Đội mô tô tình nguyện dẫn đường cho xe cứu thương khi đường tắc

Giao thông toàn cầu 23/06/2021 14:57

Xe cứu thương gặp rất nhiều khó khăn khi di chuyển trên các đường phố ở Jakarta, Indonesia cho đến khi có sự xuất hiện của đội hộ tống xe cứu thương.

-ni--ambulance-escort-01

Cứ mỗi khi tiếng còi hú xe cứu thương vang lên là không lâu sau sẽ có 3 chiếc xe mô tô ở đâu phi tới áp sát. Các nhân viên cấp cứu không còn xa lạ với cảnh này, thậm chí họ còn hạ cửa sổ để thông báo cho các tay lái biết địa điểm chiếc xe cấp cứu này đang hướng đến: một cơ sở cách ly Covid-19 ở ngoại ô phía nam Jakarta.

Chỉ còn vài phút nữa xe cứu thương sẽ tới một điểm nóng ùn tắc. Đây là một ngã ba không có đèn giao thông, vạch kẻ đường hay cảnh sát; xe tải, xe con và xe máy chen chúc nhau để giành đi trước. Lúc này, một tay lái mô tô bật tiếng còi hú đặc trưng của mình, đồng thời ra hiệu cho các phương tiện khác nhường đường cho xe cứu thương. Hầu hết mọi người đều chấp hành nhưng vẫn có một số người không tuân thủ, buộc các tay lái phải tới thuyết phục. Sau khi đưa chiếc xe cứu thương đến địa điểm, nhóm mô tô này mới tạm biệt và rời đi.

Ba tay lái mô tô này là thành viên của Đội Hộ tống Xe cứu thương Indonesia (IEA) - một nhóm tài xế mô tô tình nguyện dẫn đường cho xe cứu thương ở Indonesia. Trước đại dịch, Jakarta liên tục nằm trong top những thành phố tắc nghẽn nhất thế giới, theo kết quả khảo sát của công ty công nghệ TomTom. Thậm chí có ngày, 95% đường phố tại Jakarta bị ùn tắc. Đã có nhiều trường hợp xe cấp cứu bị mắc kẹt trong đám đông tắc đường, dẫn đến bệnh nhân qua đời vì không thể đến bệnh viện kịp thời. "Tôi cảm thấy rất bất bình mỗi khi thấy ai đó không nhường đường cho xe cứu thương. Sao họ có thể vô cảm đến vậy?" - Sebastian Dwiantoro, 23 tuổi, thành viên của IAE chia sẻ.

Đó là lý do IEA được thành lập từ tháng 3/2017. Đến nay, IEA đã có gần 2.000 thành viên hoạt động tại 80 thành phố, liên kết với hầu hết các bệnh viện và xe cứu thương trên toàn Indonesia. Con số này là không tưởng với anh Nova Widyatmoko - người sáng lập IEA khi vốn dĩ ban đầu anh chỉ định lập một hội anh em cùng sở thích mô tô. Khi ngày nào cũng phải chứng kiến cảnh xe cứu thương bị mắc kẹt trong những đám đông tắc đường, Widyatmoko đã viết một bài đăng trên Facebook và lập một nhóm chat với tên gọi IEA. Chỉ trong vài tuần, 150 người đã tham gia dù không được trả đồng nào, các thành viên phải tự trả chi phí xăng xe và bảo dưỡng. Đôi khi, một số người còn tự bỏ tiền túi để cải tạo xe của họ cho phù hợp với công việc bằng cách thêm còi báo động, đèn pha, đèn nháy và hộp sơ cứu. Dần dần nhóm phát triển thành một đội hộ tống chuyên nghiệp và nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Hội Chữ thập đỏ Indonesia, các sở cứu hỏa cũng như các cơ quan, tổ chức cứu trợ thiên tai khác nhau. Các thành viên IEA được đào tạo về sơ cứu nên đôi khi còn đóng vai trò là nhân viên y tế. Họ cũng được đào tạo về ứng phó thiên tai nên ngay cả ở những khu vực không kẹt xe, họ cũng có mặt.

2323(1)

Các thành viên IEA cho biết, kể từ khi đại dịch xảy ra, họ đã phải làm việc nhiều giờ hơn, hộ tống nhiều xe cứu thương hơn và di chuyển xa hơn, thậm chí có những hôm phải đi từ sáng sớm đến tối muộn.

Anh Dwiantoro cho biết, mọi người ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc nhường đường cho xe cứu thương mà không cần nhiều sự can thiệp của IEA. Tuy nhiên, đôi khi vẫn có những người thiếu hợp tác, thậm chí còn mắng mỏ các thành viên.

"Điều này đôi khi khiến chúng tôi cảm thấy buồn nhưng những lời cảm ơn từ gia đình các bệnh nhân đã tiếp thêm động lực để chúng tôi tiếp tục công việc này." - anh Dwiantoro nói.

Anh Widyatmoko, người sáng lập IEA hi vọng một ngày nào đó, các tình nguyên viên sẽ không còn phải hộ tống xe cứu thương nữa.

"Chúng tôi muốn Indonesia giống một số quốc gia khác, nơi mà người dân luôn tự giác nhường đường cho xe cứu thương. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng tôi giải tán hội vì vẫn còn nhiều lĩnh vực khác cần sự đóng góp của chúng tôi như ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn hay sơ cứu."

Ý kiến của bạn

Bình luận