm theo ​đó, dự án sẽ xây dựng hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông, trạm dịch vụ và nhà điều hành đường cao tốc, hệ thống thu phí kín, hệ thống giao thông thông minh (ITS), hoàn thiện các đường gom.

Tổng mức đầu tư dự kiến là 3.258 tỷ đồng, trong đó đầu tư các hạng mục bổ sung cần 1.966 tỷ đồng và hơn 1.200 tỷ đồng trả nợ các nhà thầu.

Nếu được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận, dự kiến công tác lựa chọn nhà đầu tư và ký hợp đồng vào tháng 10/2015, hoàn thành công tác xây dựng vào tháng 5/2016.

Liên danh các nhà dầu tư cũng đưa ra lộ trình thu phí từ tháng 6/2016 với sáu trạm thu phí kín trên toàn tuyến. Thời gian khai thác thu phí hoàn vốn dự kiến là 21 năm 6 tháng.

Do nhà đầu tư phải thu xếp khoản vốn lớn trong thời gian ngắn để thanh toán rủi ro cho nhà thầu cũ và đầu tư các hạng mục hoàn chỉnh, liên danh nhà đầu tư kiến nghị ưu đãi về thuế VAT khi cho phép doanh nghiệp được trả chậm và không tính lãi thuế VAT từ doanh thu thu phí và có thể bắt đầu trả sau khi đã trả nợ ngân hàng nhằm tăng nguồn trả nợ; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đồng thời được kinh doanh các dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi đất giao cho dự án và độc quyền kinh doanh dịch vụ quảng cáo dọc theo tuyến đường.

Ý kiến của bạn

Bình luận